Khách hàng được yêu cầu rút chứng khoán trong phạm vi nào? Hồ sơ rút chứng khoán gồm những giấy tờ nào?
Khách hàng được yêu cầu rút chứng khoán trong phạm vi nào?
Căn cứ tại Điều 21 Thông tư 119/2020/TT-BTC có quy định như sau:
Rút chứng khoán
1. Rút chứng khoán theo yêu cầu của khách hàng:
a) Khách hàng chỉ được yêu cầu rút chứng khoán trong phạm vi số lượng chứng khoán sở hữu trên các tài khoản lưu ký chứng khoán, trừ các chứng khoán đang bị tạm giữ, phong tỏa, ký quỹ bù trừ;
b) Thành viên lưu ký phải chuyển cho Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam hồ sơ rút chứng khoán trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ của khách hàng;
c) Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam có trách nhiệm xử lý hồ sơ rút chứng khoán trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ của thành viên lưu ký;
d) Thông tin sở hữu chứng khoán của nhà đầu tư rút chứng khoán lưu ký được ghi nhận vào danh sách người sở hữu chứng khoán chưa lưu ký;
đ) Tổ chức phát hành có trách nhiệm cấp lại giấy chứng nhận sở hữu chứng khoán hoặc sổ chứng nhận sở hữu chứng khoán cho người sở hữu chứng khoán đã rút chứng khoán trong trường hợp tổ chức phát hành có cấp giấy chứng nhận sở hữu chứng khoán hoặc sổ chứng nhận sở hữu chứng khoán.
2. Việc rút chứng khoán do chứng khoán hết hiệu lực lưu hành, rút chứng khoán do hủy đăng ký chứng khoán tự nguyện được thực hiện theo nguyên tắc Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam tự động hạch toán giảm số lượng chứng khoán lưu ký trên tài khoản lưu ký chứng khoán của các thành viên lưu ký sau khi tổ chức phát hành hoàn tất việc hủy đăng ký chứng khoán tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
3. Việc rút chứng khoán đã lưu ký tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam được thực hiện theo quy chế về hoạt động lưu ký chứng khoán của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
Như vậy, theo quy định trên thì khách hàng chỉ được yêu cầu rút chứng khoán trong phạm vi số lượng chứng khoán sở hữu trên các tài khoản lưu ký chứng khoán, trừ các chứng khoán đang bị tạm giữ, phong tỏa, ký quỹ bù trừ.
Khách hàng được yêu cầu rút chứng khoán trong phạm vi nào? Hồ sơ rút chứng khoán gồm những giấy tờ nào? (Hình từ Internet)
Hồ sơ rút chứng khoán theo yêu cầu của khách hàng gồm những giấy tờ nào?
Căn cứ tại Điều 14 Quy chế hoạt động lưu ký chứng khoán tại Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 18/QĐ-HĐTV năm 2023 có quy định như sau:
Rút chứng khoán theo yêu cầu của người sở hữu chứng khoán
1. Hồ sơ rút chứng khoán theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Thông tư 119/2020/TT-BTC gửi VSDC bao gồm các tài liệu sau:
a. Đề nghị rút chứng khoán của khách hàng (Mẫu 14/LK của Quy chế này) trong trường hợp nhà đầu tư mở tài khoản tại TVLK có yêu cầu rút chứng khoán; văn bản ủy quyền thực hiện rút chứng khoán (nếu có);
b. Danh sách người sở hữu chứng khoán đề nghị rút chứng khoán do TVLK lập (Mẫu 15A/LK hoặc 15B/LK của Quy chế này) (02 bản).
2. Trong vòng 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ của TVLK, VSDC thực hiện:
a. Xác nhận thông tin người sở hữu rút chứng khoán lưu ký bằng văn bản (Mẫu 16/LK của Quy chế này) gửi cho TCPH đồng thời gửi cho nhà đầu tư thông qua TVLK nơi mở tài khoản và cho chính TVLK liên quan;
b. Xác nhận rút chứng khoán lưu ký gửi TVLK đồng thời hạch toán rút chứng khoán lưu ký trên tài khoản lưu ký của TVLK liên quan và ghi nhận thông tin sở hữu chứng khoán của nhà đầu tư đề nghị rút lưu ký vào Danh sách người sở hữu chứng khoán chưa lưu ký. Ngày hiệu lực rút chứng khoán lưu ký được VSDC xác nhận trên Danh sách người sở hữu chứng khoán đề nghị rút chứng khoán do TVLK gửi VSDC.
…
Như vậy, theo quy định trên thì hồ sơ rút chứng khoán theo yêu cầu của khách hàng gồm những giấy tờ sau:
- Đề nghị rút chứng khoán của khách hàng trong trường hợp nhà đầu tư mở tài khoản tại TVLK có yêu cầu rút chứng khoán; văn bản ủy quyền thực hiện rút chứng khoán (nếu có);
- Danh sách người sở hữu chứng khoán đề nghị rút chứng khoán do TVLK lập (02 bản).
Việc rút chứng khoán do hủy đăng ký được thực hiện khi nào?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 15 Quy chế hoạt động lưu ký chứng khoán tại Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 18/QĐ-HĐTV năm 2023 có quy định như sau:
Rút chứng khoán do huỷ đăng ký
1. Việc rút chứng khoán do huỷ đăng ký được thực hiện sau khi TCPH hoàn tất việc huỷ đăng ký chứng khoán tại VSDC theo quy định tại Quy chế hoạt động đăng ký và chuyển quyền sở hữu chứng khoán của VSDC.
2. Trường hợp trên các tài khoản lưu ký chứng khoán của TVLK có số lượng chứng khoán đang bị tạm giữ, phong tỏa, VSDC thông báo cho TVLK liên quan (Mẫu 17/LK của Quy chế này).
3. Vào ngày quyết định huỷ đăng ký chứng khoán có hiệu lực, VSDC tự động hạch toán giảm số lượng chứng khoán lưu ký huỷ đăng ký trên tài khoản của các TVLK/ TCMTKTT liên quan tại VSDC và thông báo cho TVLK/ TCMTKTT. Hiệu lực rút chứng khoán do huỷ đăng ký là ngày ghi trên Xác nhận rút chứng khoán lưu ký của VSDC gửi cho TVLK/ TCMTKTT (Mẫu 18/LK của Quy chế này). TVLK/ TCMTKTT có trách nhiệm hạch toán giảm số lượng chứng khoán lưu ký hủy đăng ký trên tài khoản lưu ký chứng khoán tại TVLK/ TCMTKTT đồng thời thông báo cho nhà đầu tư có liên quan (đối với TVLK).
Như vậy, theo quy định trên thì việc rút chứng khoán do hủy đăng ký được thực hiện sau khi tổ chức phát hành hoàn tất việc huỷ đăng ký chứng khoán tại Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam theo quy định tại Quy chế hoạt động đăng ký và chuyển quyền sở hữu chứng khoán của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.