Khi giao quyền xử phạt vi phạm hành chính cho cấp phó, Chủ tịch UBND xã có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính nữa không?
Thẩm quyền của Chủ tịch UBND xã được quy định như thế nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 38 Luật Xử phạt vi phạm hành chính 2012, điểm k khoản 73 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định về thẩm quyền của Chủ tịch UBND xã như sau:
Thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân
1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 10% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật này nhưng không quá 5.000.000 đồng;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 02 lần mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, c và đ khoản 1 Điều 28 của Luật này.
...
Căn cứ khoản 1 Điều 28 Luật Xử phạt vi phạm hành chính 2012 quy định về các biện pháp khắc phục hậu quả như sau:
Các biện pháp khắc phục hậu quả và nguyên tắc áp dụng
1. Các biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm:
a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu;
b) Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép;
c) Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh;
...
đ) Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại;
...
Theo đó, Chủ tịch UBND xã sẽ có các thẩm quyền được quy định tại khoản 1 Điều 38 nêu trên.
Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính (Hình từ Internet)
Chủ tịch UBND xã có được quyền giao quyền xử phạt vi phạm hành chính cho phó Chủ tịch UBND xã hay không?
Căn cứ Điều 54 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi bởi khoản 28 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định về giao quyền xử phạt như sau:
Giao quyền xử phạt
1. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm, hành chính quy định tại Điều 38; các khoản 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 39; các khoản 2, 2a, 3, 3a và 4 Điều 40; các khoản 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 41; các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 42; các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 43; các khoản 2, 3 và 4 Điều 43a; các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 44; các khoản 2, 3 và 4 Điều 45; Điều 45a; các khoản 2, 3 và 4 Điều 46; Điều 47; khoản 3 và khoản 4 Điều 48; khoản 2 Điều 48a; các khoản 2, 4 và 5 Điều 49; Điều 51 của Luật này có thể giao cho cấp phó thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.
2. Việc giao quyền xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện thường xuyên hoặc theo vụ việc, đồng thời với việc giao quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 119 của Luật này. Việc giao quyền phải được thể hiện bằng quyết định, trong đó xác định rõ phạm vi, nội dung, thời hạn giao quyền.
3. Cấp phó được giao quyền xử phạt vi phạm hành chính phải chịu trách nhiệm trước cấp trưởng và trước pháp luật về việc thực hiện quyền được giao. Người được giao quyền không được giao quyền cho người khác.
Như vậy, Chủ tịch UBND xã hoàn toàn có thể giao quyền cho phó Chủ tịch UBND xã thay mình ra quyết định xử phạt hành chình và áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính.
Phó Chủ tịch UBND xã được giao quyền xử phạt vi phạm hành chính thì không được giao quyền lại cho người khác thực hiện. Phó Chủ tịch UBND xã được giao quyền phải chịu trách nhiệm trước cấp trưởng và trước pháp luật về việc thực hiện quyền được giao
Khi giao quyền xử phạt vi phạm hành chính cho cấp phó, Chủ tịch UBND xã có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính không?
Căn cứ Điều 10 Nghị định 118/2021/NĐ-CP quy định về giao quyền trong xử phạt vi phạm hành chính như sau:
Giao quyền trong xử phạt vi phạm hành chính
1. Quyết định giao quyền quy định tại Điều 54, khoản 2 Điều 87 và khoản 2 Điều 123 Luật Xử lý vi phạm hành chính phải xác định rõ phạm vi, nội dung, thời hạn giao quyền.
...
2. Người được giao quyền đứng đầu hoặc phụ trách cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử phạt, thì có thẩm quyền xử phạt và được giao quyền xử phạt, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính như cấp trưởng.
3. Trong thời gian giao quyền, những người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 Điều 54 Luật Xử lý vi phạm hành chính vẫn có thẩm quyền xử phạt, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính.
Như vậy, khi giao quyền xử phạt vi phạm hành chính phải lập thành văn bản, trong đó xác định cụ thể rõ phạm vi, nội dung, thời hạn giao quyền.
Trong thời gian Chủ tịch UBND xã giao quyền cho phó Chủ tịch UBND xã xử phạt vi phạm hành chính thì Chủ tịch UBND xã vẫn có thẩm quyền xử phạt, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.