Khai thuế, tính thuế là gì? Địa điểm khai thuế, tính thuế của người nộp thuế là ở đâu theo quy định?
Khai thuế, tính thuế là gì?
Hiện nay, Luật Quản lý thuế 2019 và các văn bản có liên quan không quy định khái niệm "Khai thuế, tính thuế" là gì.
Trên thực tế, khai thuế có thể hiểu là việc người nộp thuế (cá nhân, tổ chức hoặc doanh nghiệp) cung cấp thông tin về các khoản thu nhập, chi phí, hoạt động kinh doanh, và các yếu tố khác liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế cho cơ quan thuế.
Việc khai thuế thường được thực hiện định kỳ (theo tháng, quý, hoặc năm), tùy thuộc vào loại thuế và quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, tính thuế là quá trình xác định số tiền thuế phải nộp dựa trên các thông tin đã khai và các quy định của pháp luật về thuế.
Lưu ý: Thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo
Khai thuế, tính thuế là gì? Địa điểm khai thuế, tính thuế của người nộp thuế là ở đâu theo quy định? (Hình từ Internet)
Địa điểm khai thuế, tính thuế của người nộp thuế là ở đâu?
Căn cứ quy định tại Điều 42 Luật Quản lý thuế 2019 như sau:
Nguyên tắc khai thuế, tính thuế
1. Người nộp thuế phải khai chính xác, trung thực, đầy đủ các nội dung trong tờ khai thuế theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định và nộp đủ các chứng từ, tài liệu quy định trong hồ sơ khai thuế với cơ quan quản lý thuế.
2. Người nộp thuế tự tính số tiền thuế phải nộp, trừ trường hợp việc tính thuế do cơ quan quản lý thuế thực hiện theo quy định của Chính phủ.
3. Người nộp thuế thực hiện khai thuế, tính thuế tại cơ quan thuế địa phương có thẩm quyền nơi có trụ sở. Trường hợp người nộp thuế hạch toán tập trung tại trụ sở chính, có đơn vị phụ thuộc tại đơn vị hành chính cấp tỉnh khác nơi có trụ sở chính thì người nộp thuế khai thuế tại trụ sở chính và tính thuế, phân bổ nghĩa vụ thuế phải nộp theo từng địa phương nơi được hưởng nguồn thu ngân sách nhà nước. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết khoản này.
4. Đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
...
Như vậy, địa điểm khai thuế, tính thuế của người nộp thuế là tại cơ quan thuế địa phương có thẩm quyền nơi có trụ sở.
Trường hợp người nộp thuế hạch toán tập trung tại trụ sở chính, có đơn vị phụ thuộc tại đơn vị hành chính cấp tỉnh khác nơi có trụ sở chính thì người nộp thuế khai thuế tại trụ sở chính và tính thuế, phân bổ nghĩa vụ thuế phải nộp theo từng địa phương nơi được hưởng nguồn thu ngân sách nhà nước.
Đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Địa điểm nộp hồ sơ khai thuế được quy định thế nào?
Căn cứ Điều 45 Luật Quản lý thuế 2019, địa điểm nộp hồ sơ khai thuế được quy định cụ thể như sau:
(1) Người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
(2) Trường hợp nộp hồ sơ khai thuế theo cơ chế một cửa liên thông thì địa điểm nộp hồ sơ khai thuế thực hiện theo quy định của cơ chế đó.
(3) Địa điểm nộp hồ sơ khai thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thực hiện theo quy định của Luật Hải quan.
(4) Chính phủ quy định địa điểm nộp hồ sơ khai thuế đối với các trường hợp sau đây:
- Người nộp thuế có nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh;
- Người nộp thuế thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh ở nhiều địa bàn; người nộp thuế có phát sinh nghĩa vụ thuế đối với các loại thuế khai và nộp theo từng lần phát sinh;
- Người nộp thuế có phát sinh nghĩa vụ thuế đối với các khoản thu từ đất; cấp quyền khai thác tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản;
- Người nộp thuế có phát sinh nghĩa vụ thuế quyết toán thuế thu nhập cá nhân;
- Người nộp thuế thực hiện khai thuế thông qua giao dịch điện tử và các trường hợp cần thiết khác.
Lưu ý:
Trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế trong việc tiếp nhận hồ sơ khai thuế (Điều 48 Luật Quản lý thuế 2019) như sau:
(1) Cơ quan quản lý thuế tiếp nhận hồ sơ khai thuế của người nộp thuế qua các hình thức sau đây:
- Nhận hồ sơ trực tiếp tại cơ quan quản lý thuế;
- Nhận hồ sơ gửi qua đường bưu chính;
- Nhận hồ sơ điện tử qua cổng giao dịch điện tử của cơ quan quản lý thuế.
(2) Cơ quan quản lý thuế tiếp nhận hồ sơ khai thuế thông báo về việc tiếp nhận hồ sơ khai thuế; trường hợp hồ sơ không hợp pháp, không đầy đủ, không đúng mẫu quy định thì thông báo cho người nộp thuế trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.