Khi bán doanh nghiệp tư nhân thì chủ doanh nghiệp cũ có phải trả trợ cấp mất việc cho người lao động không?
Khi bán doanh nghiệp tư nhân thì chủ doanh nghiệp cũ có phải trả trợ cấp mất việc cho người lao động không?
Việc bán doanh nghiệp tư nhân được quy định tại Điều 192 Luật Doanh nghiệp 2020 như sau:
Bán doanh nghiệp tư nhân
1. Chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền bán doanh nghiệp tư nhân của mình cho cá nhân, tổ chức khác.
2. Sau khi bán doanh nghiệp tư nhân, chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp tư nhân phát sinh trong thời gian trước ngày chuyển giao doanh nghiệp, trừ trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân, người mua và chủ nợ của doanh nghiệp tư nhân có thỏa thuận khác.
3. Chủ doanh nghiệp tư nhân, người mua doanh nghiệp tư nhân phải tuân thủ quy định của pháp luật về lao động.
4. Người mua doanh nghiệp tư nhân phải đăng ký thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân theo quy định của Luật này.
Tại Điều 43 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã
1. Trong trường hợp chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động thì người sử dụng lao động phải xây dựng phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 44 của Bộ luật này.
2. Người sử dụng lao động hiện tại và người sử dụng lao động kế tiếp có trách nhiệm thực hiện phương án sử dụng lao động đã được thông qua.
3. Người lao động bị thôi việc thì được nhận trợ cấp mất việc làm theo quy định tại Điều 47 của Bộ luật này.
Theo quy định trên, chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền bán doanh nghiệp tư nhân của mình cho cá nhân, tổ chức khác.
Tuy nhiên, việc bán doanh nghiệp tư nhân này ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động thì chủ doanh nghiệp tư nhân phải xây dựng phương án sử dụng lao động theo quy định. Người sử dụng lao động hiện tại và người sử dụng lao động kế tiếp có trách nhiệm thực hiện phương án sử dụng lao động đã được thông qua.
Trường hợp người lao động bị thôi việc do việc bán doanh nghiệp tư nhân thì có thể nhận trợ cấp mất việc làm theo quy định tại Điều 47 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
Trợ cấp mất việc làm
1. Người sử dụng lao động trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm theo quy định tại khoản 11 Điều 34 của Bộ luật này, cứ mỗi năm làm việc trả 01 tháng tiền lương nhưng ít nhất bằng 02 tháng tiền lương.
2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.
3. Tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động mất việc làm.
Theo đó, chủ doanh nghiệp tư nhân cũ có trách nhiệm trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm do chủ doanh nghiệp cho người lao động thôi việc.
Mức trợ cấp mất việc làm được xác định là cứ mỗi năm làm việc trả 01 tháng tiền lương nhưng ít nhất bằng 02 tháng tiền lương.
Lưu ý: Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.
Bán doanh nghiệp tư nhân (Hình từ Internet)
Thủ tục đăng ký thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân khi bán doanh nghiệp được thực hiện thế nào?
Theo quy định tại Điều 54 Nghị định 01/2021/NĐ-CP thì thủ tục đăng ký thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân khi bán doanh nghiệp được thực hiện như sau:
(1) Người mua doanh nghiệp tư nhân nộp hồ sơ đăng ký thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Hồ sơ gồm những giấy tờ sau:
+ Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp có chữ ký của người bán và người mua doanh nghiệp tư nhân (Phụ lục II-3 ban hành kèm theo Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT).
+ Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người mua doanh nghiệp tư nhân.
+ Hợp đồng mua bán hoặc các giấy tờ chứng minh hoàn tất việc mua bán.
(2) Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp.
Bán doanh nghiệp tư nhân thì chủ doanh nghiệp có phải nộp thuế thu nhập cá nhân không?
Quy định thu nhập từ chuyển nhượng vốn phải chịu thuế thu nhập cá nhân được quy định tại khoản 4 Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 như sau:
Thu nhập chịu thuế
...
4. Thu nhập từ chuyển nhượng vốn, bao gồm:
a) Thu nhập từ chuyển nhượng phần vốn trong các tổ chức kinh tế;
b) Thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán;
c) Thu nhập từ chuyển nhượng vốn dưới các hình thức khác.
...
Theo đó, thu nhập từ việc bán doanh nghiệp tư nhân được xem là thu nhập từ chuyển nhượng vốn dưới các hình thức khác và thu nhập này là thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân.
Do đó, khi bán doanh nghiệp tư nhân thì chủ doanh nghiệp phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Mức thuế TNCN phải nộp = thu nhập tính thuế x thuế suất 20% (theo khoản 1 Điều 11 Thông tư 111/2013/TT-BTC).
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.