Khẩu hiệu của ASEAN là gì? Quốc gia thành viên giữ chức Chủ tịch ASEAN sẽ đảm nhiệm những vai trò nào?
Khẩu hiệu của ASEAN là gì?
ASEAN là tên viết tắt của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á, là một tổ chức kinh tế, văn hóa và xã hội của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
Tổ chức này được thành lập vào ngày 8 tháng 8 năm 1967, tại Bangkok, Thái Lan. Những thành viên đầu tiên của Hiệp hội bao gồm Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore và Philippines.
Hiện tại, ASEAN đang có 10 quốc gia thành viên: Bru-nây Đa-rút-xa-lam, Vương quốc Căm-pu-chia, Cộng hòa In-đô-nê-xi-a, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Ma-lai-xi-a, Liên bang My-an-ma, Cộng hòa Phi-líp-pin, Cộng hòa Xinh-ga-po, Vương quốc Thái Lan và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Theo quy định tại Điều 36 Hiến chương ASEAN năm 2007 thì khẩu hiệu của ASEAN là “Một Tầm nhìn, Một Bản sắc, Một Cộng đồng”.
Khẩu hiệu của ASEAN là gì? (Hình từ Internet)
Quốc gia thành viên giữ chức Chủ tịch ASEAN sẽ đảm nhiệm những vai trò nào?
Căn cứ quy định tại Điều 31 Hiến chương ASEAN năm 2007 thì Chức Chủ tịch ASEAN sẽ được luân phiên hàng năm theo thứ tự chữ cái tên tiếng Anh của các Quốc gia thành viên.
ASEAN sẽ áp dụng quy chế Chủ tịch thống nhất trong một năm dương lịch, theo đó Quốc gia thành viên đảm nhiệm chức Chủ tịch sẽ chủ trì:
(1) Hội nghị Cấp cao ASEAN và các Cấp cao liên quan;
(2) Các cuộc họp của Hội đồng Điều phối ASEAN;
(3) Ba Hội đồng Cộng đồng ASEAN;
(4) Nếu phù hợp, các cuộc họp của Cơ quan chuyên ngành cấp Bộ trưởng và quan chức cao cấp; và
(5) Ủy ban các Đại diện thường trực ASEAN.
Quốc gia thành viên giữ chức Chủ tịch ASEAN sẽ đảm nhiệm các vai trò quy định tại ĐIỀU 32 Hiến chương ASEAN năm 2007, cụ thể như sau:
(1) Tích cực thúc đẩy và đề cao lợi ích cũng như quyền lợi của ASEAN, gồm cả các nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN thông qua các sáng kiến về chính sách, điều phối, đồng thuận và hợp tác;
(2) Đảm bảo vai trò trung tâm của ASEAN;
(3) Đảm bảo việc ứng phó một cách hiệu quả và kịp thời các vấn đề cấp bách hoặc các tình huống khủng hoảng tác động đến ASEAN, trong đó có việc sử dụng phương thức bên thứ ba và các dàn xếp khác nhằm nhanh chóng giải quyết các mối quan ngại trên;
(4) Đại diện cho ASEAN trong việc tăng cường và thúc đẩy các mối quan hệ chặt chẽ hơn với các đối tác bên ngoài; và
(5) Thực hiện các nhiệm vụ và chức năng khác được giao.
Các cuộc họp đặc biệt hoặc bất thường của Hội nghị Cấp cao ASEAN do Chủ tịch ASEAN chủ trì đúng không?
Các cuộc họp đặc biệt hoặc bất thường của Hội nghị Cấp cao ASEAN được quy định tại khoản 3 Điều 7 Hiến chương ASEAN năm 2007 như sau:
CẤP CAO ASEAN
...
(c) Chỉ đạo các Bộ trưởng liên quan thuộc từng Hội đồng tiến hành các hội nghị liên Bộ trưởng đặc biệt, và giải quyết các vấn đề quan trọng của ASEAN có liên quan đến các Hội đồng Cộng đồng. Các quy định về thủ tục tiến hành các hội nghị này sẽ do Hội đồng Điều phối ASEAN thông qua;
(d) Tiến hành những biện pháp thích hợp để xử lý các tình huống khẩn cấp tác động tới ASEAN;
(e) Quyết định các vấn đề liên quan được trình lên Cấp cao theo Chương VII và Chương VIII;
(f) Cho phép thành lập và giải tán các Cơ quan cấp Bộ trưởng chuyên ngành và các thể chế khác của ASEAN; và
(g) Bổ nhiệm Tổng Thư ký ASEAN, với hàm và quy chế Bộ trưởng, và Tổng thư ký ASEAN sẽ phục vụ với sự tin tưởng và hài lòng của những Người đứng đầu Nhà nước hoặc Chính phủ, dựa trên khuyến nghị của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN.
3. Hội nghị Cấp cao ASEAN sẽ:
(a) Tiến hành hai lần một năm, và do Quốc gia thành viên giữ chức Chủ tịch ASEAN chủ trì tổ chức; và
(b) Sẽ được nhóm họp khi cần thiết như là các cuộc họp đặc biệt hoặc bất thường do Quốc gia thành viên giữ chức Chủ tịch ASEAN chủ trì tại địa điểm được các Quốc gia thành viên ASEAN nhất trí.
Như vậy, theo thì định thì Hội nghị Cấp cao ASEAN sẽ được nhóm họp khi cần thiết như là các cuộc họp đặc biệt hoặc bất thường do Quốc gia thành viên giữ chức Chủ tịch ASEAN chủ trì tại địa điểm được các Quốc gia thành viên ASEAN nhất trí.
Chủ tịch ASEAN có được quyền hòa giải tranh chấp giữa các Quốc gia thành viên không?
Việc hòa giải tranh chấp giữa các Quốc gia thành viên ASEAN được quy định tại khoản 2 Điều 23 Hiến chương ASEAN năm 2007 như sau:
BÊN THỨ BA, HÒA GIẢI VÀ TRUNG GIAN
1.Các Quốc gia thành viên có tranh chấp, vào bất kỳ thời điểm nào có thể sử dụng các phương thức như đề nghị bên thứ ba, hòa giải hoặc trung gian để giải quyết tranh chấp trong khoảng thời gian thoả thuận.
2. Các bên tranh chấp có thể yêu cầu Chủ tịch ASEAN hoặc Tổng thư ký ASEAN trong quyền hạn mặc nhiên của mình, làm bên thứ ba, hoà giải hoặc trung gian.
Như vậy, theo quy định, trường hợp các Quốc gia thành viên ASEAN có tranh chấp với nhau thì có thể yêu cầu Chủ tịch ASEAN trong quyền hạn mặc nhiên của mình, làm bên thứ ba, hoà giải hoặc trung gian.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.