Khi sử dụng hết quỹ dự phòng ngân sách nhà nước mà vẫn chưa khắc phục hết hậu quả của thiên tai thì Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ sử dụng ngân sách từ đâu?
Phạm vi và hệ thống ngân sách nhà nước được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 5 Luật Ngân sách nhà nước 2015 quy định về phạm vi ngân sách nhà nước như sau:
Phạm vi ngân sách nhà nước
1. Thu ngân sách nhà nước bao gồm:
a) Toàn bộ các khoản thu từ thuế, lệ phí;
b) Toàn bộ các khoản phí thu từ các hoạt động dịch vụ do cơ quan nhà nước thực hiện, trường hợp được khoán chi phí hoạt động thì được khấu trừ; các khoản phí thu từ các hoạt động dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước thực hiện nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật;
c) Các khoản viện trợ không hoàn lại của Chính phủ các nước, các tổ chức, cá nhân ở ngoài nước cho Chính phủ Việt Nam và chính quyền địa phương;
d) Các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.
2. Chi ngân sách nhà nước bao gồm:
a) Chi đầu tư phát triển;
b) Chi dự trữ quốc gia;
c) Chi thường xuyên;
d) Chi trả nợ lãi;
đ) Chi viện trợ;
e) Các khoản chi khác theo quy định của pháp luật.
3. Bội chi ngân sách nhà nước.
4. Tổng mức vay của ngân sách nhà nước, bao gồm vay bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc của ngân sách nhà nước.
Theo đó, thu ngân sách nhà nước bao gồm các khoản thu được quy định tại khoản 1 nêu trên. Chi ngân sách nhà nước bao gồm các khoản chi được quy định tại khoản 2 Điều 5 trên.
Căn cứ Điều 6 Luật Ngân sách nhà nước 2015 quy định về hệ thống ngân sách nhà nước như sau:
Hệ thống ngân sách nhà nước
1. Ngân sách nhà nước gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.
2. Ngân sách địa phương gồm ngân sách của các cấp chính quyền địa phương.
Theo đó hệ thống ngân sách nhà nước bao gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Ngân sách địa phương gồm ngân sách của các cấp chính quyền địa phương.
Quỹ dự phòng ngân sách nhà nước
Dự phòng ngân sách nhà nước là gì?
Căn cứ khoản 8 Điều 4 Luật Ngân sách nhà nước 2015 quy định về dự phòng ngân sách nhà nước như sau:
Dự phòng ngân sách nhà nước là một khoản mục trong dự toán chi ngân sách chưa phân bổ đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định ở từng cấp ngân sách.
Căn cứ Điều 10 Luật Ngân sách nhà nước 2015 quy định về dự phòng ngân sách nhà nước như sau:
Dự phòng ngân sách nhà nước
1. Mức bố trí dự phòng từ 2% đến 4% tổng chi ngân sách mỗi cấp.
2. Dự phòng ngân sách nhà nước sử dụng để:
a) Chi phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, cứu đói; nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng, an ninh và các nhiệm vụ cần thiết khác thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách cấp mình mà chưa được dự toán;
b) Chi hỗ trợ cho ngân sách cấp dưới để thực hiện nhiệm vụ quy định tại điểm a khoản này, sau khi ngân sách cấp dưới đã sử dụng dự phòng cấp mình để thực hiện nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu;
c) Chi hỗ trợ các địa phương khác theo quy định tại điểm c khoản 9 Điều 9 của Luật này.
...
Theo đó, dự phòng ngân sách nhà nước là một khoản mục trong dự toán chi ngân sách chưa phân bổ đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định ở từng cấp ngân sách.
Mức bố trí dự phòng từ 2% đến 4% tổng chi ngân sách mỗi cấp. Quỹ dự phòng ngân sách nhà nước được sử dụng để chi cho các mục đích được quy định tại khoản 2 Điều 10 nêu trên.
Khi sử dụng hết quỹ dự phòng ngân sách nhà nước mà vẫn chưa khắc phục hết hậu quả của thiên tai thì Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ sử dụng ngân sách từ đâu?
Căn cứ Điều 11 Luật Ngân sách nhà nước 2015 quy định về quỹ dự trữ tài chính như sau:
Quỹ dự trữ tài chính
1. Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) lập quỹ dự trữ tài chính từ các nguồn tăng thu, kết dư ngân sách, bố trí trong dự toán chi ngân sách hằng năm và các nguồn tài chính khác theo quy định của pháp luật, số dư của quỹ dự trữ tài chính ở mỗi cấp không vượt quá 25% dự toán chi ngân sách hằng năm của cấp đó.
2. Quỹ dự trữ tài chính được sử dụng trong các trường hợp sau:
a) Cho ngân sách tạm ứng để đáp ứng các nhu cầu chi theo dự toán chi ngân sách khi nguồn thu chưa tập trung kịp và phải hoàn trả ngay trong năm ngân sách;
b) Trường hợp thu ngân sách nhà nước hoặc vay để bù đắp bội chi không đạt mức dự toán được Quốc hội, Hội đồng nhân dân quyết định và thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh trên diện rộng, với mức độ nghiêm trọng, nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh và nhiệm vụ cấp bách khác phát sinh ngoài dự toán mà sau khi sắp xếp lại ngân sách, sử dụng hết dự phòng ngân sách mà vẫn chưa đủ nguồn, được sử dụng quỹ dự trữ tài chính để đáp ứng các nhu cầu chi nhưng mức sử dụng trong năm tối đa không quá 70% số dư đầu năm của quỹ.
....
Theo đó, ở mỗi cấp sẽ có quỹ dự trữ tài chính, và mức này ở mỗi cấp không vượt quá 25% dự toán chi ngân sách hằng năm của cấp đó.
Quỹ này được sử dụng cho các trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 11 trên, trong đó có dùng để thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai sau khi sắp xếp lại ngân sách, sử dụng hết dự phòng ngân sách mà vẫn chưa đủ nguồn.
Mức sử dụng trong năm tối đa không quá 70% số dư đầu năm của quỹ.
Như vậy, khi Ủy ban nhân dân tỉnh nơi bạn sinh sống sử dụng hết quỹ dự phòng ngân sách nhà nước mà vẫn chưa khắc phục hết thiên tai thì sẽ sử dụng ngân sách từ quỹ dự trữ tài chính của tỉnh. Tuy nhiên, mức sử dụng quỹ này trong năm tối đa không quá 70% số dư đầu năm của quỹ.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.