Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trên môi trường điện tử của cơ quan nhà nước được xây dựng bao nhiêu năm?
- Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trên môi trường điện tử của cơ quan nhà nước được xây dựng bao nhiêu năm?
- Việc triển khai ứng dụng hệ thống thông tin, nền tảng số trên môi trường điện tử của cơ quan nhà nước phải gắn liền với công tác nào?
- Trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của tổ chức cá nhân trên môi trường điện tử là gì?
Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trên môi trường điện tử của cơ quan nhà nước được xây dựng bao nhiêu năm?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định 137/2024/NĐ-CP như sau:
Chuyển đổi hoạt động của cơ quan nhà nước lên môi trường điện tử
1. Cơ quan nhà nước ưu tiên thực hiện toàn trình trên môi trường điện tử các hoạt động bao gồm: cung cấp dịch vụ công; công tác quản trị nội bộ; chỉ đạo, điều hành; giám sát, kiểm tra, thanh tra theo lộ trình và kế hoạch phù hợp.
Trường hợp hoạt động có nội dung liên quan đến bí mật nhà nước phải tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước và pháp luật về cơ yếu.
2. Xây dựng kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước trên môi trường điện tử
a) Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi tắt là bộ, ngành), Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) có trách nhiệm xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch 5 năm, kế hoạch hằng năm về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; trong đó phải có các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để đưa hoạt động của cơ quan nhà nước hướng tới thực hiện toàn trình trên môi trường điện tử, tối thiểu phải bao gồm các lĩnh vực hoạt động: cung cấp dịch vụ công; công tác quản trị nội bộ; chỉ đạo, điều hành; giám sát, kiểm tra thanh tra;
b) Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm hướng dẫn các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng kế hoạch 5 năm, kế hoạch hằng năm về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
...
Theo đó, cơ quan nhà nước phải xây dựng kế hoạch 5 năm, kế hoạch hằng năm về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trên môi trường điện tử.
Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trên môi trường điện tử của cơ quan nhà nước được xây dựng bao nhiêu năm? (Hình từ Internet)
Việc triển khai ứng dụng hệ thống thông tin, nền tảng số trên môi trường điện tử của cơ quan nhà nước phải gắn liền với công tác nào?
Căn cứ vào khoản 4 Điều 6 Nghị định 137/2024/NĐ-CP có quy định như sau:
Chuyển đổi hoạt động của cơ quan nhà nước lên môi trường điện tử
...
3. Các yêu cầu cơ bản đối với hệ thống thông tin, nền tảng số phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước trên môi trường điện tử:
a) Bảo đảm phù hợp với Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam và Khung Kiến trúc Chính phủ cấp bộ, cấp tỉnh;
b) Bảo đảm khả năng tích hợp, liên thông, chia sẻ, sử dụng và sử dụng lại thông tin, dữ liệu;
c) Bảo đảm tính xác thực, tin cậy, toàn vẹn và khả năng dễ tiếp cận, truy cập, sử dụng liên tục, ổn định;
d) Cho phép kiểm tra, kiểm chứng thông tin, dữ liệu phục vụ công tác báo cáo, liên thông nghiệp vụ và đáp ứng các yêu cầu khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo thẩm quyền khi được yêu cầu;
đ) Bảo đảm khả năng phát triển, nâng cấp, mở rộng theo nhu cầu của thực tiễn;
e) Bảo đảm các yêu cầu theo pháp luật về an toàn thông tin mạng, an ninh mạng;
g) Bảo đảm các yêu cầu khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
4. Việc triển khai ứng dụng hệ thống thông tin, nền tảng số phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước trên môi trường điện tử phải gắn liền với công tác cải cách hành chính của cơ quan nhà nước nhằm đổi mới phương thức làm việc, chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu, tăng cường xử lý văn bản và hồ sơ công việc trên môi trường điện tử, nâng cao hiệu suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước; giảm chi phí và thời gian xử lý công việc.
Như vậy, việc triển khai ứng dụng hệ thống thông tin, nền tảng số trên môi trường điện tử phải gắn liền với công tác công tác cải cách hành chính của cơ quan nhà nước nhằm mục đích đổi mới phương thức làm việc, chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu, tăng cường xử lý văn bản và hồ sơ công việc trên môi trường điện tử, nâng cao hiệu suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước; giảm chi phí và thời gian xử lý công việc.
Trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của tổ chức cá nhân trên môi trường điện tử là gì?
Trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của tổ chức, cá nhân trên môi trường điện tử được quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định 137/2024/NĐ-CP như sau:
- Tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của tổ chức, cá nhân trên môi trường điện tử, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Trong trường hợp từ chối tiếp nhận, giải quyết phải nêu rõ lý do để tổ chức, cá nhân được biết;
- Thiết lập các kênh giao tiếp trên môi trường điện tử và ban hành quy chế hoạt động để tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của tổ chức, cá nhân, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
- Phải thông báo kết quả xử lý yêu cầu của tổ chức, cá nhân trên môi trường điện tử thông qua các phương tiện điện tử, các kênh giao tiếp, trừ trường hợp pháp luật quy định khác hoặc theo đề nghị của tổ chức, cá nhân có yêu cầu.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.