Khai thác cát sỏi lòng sông làm ảnh hưởng đến kè bờ trái với phương án được chấp thuận thì bị xử phạt như thế nào?

Tôi muốn hỏi khi doanh nghiệp thực hiện hoạt động khai thác cát sỏi lòng sông cần tuân thủ những yêu cầu gì? Việc định hướng khai thác cát sỏi lòng sông có thuộc nội dung quản lý cát sỏi lòng sông trong quy hoạch vùng hay không? Khai thác cát sỏi lòng sông làm ảnh hưởng đến kè bờ trái với phương án được chấp thuận thì bị xử phạt như thế nào?

Hoạt động khai thác cát sỏi lòng sông cần tuân thủ những yêu cầu gì?

Căn cứ quy định tại Điều 15 Nghị định 23/2020/NĐ-CP, yêu cầu đối với hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông được quy định như sau:

"Điều 15. Yêu cầu đối với hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông
Hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông phải đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ lòng, bờ, bãi sông quy định tại Điều 14 Nghị định này và các yêu cầu sau:
1. Đối với trường hợp khai thác cát, sỏi ở lòng sông:
a) Ranh giới khu vực khai thác phải cách mép bờ một khoảng cách an toàn tối thiểu phù hợp với chiều rộng tự nhiên của lòng sông, đặc điểm địa hình, địa chất, mức độ ổn định của bờ sông do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 21 Nghị định này quyết định;
b) Độ dốc đáy của tuyến khai thác tương đương độ dốc tự nhiên của đáy đoạn sông khai thác và đảm bảo không làm thay đổi đột ngột độ dốc của toàn tuyến sông; độ sâu khai thác phải phù hợp với đặc điểm địa hình, địa chất của đoạn sông, bảo đảm không được hình thành các hố xoáy hoặc gia tăng nguy cơ gây mất ổn định bờ sông do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 21 Nghị định này quyết định;
c) Trường hợp đoạn sông ở khu vực trung du, miền núi bị bồi, lắng theo mùa, căn cứ diễn biến của tình hình bồi, lắng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 21 Nghị định này quyết định yêu cầu cụ thể đối với hoạt động khai thác cát, sỏi, bảo đảm phòng ngừa, hạn chế nguy cơ sạt, lở bờ, bãi sông.
2. Đối với trường hợp khai thác cát, sỏi trên bãi sông:
a) Cao độ đáy khu vực khai thác không vượt quá cao độ ứng với mực nước trung bình mùa cạn tại khu vực khai thác, trừ trường hợp kết hợp với việc khơi thông dòng chảy, tăng cường khả năng thoát lũ của đoạn sông;
b) Trường hợp đối với bãi nổi bán ngập, bãi hình thành theo mùa, bãi mới hình thành thì căn cứ tình hình thực thực tế, yêu cầu về phòng, chống sạt, lở bờ, bãi sông, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 21 Nghị định này quyết định cụ thể về phạm vi, độ sâu khu vực khai thác.
3. Trường hợp đang khai thác mà có hiện tượng sạt, lở bờ tại khu vực khai thác, thì phải tạm dừng việc khai thác, đồng thời báo cáo ngay cho chính quyền địa phương và Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có hoạt động khai thác để kiểm tra, xác định nguyên nhân, mức độ tác động tới lòng, bờ, bãi sông, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định.
Trường hợp không đủ điều kiện để tiếp tục khai thác thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, điều chỉnh bổ sung vào khu vực cấm, tạm thời cấm khai thác cát, sỏi trên sông theo quy định tại khoản 5 Điều 13 Nghị định này."

Theo đó, trong trường hợp cá nhân, tổ chức được cấp quyền khai thác cát sỏi lòng sông thì khi tiến hành thực hiện cần đảm bảo tuân thủ những yêu cầu tương ứng nêu trên.

Khai thác cát sỏi lòng sông

Khai thác cát sỏi lòng sông (Hình từ Internet)

Việc định hướng khai thác cát sỏi lòng sông có thuộc nội dung quản lý cát sỏi lòng sông trong quy hoạch vùng hay không?

Căn cứ quy định tại Điều 5 Nghị định 23/2020/NĐ-CP, nội dung quản lý cát sỏi lòng sông trong quy hoạch vùng bao gồm:

"Điều 5. Nội dung quản lý cát, sỏi lòng sông trong quy hoạch vùng
Nội dung quản lý cát, sỏi lòng sông trong quy hoạch vùng gồm:
1. Tiềm năng tài nguyên cát, sỏi lòng sông trong lưu vực sông thuộc phạm vi vùng lập quy hoạch.
2. Các yêu cầu về bảo vệ môi trường; bảo vệ lòng, bờ, bãi sông; phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu trong vùng.
3. Các quan điểm, mục tiêu phát triển của quy hoạch vùng sẽ định hướng cho hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng cát, sỏi lòng sông thuộc lưu vực.
4. Định hướng cho hoạt động thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông trên lưu vực sông thuộc vùng lập quy hoạch về thời gian, tổng công suất được cấp phép khai thác trên địa bàn của địa phương liên quan trong kỳ quy hoạch. Việc định hướng quy hoạch thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông trên lưu vực sông đảm bảo tác động thấp nhất đến cân bằng tự nhiên của lưu vực, gắn với nhu cầu sử dụng cát, sỏi để phát triển hạ tầng của các địa phương liên quan."

Theo đó, một trong những nội dung quản lý cát sỏi lòng sông là bao gồm việc định hướng cho hoạt động thăm dò, khai thác cát sỏi lòng sông trên lưu vực sông.

Khai thác cát sỏi lòng sông làm ảnh hưởng đến kè bờ trái với phương án được chấp thuận thì bị xử phạt như thế nào?

Căn cứ quy định tại khoản 4, khoản 6 Điều 25 Nghị định 36/2020/NĐ-CP, được sửa đổi bởi điểm b khoản 10 Điều 2 Nghị định 04/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến hoạt động khai thác cát sỏi lòng sông như sau:

"Điều 25. Vi phạm các quy định về bảo đảm sự lưu thông của dòng chảy, phòng, chống sạt, lở bờ, bãi sông
[...]
4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
“a) Nạo vét, khơi thông luồng để mở mới, cải tạo, nâng cấp luồng, tuyến giao thông thủy nội địa (trừ duy tu, bảo dưỡng định kỳ các tuyến đường thủy nội địa hiện có) hoặc kè bờ, gia cố bờ sông (trừ công trình kè bờ, chỉnh trị sông để phòng, chống thiên tai); cải tạo cảnh quan các vùng đất ven sông không đúng phương án thực hiện được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận;”.
b) San lấp hồ, ao, đầm, phá nằm trong danh mục hồ, ao, đầm phá không được san lấp do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
c) Không tạm dừng hoạt động nạo vét, khơi thông luồng để mở mới luồng, tuyến giao thông thủy nội địa, khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác trên sông, hồ khi thấy có hiện tượng sạt, lở bờ tại khu vực trong quá trình hoạt động.
[...]
6. Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
a) Kè bờ, gia cố bờ sông, nạo vét, khơi thông luồng để mở mới luồng, tuyến giao thông thủy nội địa, xây dựng công trình thủy, khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác trên sông, hồ không đúng phương án thực hiện được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận gây sạt, lở lòng, bờ, bãi sông hoặc gây ngập úng nặng vùng đất ven sông;
b) Sử dụng phần diện tích lấn sông không đúng mục đích được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.
[...]"

Đồng thời, tại khoản 8 và khoản 9 Điều 25 Nghị định 36/2020/NĐ-CP, được sửa đổi bởi điểm d khoản 10 Điều 2 Nghị định 04/2022/NĐ-CP có quy định về hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả như sau:

"8. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Đình chỉ hoạt động từ 01 tháng đến 03 tháng đối với các hành vi cải tạo lòng, bờ, bãi sông, nạo vét, khơi thông luồng để mở mới luồng, tuyến giao thông thủy nội địa, xây dựng công trình thủy, khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác trên sông, hồ vi phạm tại khoản 6 Điều này;
b) Đình chỉ hoạt động từ 03 tháng đến 06 tháng đối với các hành vi vi phạm tại khoản 5 Điều này.
9. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do hành vi vi phạm tải Điều này gây ra;
b) Buộc phá dỡ công trình, dỡ bỏ, di dời các vật gây cản trở dòng chảy đối với các hành vi vi phạm quy định tại Điều này;
c) Buộc phá dỡ công trình, dỡ bỏ, di dời các vật thể trên phần diện tích lấn sông đối với hành vi vi phạm tại điểm b khoản 6 Điều này."

Như vậy, trong trường hợp có hành vi kè bờ nhằm thực hiện công trình khai thác cát sỏi lòng sông trái với phương án thực hiện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận thì tùy trường hợp và tùy mức độ vi phạm mà mức phạt tiền có thể từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng.

Căn cứ khoản 1 Điều 5 Nghị định 36/2020/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 2 Nghị định 04/2022/NĐ-CP, trên đây là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân. Trường hợp tổ chức vi phạm, mức phạt tiền bằng gấp 2 lần mức phạt tiền nêu trên.

Đồng thời có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả thích hợp.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

1,860 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào