Khách sạn tạm giữ thẻ CCCD của khách hàng trong thời gian thuê phòng có vi phạm pháp luật không?
Khách sạn tạm giữ thẻ CCCD của khách hàng trong thời gian thuê phòng có vi phạm pháp luật không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 44 Nghị định 96/2016/NĐ-CP về trách nhiệm của khách sạn như sau:
Trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú
Ngoài trách nhiệm quy định tại Điều 25 Nghị định này, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú có trách nhiệm:
1. Ban hành nội quy quy định về công tác đảm bảo an ninh, trật tự, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy, niêm yết tại nơi dễ thấy, dễ đọc.
2. Kiểm tra giấy tờ tùy thân của khách lưu trú, gồm một trong các loại giấy tờ sau: Giấy chứng minh nhân dân; Căn cước công dân; Hộ chiếu; Thẻ thường trú hoặc Thẻ tạm trú (đối với người nước ngoài); các loại giấy tờ có dán ảnh do các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam cấp.
Khi khách lưu trú không có giấy tờ tùy thân thì sau khi bố trí vào phòng nghỉ phải thông báo ngay cho Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an quản lý địa bàn.
3. Ghi đầy đủ thông tin của khách lưu trú vào sổ quản lý (hoặc nhập đầy đủ thông tin vào máy tính) trước khi cho khách vào phòng nghỉ.
4. Thông báo cho Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi quản lý địa bàn đối với khách lưu trú là người Việt Nam và khai báo tạm trú đối với khách lưu trú là người nước ngoài (nghỉ qua đêm hoặc nghỉ theo giờ) phải thực hiện trước 23 giờ trong ngày. Trường hợp khách đến lưu trú sau 23 giờ thì thông báo trước 08 giờ sáng ngày hôm sau. Việc thông báo thực hiện theo các hình thức sau:
a) Đối với khách lưu trú là người Việt Nam, nếu cơ sở kinh doanh đã kết nối mạng Internet với cơ quan Công an thì việc thông báo thực hiện qua mạng Internet; nếu cơ sở kinh doanh chưa kết nối mạng Internet thì thông báo trực tiếp tại cơ quan Công an hoặc thông báo qua điện thoại;
b) Đối với khách là người nước ngoài, cơ sở kinh doanh phải ghi mẫu Phiếu khai báo tạm trú cho người nước ngoài và chuyển đến cơ quan Công an.
5. Kiểm tra và quản lý giấy tờ tùy thân của người đến thăm khách lưu trú tại phòng nghỉ, ghi đầy đủ thông tin vào sổ và trả lại giấy tờ tùy thân khi họ ra khỏi cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú.
...
Theo quy định trên, khách sạn chỉ được phép kiểm tra giấy tờ tùy thân là thẻ CCCD của khách thuê phòng và ghi đầy đủ thông tin của khách lưu trú vào sổ quản lý hoặc nhập đầy đủ thông tin vào máy tính trước khi cho khách vào phòng nghỉ.
Như vậy, khách sạn không được phép tạm giữ thẻ CCCD của khách hàng trong thời gian thuê phòng.
Tuy nhiên, khách sạn có quyền tạm giữ thẻ CCCD của người đến thăm khách hàng đang thuê phòng tại khách sạn, thực hiện kiểm tra, quản lý thông tin và trả lại thẻ CCCD cho họ khi họ rời khách sạn.
Khách sạn tạm giữ thẻ CCCD của khách hàng trong thời gian thuê phòng có vi phạm pháp luật không? (Hình từ Internet)
Khách sạn tạm giữ thẻ CCCD của khách hàng trong thời gian thuê phòng thì bị phạt bao nhiêu?
Căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP như sau:
Vi phạm quy định về cấp, quản lý, sử dụng Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân
...
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Chiếm đoạt, sử dụng Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân của người khác;
b) Tẩy xóa, sửa chữa hoặc có hành vi khác làm sai lệch nội dung của Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân;
c) Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân.
...
Theo đó, hành vi chiếm đoạt, sử dụng Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân của người khác là hành vi vi phạm về quy định sử dụng thẻ Căn cước công dân.
Như vậy, việc khách sạn tạm giữ thẻ CCCD của khách hàng trong thời gian thuê phòng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
Lưu ý: Mức xử phạt nêu trên áp dụng đối với cá nhân vi phạm, đối với tổ chức có hành vi vi phạm thì sẽ áp dụng mức phạt gấp 02 lần mức phạt đối với cá nhân (khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).
Nếu bị khách sạn tạm giữ thẻ CCCD thì báo Ủy ban nhân dân xã để giải quyết được không?
Căn cứ theo quy định về thẩm quyền xử phạt tại khoản 1 Điều 68 Nghị định 144/2021/NĐ-CP như sau:
Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình; đến 4.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ và lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 02 lần mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a và c khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
...
Như vậy, đối với hành vi tạm giữ thẻ CCCD của khách sạn có thể báo Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đó để giải quyết.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.