Khai thác thủy sản có mã ngành kinh tế là bao nhiêu? Khai thác thủy sản có thuộc ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện không?
Khai thác thủy sản có mã ngành kinh tế là bao nhiêu?
Tại STT 03 Phần A Mục II Phụ lục II - Nội dung Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg như sau:
031: Khai thác thủy sản
0311 - 03110: Khai thác thủy sản biển
Nhóm này gồm:
- Đánh bắt cá;
- Đánh bắt động vật loại giáp xác và động vật thân mềm dưới biển;
- Đánh bắt cá voi;
- Đánh bắt các động vật khác sống dưới biển như: rùa, nhím biển...
- Thu nhặt các loại sinh vật biển dùng làm nguyên liệu như: Ngọc trai tự nhiên, hải miên, san hô và tảo;
- Khai thác giống thủy sản biển tự nhiên;
- Hoạt động bảo quản, sơ chế thủy sản ngay trên tàu đánh cá.
Loại trừ:
- Đánh bắt thú biển (trừ cá voi) như hà mã, hải cẩu được phân ở nhóm 01700 (Săn bắt, đánh bẫy và hoạt động dịch vụ có liên quan);
- Hoạt động khai thác yến ở hang đá, xây nhà gọi yến được phân vào nhóm 01700 (Săn bắt, đánh bẫy và hoạt động dịch vụ có liên quan);
- Chế biến và bảo quản thủy sản trên các tàu hoặc nhà máy chế biến được phân vào nhóm 1020 (Chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản);
- Cho thuê tàu chở hàng trên biển kèm theo người lái (như tàu chở cá, tôm...) được phân vào nhóm 50121(Vận tải hàng hóa ven biển);
- Hoạt động thanh tra, kiểm tra và bảo vệ đội tàu đánh bắt trên biển được phân vào nhóm 84230 (Hoạt động an ninh, trật tự an toàn xã hội);
- Các hoạt động dịch vụ có liên quan đến môn thể thao câu cá hoặc câu cá giải trí được phân vào nhóm 93190 (Hoạt động thể thao khác);
- Đan, sửa lưới được phân vào nhóm 13940 (Sản xuất các loại dây bện và lưới);
- Sửa chữa tàu, thuyền đánh cá được phân vào nhóm 33150 (Sửa chữa và bảo dưỡng phương tiện vận tải (trừ ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác)).
…
Như vậy, theo quy định trên thì khai thác thủy sản có mã ngành kinh tế là 031.
Khai thác thủy sản có mã ngành kinh tế là bao nhiêu? (Hình từ Internet)
Khai thác thủy sản có thuộc ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện không?
Khai thác thủy sản có thuộc ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện không, thì theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Luật Đầu tư 2020 như sau:
Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện
1. Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
2. Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định tại Phụ lục IV của Luật này.
…
Theo đó danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại STT 145 Phụ lục IV ban hành kèm theo Luật Đầu tư 2020.
Cho nên khai thác thủy sản thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác thủy sản gồm những giấy tờ nào?
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác thủy sản gồm những giấy tờ được quy định tại khoản 1 Điều 45 Nghị định 26/2019/NĐ-CP như sau:
Cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép khai thác thủy sản
1. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác thủy sản bao gồm:
a) Đơn đề nghị theo Mẫu số 02.KT Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản chụp giấy chứng nhận đăng ký tàu cá và giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá đối với loại tàu cá theo quy định phải đăng kiểm;
c) Bản chụp văn bằng hoặc chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá đối với loại tàu cá theo quy định phải có văn bằng hoặc chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá.
2. Hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép khai thác thủy sản:
a) Đơn đề nghị cấp lại theo Mẫu số 03.KT Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản chính giấy phép khai thác thủy sản đã được cấp, trong trường hợp thay đổi thông tin trong giấy phép.
3. Trình tự cấp, cấp lại giấy phép khai thác thủy sản:
a) Tổ chức, cá nhân có yêu cầu gửi hồ sơ đến cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh;
b) Trong thời hạn 06 ngày làm việc (đối với cấp mới), 03 ngày làm việc (đối với cấp lại) kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan thẩm quyền thực hiện cấp, cấp lại Giấy phép khai thác thủy sản theo Mẫu số 04.KT Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này;
c) Trong trường hợp không cấp, cấp lại cơ quan có thẩm quyền trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
4. Thời hạn của Giấy phép khai thác thủy sản: Bằng thời hạn còn lại của hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản đã được công bố.
5. Thu hồi giấy phép khai thác thủy sản:
a) Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác thủy sản là cơ quan thực hiện việc thu hồi giấy phép;
b) Khi phát hiện vi phạm một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 50 Luật Thủy sản, cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định thu hồi Giấy phép khai thác thủy sản và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.
Như vậy, theo quy định trên thì hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác thủy sản gồm những giấy tờ sau:
- Đơn đề nghị;
- Bản chụp giấy chứng nhận đăng ký tàu cá và giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá đối với loại tàu cá theo quy định phải đăng kiểm;
- Bản chụp văn bằng hoặc chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá đối với loại tàu cá theo quy định phải có văn bằng hoặc chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.