Kế hoạch khai thác đội tàu bay của các hãng hàng không được quy định như thế nào? Pháp luật quy định yêu cầu đối với việc thuê, cho thuê tàu bay như thế nào?
Kế hoạch khai thác đội tàu bay của các hãng hàng không được quy định như thế nào?
Khai thác đội tàu bay của các hãng hàng không
Căn cứ tại Điều 3 Thông tư 81/2014/TT-BGTVT sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Thông tư 21/2020/TT-BGTVT quy định về kế hoạch khai thác đội tàu bay của doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không (sau đây gọi là hãng hàng không) và doanh nghiệp kinh doanh hàng không chung Việt Nam như sau:
- Hãng hàng không và doanh nghiệp kinh doanh hàng không chung có trách nhiệm xây dựng kế hoạch khai thác đội tàu bay của doanh nghiệp hàng năm (từ ngày 01 tháng 01 đến hết ngày 31 tháng 12), trung hạn (5 năm) và dài hạn (từ 10 năm trở lên) để thực hiện hoạt động vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung tại Việt Nam.
- Kế hoạch khai thác đội tàu bay đối với hãng hàng không và doanh nghiệp kinh doanh hàng không chung phải có các nội dung sau:
+ Dự báo nhu cầu của thị trường vận chuyển hàng không nội địa, quốc tế, từng đường bay mà hãng dự kiến khai thác;
+ Dự kiến mạng đường bay; sản lượng vận chuyển, luân chuyển (hành khách, hàng hóa); hệ số sử dụng tải; thị phần của hãng trên toàn mạng quốc tế, nội địa và trên từng đường bay;
+ Số lượng theo loại tàu bay dự kiến khai thác toàn mạng; loại tàu bay dự kiến khai thác trên từng đường bay của hãng;
+ Kế hoạch đảm bảo nguồn lực (nhân lực, tài chính) để khai thác, bảo dưỡng đội tàu bay.
- Trong trường hợp các nội dung của kế hoạch khai thác đội tàu bay quy định tại Điều này được sửa đổi, bổ sung, doanh nghiệp có trách nhiệm báo cáo Cục Hàng không Việt Nam trong vòng 30 ngày, kể từ ngày doanh nghiệp quyết định sửa đổi, bổ sung kế hoạch.
- Hãng hàng không, doanh nghiệp kinh doanh hàng không chung có trách nhiệm báo cáo Cục Hàng không Việt Nam kế hoạch khai thác đội tàu bay, chi tiết báo cáo như sau:
+ Tên báo cáo: kế hoạch khai thác đội tàu bay;
+ Nội dung báo cáo: các nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều này;
+ Phương thức gửi, nhận báo cáo: báo cáo bằng hình thức văn bản giấy hoặc văn bản điện tử được gửi trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính, fax hoặc các hình thức phù hợp khác theo quy định của pháp luật;
+ Thời hạn gửi báo cáo: ngày 01 tháng 11 hàng năm của năm trước năm kế hoạch (đối với kế hoạch hàng năm) và trước 60 ngày kể từ ngày dự kiến bắt đầu kế hoạch (đối với kế hoạch trung hạn và dài hạn);
+ Thời gian chốt số liệu báo cáo: tính đến ngày 31 tháng 10 hàng năm của năm trước năm kế hoạch;
+ Mẫu đề cương báo cáo: theo quy định tại Phụ lục XV ban hành kèm theo Thông tư này.”.
Thủ tục chấp thuận việc thuê, cho thuê tàu bay giữa tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài được quy định như thế nào?
Căn cứ tại Điều 4 Thông tư 81/2014/TT-BGTVT quy định về vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung do Bộ Giao thông vận tải ban hành quy định về thủ tục chấp thuận việc thuê, cho thuê tàu bay giữa tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài như sau:
- Tổ chức, cá nhân đề nghị chấp thuận việc thuê, cho thuê tàu bay nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc các hình thức phù hợp khác đến Cục Hàng không Việt Nam và phải chịu trách nhiệm về các thông tin trong hồ sơ. Hồ sơ bao gồm:
+ Văn bản đề nghị theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;
+ Báo cáo, giải trình các nội dung: Hình thức thuê; tư cách pháp lý của các bên tham gia hợp đồng thuê tàu bay; thời hạn thuê; số lượng, loại và tuổi tàu bay thuê; quốc tịch tàu bay; giấy chứng nhận liên quan đến tàu bay; thỏa thuận về việc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với hành khách, hành lý, hàng hóa và đối với người thứ ba ở mặt đất; tổ chức chịu trách nhiệm khai thác, bảo dưỡng tàu bay theo Giấy chứng nhận người khai thác tàu bay.
+ Bản sao hợp đồng thuê, cho thuê tàu bay;
+ Bản sao tài liệu khẳng định tư cách pháp lý và hoạt động kinh doanh của bên thuê (trong trường hợp cho thuê), bên cho thuê tàu bay (trong trường hợp thuê), người khai thác tàu bay, người bảo dưỡng tàu bay;
+ Bản sao tài liệu về các thông số kỹ thuật của tàu bay;
+ Bản sao tài liệu thể hiện quyền (chiếm hữu, sở hữu, sử dụng) của bên cho thuê đối với tàu bay; đối với trường hợp thuê tàu bay có tổ bay, cho thuê tàu bay không có tổ bay cần bổ sung Giấy chứng nhận người khai thác tàu bay, người bảo dưỡng tàu bay, chứng chỉ bảo hiểm;
+ Bản mô tả hình ảnh, thương hiệu gắn bên ngoài tàu bay.
- Doanh nghiệp Việt Nam có tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước từ 30% trở lên đề nghị chấp thuận việc thuê tàu bay, ngoài các tài liệu quy định tại khoản 1 của Điều này, thành phần hồ sơ bổ sung bao gồm:
+ Báo cáo, giải trình việc thực hiện các quy định về hình thức, trình tự, phương thức lựa chọn nhà thầu cho thuê tàu bay; chào hàng cạnh tranh; phương pháp đánh giá hồ sơ đề xuất cho thuê tàu bay;
+ Văn bản phê duyệt hợp đồng thuê tàu bay với đối tác nước ngoài của Hội đồng quản trị (Hội đồng thành viên) hoặc Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp đối với doanh nghiệp không có Hội đồng quản trị (Hội đồng thành viên).
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ theo quy định, Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm xem xét, thẩm định hồ sơ và có văn bản chấp thuận hoặc không chấp thuận việc thuê, cho thuê tàu bay của tổ chức, cá nhân.
- Trong trường hợp không chấp thuận, phải nêu rõ lý do bằng văn bản.
- Trường hợp hồ sơ đề nghị chấp thuận việc thuê, cho thuê tàu bay chưa đầy đủ theo quy định, trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, Cục Hàng không Việt Nam có văn bản đề nghị tổ chức, cá nhân hoàn chỉnh hồ sơ và thời hạn giải quyết tính từ khi nhận được hồ sơ đầy đủ theo quy định.
- Tổ chức, cá nhân đề nghị chấp thuận việc thuê, cho thuê tàu bay nộp lệ phí theo quy định pháp luật.
Pháp luật quy định yêu cầu đối với việc thuê, cho thuê tàu bay như thế nào?
Căn cứ tại Điều 5 Thông tư 81/2014/TT-BGTVT quy định về vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung do Bộ Giao thông vận tải ban hành quy định về yêu cầu đối với việc thuê, cho thuê tàu bay như sau:
- Tổ chức, cá nhân thuê tàu bay phải khai thác, kiểm soát và chịu trách nhiệm đối với các quyền vận chuyển hàng không được cấp.
- Tổ chức, cá nhân thuê tàu bay không cho bất kỳ người nào khác trực tiếp hoặc gián tiếp hưởng lợi từ việc sử dụng quyền vận chuyển hàng không ngoài giá thuê thỏa thuận theo thời gian khai thác hoặc thuê bao cùng với các chi phí liên quan trực tiếp khác.
- Tổ chức, cá nhân thuê, cho thuê tàu bay có nghĩa vụ tham gia và giải trình việc thuê, cho thuê tàu bay.
- Trước khi đưa tàu bay vào khai thác, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thông báo và cung cấp cho Cục Hàng không Việt Nam giấy tờ liên quan đến việc tạm nhập tái xuất tàu bay (đối với việc thuê tàu bay) và tạm xuất tái nhập tàu bay (đối với việc cho thuê tàu bay) của cơ quan Hải quan.
- Trường hợp thuê tàu bay có thời hạn không quá 07 ngày liên tục quy định tại Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, tổ chức, cá nhân phải thông báo bằng văn bản cho Cục Hàng không Việt Nam về việc bên cho thuê có Giấy chứng nhận người khai thác tàu bay phù hợp.
- Tổ chức, cá nhân thuê, cho thuê tàu bay có nghĩa vụ thông báo cho Cục Hàng không Việt Nam các trường hợp vi phạm của các bên trong việc thực hiện hợp đồng thuê, cho thuê tàu bay; việc chấm dứt trước thời hạn hoặc gia hạn hiệu lực của việc thuê, cho thuê tàu bay, thời gian thực tế đưa tàu bay ra khỏi Việt Nam (đối với việc thuê tàu bay), đưa tàu bay về Việt Nam (đối với việc cho thuê tàu bay) để thực hiện kiểm tra, giám sát.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.