Khi nào doanh nghiệp thực hiện vay nước ngoài được cấp bảo lãnh Chính phủ? Thủ tục để thực hiện khoản vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh quy định như thế nào?

Cho tôi hỏi bảo lãnh Chính phủ là gì? Khi nào doanh nghiệp được áp dụng bảo lãnh Chính phủ? Thủ tục để được cấp bảo lãnh Chính phủ cho khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp được quy định như thế nào? Mong nhận được hỗ trợ, xin cảm ơn.

Bão lãnh Chính phủ áp dụng cho những đối tượng nào?

Theo khoản 20 Điều 3 Luật Quản lý nợ công 2017 định nghĩa về bảo lãnh Chính phủ như sau: Bảo lãnh Chính phủ là cam kết của Chính phủ bằng văn bản bảo lãnh với bên cho vay về việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi trong trường hợp đến hạn trả nợ mà bên vay không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ.

Theo đó, tại Điều 4 Nghị định 91/2018/NĐ-CP quy định về đối tượng được cấp bảo lãnh Chính phủ như sau: Đối tượng được bảo lãnh Chính phủ theo quy định tại Điều 41 Luật Quản lý nợ công 2017, đáp ứng đủ các điều kiện cấp bảo lãnh theo quy định tại Điều 5 Nghị định này.

- Đối tượng theo Điều 41 Luật Quản lý nợ công 2017 bao gồm:

+ Doanh nghiệp có dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ, quyết định đầu tư của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công.

+ Ngân hàng chính sách của Nhà nước thực hiện chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước.

Và các đối tượng này phải đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 5 Nghị định 91/2018/NĐ-CP như sau:

- Điều kiện được cấp bảo lãnh Chính phủ đối với doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 43 Luật Quản lý nợ công, cụ thể như sau:

+ Có tư cách pháp nhân, được thành lập hợp pháp tại Việt Nam và có thời gian hoạt động liên tục ít nhất 03 năm trước ngày nộp hồ sơ đề nghị phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh, đề nghị cấp bảo lãnh;

+ Không bị lỗ trong 03 năm liền kề gần nhất theo báo cáo kiểm toán, trừ các khoản lỗ do thực hiện chính sách của Nhà nước được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

+ Không có nợ quá hạn tại thời điểm đề nghị cấp bảo lãnh, gồm nợ quá hạn với cơ quan cho vay lại được quy định tại khoản 2 Điều 33 Luật Quản lý nợ công, nợ quá hạn với Quỹ Tích lũy trả nợ, nợ quá hạn với bên cho vay đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh, nợ quá hạn với các tổ chức tín dụng khác.

+ Có phương án tài chính dự án khả thi được Bộ Tài chính thẩm định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định tại khoản 1 Điều 15 và khoản 1 Điều 20 Nghị định này;

+ Có tỷ lệ vốn chủ sở hữu tham gia dự án tối thiểu 20% tổng mức đầu tư của dự án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kèm theo kế hoạch bố trí vốn chủ sở hữu cụ thể theo tiến độ thực hiện dự án;

+ Trong trường hợp phát hành trái phiếu, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện về phát hành chứng khoán ra công chứng theo quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

- Điều kiện được cấp bảo lãnh Chính phủ đối với ngân hàng chính sách thực hiện chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 43 Luật Quản lý nợ công 2017.

 Bão lãnh Chính phủ áp dụng cho những đối tượng nào?

Bão lãnh Chính phủ áp dụng cho những đối tượng nào?

Mức bảo lãnh Chính phủ được quy định như thế nào?

Theo Điều 6 Nghị định 91/2018/NĐ-CP quy định về mức bảo lãnh Chính phủ như sau:

- Đối với dự án do Quốc hội, Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, mức bảo lãnh là trị giá gốc của khoản vay, khoản phát hành trái phiếu tối đa 70% tổng mức đầu tư theo Quyết định đầu tư của cấp có thẩm quyền.

- Đối với dự án do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư, mức bảo lãnh là trị giá gốc của khoản vay, khoản phát hành trái phiếu tối đa 60% tổng mức đầu tư theo Quyết định đầu tư.

- Mức bảo lãnh Chính phủ đối với trái phiếu do ngân hàng chính sách phát hành là tối đa 100% hạn mức phát hành trái phiếu Chính phủ bảo lãnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định tại Điều 48 Nghị định này.

Thủ tục phê duyệt và cấp bảo lãnh Chính phủ đối với doanh nghiệp

(1) Hồ sơ đề nghị phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh Chính phủ đối với doanh nghiệp được quy định tại Điều 11 Nghị định 91/2018/NĐ-CP:

Doanh nghiệp đề nghị phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh Chính phủ nộp cho Bộ Tài chính trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính các hồ sơ sau:

- Văn bản đề nghị phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh Chính phủ của doanh nghiệp (bản chính).

- Quyết định thành lập doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của chủ dự án đầu tư (bản sao có chứng thực).

- Các văn bản về dự án đầu tư có liên quan (bản sao có chứng thực):

+ Quyết định chủ trương đầu tư kèm theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc Quyết định đầu tư kèm theo Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; hoặc

+ Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có).

- Báo cáo của doanh nghiệp đề nghị phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh chính phủ về tình hình hoạt động và dự án dự kiến vay vốn (bản chính), bao gồm các nội dung:

+ Tình hình hoạt động chung của doanh nghiệp (trong đó có danh sách các cổ đông, cá nhân góp vốn từ 5% vốn điều lệ của doanh nghiệp trở lên) và hoạt động của doanh nghiệp trong lĩnh vực của dự án đề nghị cấp bảo lãnh;

+ Nguồn vốn cho dự án (nêu rõ số tiền cụ thể của từng nguồn vốn: vốn chủ sở hữu, vốn vay hoặc phát hành trái phiếu và tỷ trọng của từng nguồn); tiến độ góp vốn của chủ sở hữu;

+ Mục đích vay, phát hành trái phiếu;

+ Thời gian dự kiến vay, phát hành trái phiếu (thời gian bắt đầu trả gốc, lãi), thời gian rút vốn và thực hiện dự án;

+ Phương án sử dụng và quản lý khoản vay, khoản phát hành trái phiếu;

+ Phương án bố trí nguồn vốn thanh toán gốc, lãi và các loại phí và chi phí khi đến hạn, bao gồm nguồn từ dòng tiền hoạt động của dự án và nguồn trả nợ dự phòng thay thế (nếu có);

+ Phương án tài sản thế chấp cho khoản vay, khoản phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh.

- Phương án bố trí vốn chủ sở hữu tham gia dự án tối thiểu 20% trong tổng mức đầu tư của dự án kèm theo kế hoạch bố trí vốn chủ sở hữu hàng năm trong thời kỳ xây dựng theo tiến độ thực hiện dự án.

- Báo cáo tài chính 03 năm liền kề gần nhất với thời điểm gửi hồ sơ thẩm định chủ trương cấp bảo lãnh đã được kiểm toán (bản sao có chứng thực) của:

+ Doanh nghiệp đề nghị phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh;

+ Công ty mẹ của doanh nghiệp đề nghị cấp bảo lãnh hoặc của các cổ đông, thành viên góp vốn (không bao gồm cổ đông, thành viên góp vốn là cá nhân) có tỷ lệ sở hữu tối thiểu 5% vốn điều lệ của doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp chưa có doanh thu từ bất kỳ hoạt động sản xuất, kinh doanh nào khác.

Trường hợp hồ sơ được nộp vào nửa cuối năm tài chính thì các tổ chức trên phải bổ sung báo cáo tài chính 06 tháng đầu năm đã được Hội đồng Quản trị, Hội đồng thành viên hoặc người được ủy quyền phê duyệt theo điều lệ của doanh nghiệp đó.

(2) Thẩm định chủ trương cấp bảo lãnh chính phủ được quy định tại Điều 12 Nghị định 91/2018/NĐ-CP:

- Bộ Tài chính thẩm định hồ sơ đề nghị phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh chính phủ sau khi doanh nghiệp đã cung cấp đủ các hồ sơ theo quy định tại Điều 11 Nghị định này và trước khi đàm phán thỏa thuận vay hoặc chuẩn bị hồ sơ pháp lý phát hành trái phiếu theo quy định.

- Trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị thẩm định phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh từ doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định này, Bộ Tài chính xem xét hồ sơ gồm các nội dung chính sau:

+ Tính hợp lệ của hồ sơ cung cấp;

+ Đáp ứng các điều kiện về đối tượng được bảo lãnh quy định tại Điều 41 Luật Quản lý nợ công;

+ Đáp ứng các điều kiện được cấp bảo lãnh chính phủ đối với doanh nghiệp quy định tại Điều 43 Luật Quản lý nợ công và Nghị định này.

- Trường hợp hồ sơ không đáp ứng các điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều này, Bộ Tài chính thông báo cho doanh nghiệp trong vòng 45 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị thẩm định.

- Trường hợp cần bổ sung thông tin trong quá trình thẩm định, Bộ Tài chính lấy ý kiến của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan quản lý ngành về các vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý có liên quan đến dự án vay vốn đề nghị phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh chính phủ. Các cơ quan có trách nhiệm trả lời trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Bộ Tài chính.

- Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thẩm định chủ trương cấp bảo lãnh và đề xuất phê duyệt hoặc từ chối phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh chính phủ.

(3) Phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh chính phủ theo Điều 13 Nghị định 91/2018/NĐ-CP:

- Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản phê duyệt hoặc từ chối phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh chính phủ trên cơ sở báo cáo kết quả thẩm định của Bộ Tài chính theo Quy chế làm việc của Chính phủ và gửi các cơ quan liên quan.

- Trong vòng 03 năm kể từ ngày được phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh chính phủ, đối tượng được phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp bảo lãnh theo quy định tại Điều 14 hoặc Điều 19 Nghị định này gửi Bộ Tài chính. Quá thời hạn này, chủ trương cấp bảo lãnh không còn giá trị để xem xét cấp bảo lãnh.

- Chủ trương cấp bảo lãnh chính phủ được phê duyệt là căn cứ để doanh nghiệp đàm phán với người cho vay hoặc xây dựng đề án phát hành trái phiếu nhưng không đảm bảo được cấp bảo lãnh chính phủ nếu không đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 5, Điều 14, Điều 19 Nghị định này tại thời điểm thẩm định cấp bảo lãnh.

Thủ tục phê duyệt và cấp bảo lãnh Chính phủ đối với khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp

(1) Hồ sơ đề nghị phê duyệt cấp bảo lãnh chính phủ đối với khoản vay theo Điều 14 Nghị định 91/2018/NĐ-CP:

Ngoài hồ sơ đã gửi theo quy định tại Điều 11 Nghị định này, người vay đề nghị phê duyệt cấp bảo lãnh chính phủ đối với khoản vay nộp cập nhật cho Bộ Tài chính trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính các hồ sơ sau:

- Văn bản yêu cầu khoản vay có bảo lãnh chính phủ của người cho vay gửi người vay (bản chính).

- Văn bản đề nghị cấp bảo lãnh chính phủ của doanh nghiệp kèm theo đề xuất ngân hàng phục vụ cho khoản vay được Chính phủ bảo lãnh (bản chính).

- Các văn bản theo quy định tại Điều 11 Nghị định này nếu có bất kỳ điều chỉnh nào so với văn bản đã nộp trước đây.

- Báo cáo nghiên cứu khả thi đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đầu tư và đầu tư công (trường hợp nộp cho Bộ Tài chính báo cáo nghiên cứu tiền khả thi quy định tại điểm a khoản 3 Điều 11) (bản sao có chứng thực).

- Đề án vay (bản chính) được cập nhật ít nhất 06 tháng trước khi nộp hồ sơ đề nghị phê duyệt cấp bảo lãnh chính phủ theo các nội dung nêu tại khoản 4 Điều 11 Nghị định này, đồng thời bổ sung các nội dung sau:

+ Tóm tắt trị giá và các điều kiện của khoản vay đề nghị cấp bảo lãnh theo dự thảo thỏa thuận vay đã được các bên ký tắt và các khoản vay khác (nếu có);

+ Kế hoạch rút vốn tổng thể theo quý của khoản vay;

+ Quyết định của Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị của đối tượng được bảo lãnh về việc bố trí vốn chủ sở hữu tham gia dự án tối thiểu 20% trong tổng mức đầu tư của dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt kèm theo kế hoạch bố trí vốn chủ sở hữu hàng năm trong thời kỳ xây dựng theo tiến độ thực hiện dự án.

- Văn bản phê duyệt đề án vay được Chính phủ bảo lãnh của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với đối tượng được bảo lãnh là doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (bản chính).

- Dự thảo thỏa thuận vay cuối cùng đã được các bên ký tắt hoặc thỏa thuận vay đã được ký kết, có quy định về số tiền cho vay và yêu cầu bảo lãnh chính phủ (bản sao có chứng thực).

- Báo cáo tài chính 03 năm liền kề gần nhất với thời điểm gửi hồ sơ thẩm định cấp bảo lãnh đã được kiểm toán theo quy định tại khoản 6 Điều 11 Nghị định này (bản sao có chứng thực). Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm trường hợp thời điểm đề nghị cấp bảo lãnh vào nửa cuối năm tài chính.

- Báo cáo chi tiết của Trung tâm thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam về tình hình tín dụng của doanh nghiệp đề nghị bảo lãnh chính phủ (bản in có đóng dấu của ngân hàng cung cấp thông tin).

- Văn bản cam kết theo quy định tại Phụ lục I của Nghị định này (bản chính) kèm theo xác nhận của đại diện có thẩm quyền của công ty mẹ hoặc tổ chức, cá nhân góp vốn từ 65% vốn điều lệ trở lên về việc đảm bảo trả nợ thay trong trường hợp doanh nghiệp đề nghị bảo lãnh chính phủ gặp khó khăn trong việc trả nợ.

- Văn bản cam kết của các tổ chức và cá nhân sở hữu cổ phần hoặc vốn góp từ 5% vốn điều lệ thực góp trở lên về việc cùng nhau nắm giữ tối thiểu 65% vốn điều lệ thực góp trong suốt thời gian bảo lãnh có hiệu lực, kèm theo danh sách các cổ đông, cá nhân nói trên (đối với công ty cổ phần).

- Các văn bản chứng minh dự án đã hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.

(2) Thẩm định cấp bảo lãnh chính phủ đối với khoản vay theo Điều 15 Nghị định 91/2018/NĐ-CP:

- Trường hợp hồ sơ không đáp ứng các điều kiện theo quy định nêu tại Điều 14 Nghị định này, Bộ Tài chính thông báo cho đối tượng được bảo lãnh để bổ sung trong vòng 05 ngày làm việc sau khi nhận được hồ sơ. Đối tượng được bảo lãnh có trách nhiệm bổ sung hồ sơ gửi Bộ Tài chính trong vòng 10 ngày làm việc.

- Trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị cấp bảo lãnh theo quy định tại Nghị định này từ doanh nghiệp, Bộ Tài chính thẩm định hồ sơ đề nghị cấp bảo lãnh chính phủ và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thẩm định với các nội dung chính sau:

+ Tính hợp lệ của hồ sơ cung cấp;

+ Đánh giá về đối tượng và điều kiện cấp bảo lãnh theo các tiêu chí và điều kiện quy định tại Điều 41 và Điều 43 Luật Quản lý nợ công và Nghị định này;

+ Đánh giá về cơ cấu vốn đầu tư, trong đó xác định rõ nguồn vốn đầu tư (gồm vốn chủ sở hữu, vốn vay) và điều kiện, điều khoản của khoản vay đề nghị cấp bảo lãnh Chính phủ;

+ Đánh giá về tình hình tài chính của doanh nghiệp vay vốn đề nghị được Chính phủ bảo lãnh (hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu, hệ số khả năng thanh toán nhanh, hệ số trả nợ dài hạn);

+ Đánh giá phương án tài chính của dự án sử dụng vốn vay và khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Việc đánh giá được thực hiện theo Phương pháp phân tích theo “Hệ số trả nợ vay” để xác định Hệ số trả nợ bình quân 05 năm đầu (tối thiểu là 1,20 đối với các dự án có hợp đồng bao tiêu sản phẩm hoặc hệ số 1,25 đối với các dự án khác); phân tích độ nhạy theo “Hệ số trả nợ vay có bảo lãnh”; phân tích độ nhạy theo “Doanh thu”; phân tích độ nhạy theo “Chi phí sản xuất/chi phí vận hành”:

+ Đánh giá về sự phù hợp (loại hình, tính chất, giá trị) của tài sản thế chấp cho khoản vay được Chính phủ bảo lãnh;

+ Đánh giá các rủi ro của dự án có liên quan tới khoản vay được Chính phủ bảo lãnh; rủi ro có liên quan tới khoản vay; rủi ro về tài chính và khả năng trả nợ của người vay, rủi ro về năng lực thực hiện và quản lý dự án của người vay;

+ Tổng số tiền vay và số dự án Chính phủ đã bảo lãnh mà doanh nghiệp đã thực hiện cho tới thời điểm thẩm định cấp bảo lãnh; dư nợ vay được Chính phủ bảo lãnh của doanh nghiệp tại thời điểm thẩm định cấp bảo lãnh;

+ Mức phí bảo lãnh đề nghị áp dụng;

+ Các đề xuất, kiến nghị.

- Trường hợp cần bổ sung thông tin trong quá trình thẩm định, Bộ Tài chính lấy ý kiến của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan quản lý ngành về các vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý có liên quan đến dự án vay vốn đề nghị cấp bảo lãnh chính phủ; hoặc yêu cầu doanh nghiệp cung cấp các thông tin bổ sung nếu phát sinh trong quá trình thẩm định cấp bảo lãnh cho khoản vay đầu tư dự án (Thiết kế cơ sở được duyệt, Hợp đồng bao tiêu sản phẩm, thuyết minh về công nghệ, thiết bị của dự án đầu tư). Các cơ quan có trách nhiệm trả lời trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Bộ Tài chính.

(3) Quyết định cấp bảo lãnh chính phủ đối với khoản vay được quy định tại Điều 16 Nghị định 91/2018/NĐ-CP:

- Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ nội dung Thư bảo lãnh cùng với báo cáo kết quả thẩm định cấp bảo lãnh chính phủ.

- Quyết định cấp bảo lãnh chính phủ cho khoản vay do Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quy chế làm việc của Chính phủ và gửi các cơ quan liên quan, gồm các nội dung:

+ Phê duyệt nội dung Thư bảo lãnh và giao Bộ Tài chính phát hành Thư bảo lãnh;

+ Phê duyệt mức phí bảo lãnh chính phủ áp dụng cho khoản vay;

+ Giao Bộ Tư pháp cấp ý kiến pháp lý theo quy định của pháp luật (nếu có);

+ Giao Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Tài chính chỉ định cơ quan đại diện thích hợp của Việt Nam ở nước ngoài làm Đại diện tiếp nhận hồ sơ tố tụng theo quy định của Thư bảo lãnh (nếu có);

+ Phê duyệt tổ chức khác làm Đại diện tiếp nhận hồ sơ tố tụng theo quy định của Thư bảo lãnh (nếu có);

+ Các nội dung khác.

(4) Cấp bảo lãnh đối với khoản vay được quy định tại Điều 17 Nghị định 91/2018/NĐ-CP:

- Thư bảo lãnh được Bộ Tài chính cấp trên cơ sở Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt việc cấp bảo lãnh chính phủ cho khoản vay và sau khi Đối tượng được bảo lãnh đã hoàn thành các thủ tục sau:

+ Ký kết với Bộ Tài chính Hợp đồng thế chấp tài sản cho khoản vay được Chính phủ bảo lãnh theo quy định tại Điều 31 Nghị định này;

+ Cung cấp cho Bộ Tài chính bản sao chứng thực Hợp đồng bảo hiểm tài sản thế chấp;

+ Mở Tài khoản Dự án tại ngân hàng phục vụ; thông báo cho Bộ Tài chính bằng văn bản về số tài khoản của Tài khoản Dự án hoặc hợp đồng mở tài khoản dự án;

+ Nộp cho Bộ Tài chính Hợp đồng vay đã được các bên ký chính thức (bản sao có chứng thực);

+ Cung cấp cho Bộ Tài chính toàn bộ tài khoản tiền gửi hiện có tại các tổ chức tín dụng kèm theo xác nhận của tổ chức tín dụng nơi mở tài khoản (bản chính).

- Thư bảo lãnh được cấp trong vòng 07 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành các thủ tục tại khoản 1 Điều này:

+ Đối với khoản vay nước ngoài, Thư bảo lãnh được lập thành 04 bản chính, trong đó: Bộ Tài chính lưu hồ sơ 01 bản, đối tượng được bảo lãnh lưu 01 bản, Bộ Tư pháp lưu 01 bản và 01 bản được chuyển cho người cho vay hoặc đại diện của người cho vay;

+ Đối với khoản vay trong nước, Thư bảo lãnh được lập thành 06 bản chính, trong đó: Bộ Tài chính lưu hồ sơ 02 bản, đối tượng được bảo lãnh lưu 01 bản và 01 bản được chuyển cho người cho vay, 02 bản được gửi cho các cơ quan liên quan.

- Bộ Tài chính quyết định việc cấp thêm số bản chính cho các cơ quan có liên quan không thuộc các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều này theo từng trường hợp cụ thể nếu cần thiết.

(5) Thủ tục có liên quan đến hiệu lực của khoản vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh được quy định tại Điều 18 Nghị định 91/2018/NĐ-CP:

- Đối tượng được bảo lãnh có trách nhiệm thực hiện các thủ tục quy định trong Thỏa thuận vay để Thư bảo lãnh và Thỏa thuận vay có hiệu lực đầy đủ.

- Đối tượng được bảo lãnh có trách nhiệm làm việc với Bộ Tư pháp để được cấp ý kiến pháp lý đối với Thư bảo lãnh cho khoản vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh.

- Đối tượng được bảo lãnh có trách nhiệm đăng ký khoản vay nước ngoài với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về quản lý vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp.

- Trường hợp thủ tục tố tụng được quy định trong Thỏa thuận vay nước ngoài và Thư bảo lãnh có yêu cầu Đại diện tiếp nhận hồ sơ tố tụng:

+ Đối tượng được bảo lãnh đề xuất với Bộ Tài chính về tổ chức được chọn làm Đại diện tiếp nhận hồ sơ tố tụng cho người vay (đối tượng được bảo lãnh), người bảo lãnh theo yêu cầu của thỏa thuận vay và lấy ý kiến của Bộ Tài chính hoặc ý kiến chấp thuận của Bộ Ngoại giao trong trường hợp là cơ quan đại diện ngoại giao tại nước ngoài trong quá trình đàm phán;

+ Sau khi Thỏa thuận vay được ký kết và cấp bảo lãnh chính phủ, Đối tượng được bảo lãnh gửi mẫu văn bản ủy quyền của Người vay (đối tượng được bảo lãnh) và người bảo lãnh (nếu có) cho tổ chức được lựa chọn làm Đại diện tiếp nhận hồ sơ tố tụng ký xác nhận đồng ý, gửi cho đối tượng được bảo lãnh để gửi tiếp cho Người nhận bảo lãnh và sao gửi cho Bộ Tài chính.

Như vậy, bảo lãnh Chính phủ là cam kết của Chính phủ bằng văn bản bảo lãnh với bên cho vay về việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi trong trường hợp đến hạn trả nợ mà bên vay không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ. Doanh nghiệp, ngân hàng chính sách nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định sẽ thuộc đối tượng áp dụng bảo lãnh Chính phủ.

Doanh nghiệp muốn được bảo lãnh Chính phủ phải thực hiện thủ tục phê duyệt và cấp bảo lãnh Chính phủ đối với doanh nghiệp và thủ tục phê duyệt và cấp bảo lãnh đối với khoản vay của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Trần Thị Huyền Trân Lưu bài viết
2,278 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào