Hương ước có nội dung trái với phong tục, tập quán của địa phương sẽ bị tạm ngưng thực hiện hay hủy bỏ?

Đối với trường hợp hương ước được xây dựng nên mà có nội dung trái với phong tục, tập quán của địa phương thì xử lý như thế nào? Cơ quan nào có thẩm quyền xử lý trong trường hợp này?

Hương ước có nội dung trái với phong tục tập quán của địa phương thì xử lý như thế nào?

Căn cứ Điều 15 Quyết định 22/2018/QĐ-TTg có quy định về việc tạm ngừng thực hiện hương ước, quy ước như sau:

"Điều 15. Tạm ngừng thực hiện hương ước, quy ước
1. Hương ước, quy ước bị tạm ngừng thực hiện một phần hoặc toàn bộ khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Có nội dung quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 10 của Quyết định này và nếu áp dụng sẽ gây ra thiệt hại hoặc có nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng;
b) Chưa được Ủy ban nhân dân cấp huyện công nhận mà vẫn thực hiện.
2. Khi có căn cứ quy định tại điểm a hoặc điểm b Khoản 1 Điều này, trong thời hạn 03 ngày làm việc, Ủy ban nhân dân cấp huyện ra quyết định tạm ngừng thực hiện hương ước, quy ước; chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã hướng dẫn thôn, tổ dân phố tiến hành việc sửa đổi, bổ sung, thay thế khi thuộc trường hợp quy định tại điểm a Khoản 1 Điều này hoặc tiến hành các thủ tục đề nghị công nhận theo quy định khi thuộc trường hợp quy định tại điểm b Khoản 1 Điều này.
3. Quyết định tạm ngừng thực hiện hương ước, quy ước phải quy định rõ thời hạn thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hoàn tất các thủ tục đề nghị công nhận theo quy định.
4. Quyết định tạm ngừng thực hiện hương ước, quy ước có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và hết hiệu lực khi quyết định bãi bỏ hoặc công nhận hương ước, quy ước có hiệu lực pháp luật hoặc hương ước, quy ước sửa đổi, bổ sung, thay thế có giá trị thi hành."

Dẫn chiếu đến quy định tại khoản 1 Điều 10 Quyết định 22/2018/QĐ-TTg:

"Điều 10. Sửa đổi, bổ sung, thay thế hương ước, quy ước
1. Hương ước, quy ước được sửa đổi, bổ sung, thay thế khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Có nội dung trái pháp luật, trái đạo đức xã hội hoặc trái phong tục, tập quán về hôn nhân và gia đình được áp dụng tại địa phương đã được Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt hoặc trái phong tục, tập quán tốt đẹp khác theo quy định của pháp luật;
b) Cộng đồng dân cư thấy cần thiết phải sửa đổi, bổ sung, thay thế hương ước, quy ước phù hợp với quy định tại Điều 5 của Quyết định này.
[...]"

Như vậy, trong trường hợp hương ước có nội dung trái với phong tục, tập quán về hôn nhân và gia đình được áp dụng tại địa phương đã được Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt, đồng thời nếu áp dụng hương ước này sẽ gây ra thiệt hại hoặc có nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng thì biện pháp xử lý trong trường hợp này là cần phải tạm ngưng thực hiện hương ước để tiến hành sửa đổi, bổ sung, thay thế hương ước này.

Cụ thể, Ủy ban nhân dân cấp huyện trong thời hạn 03 ngày làm việc tiến hành ra quyết định tạm ngừng thực hiện hương ước; chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã hướng dẫn thôn, tổ dân phố tiến hành việc sửa đổi, bổ sung, thay thế phù hợp. Đồng thời, quyết định này phải quy định rõ thời hạn thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, thay thế.

Hương ước có nội dung trái với phong tục, tập quán

Hương ước có nội dung trái với phong tục, tập quán ở địa phương

Có thể hủy bỏ hương ước có nội dung trái với phong tục, tập quán của địa phương hay không?

Căn cứ khoản 1 Điều 16 Quyết định 22/2018/QĐ-TTg có quy định về các trường hợp bãi bỏ hương ước như sau:

"Điều 16. Bãi bỏ hương ước, quy ước
1. Hương ước, quy ước bị bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Bị tạm ngừng thực hiện theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 15 của Quyết định này nhưng đã hết thời hạn quy định trong quyết định tạm ngừng thực hiện mà thôn, tổ dân phố không tiến hành sửa đổi, bổ sung, thay thế;
b) Đã được công nhận nhưng không bảo đảm điều kiện thông qua theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 của Quyết định này."

Theo đó, trong trường hợp hương ước bị tạm ngừng thực hiện vì có nội dung trái với phong tục, tập quán về hôn nhân và gia đình được áp dụng tại địa phương đã được Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt, đồng thời nếu áp dụng hương ước này sẽ gây ra thiệt hại hoặc có nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng; nhưng đã đã hết thời hạn quy định trong quyết định tạm ngừng thực hiện mà thôn, tổ dân phố không tiến hành sửa đổi, bổ sung, thay thế thì sẽ dẫn đến hệ quả bị bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ.

Cơ quan nào có thẩm quyền ra quyết định hủy bỏ hương ước?

Căn cứ khoản 2 Điều 16 Quyết định 22/2018/QĐ-TTg có quy định như sau:

"Điều 16. Bãi bỏ hương ước, quy ước
[...]
2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày hết thời hạn quy định tại quyết định tạm ngừng thực hiện đối với hương ước, quy ước thuộc trường hợp quy định tại điểm a Khoản 1 Điều này hoặc kể từ ngày có căn cứ hương ước, quy ước thuộc trường hợp quy định tại điểm b Khoản 1 Điều này, cơ quan, cá nhân có thẩm quyền xử lý hương ước, quy ước vi phạm xem xét, ra quyết định bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ nội dung hương ước, quy ước."

Dẫn chiếu đến quy định tại khoản 1 Điều 14 Quyết định 22/2018/QĐ-TTg có quy định về thẩm quyền xử lý hương ước như sau:

"Điều 14. Thẩm quyền, hình thức xử lý
1. Thẩm quyền xử lý hương ước, quy ước vi phạm
a) Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền xử lý vi phạm đối với hương ước, quy ước thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 15 và Khoản 1 Điều 16 của Quyết định này;
b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền xử lý vi phạm đối với hương ước, quy ước quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 16 của Quyết định này trong trường hợp Ủy ban nhân dân cấp huyện không xử lý hoặc xử lý không đúng quy định của pháp luật.
[...]"

Có thể thấy, thẩm quyền ra quyết định hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ hương ước thuộc về Ủy ban nhân dân cấp huyện. Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp huyện không xử lý hoặc xử lý không đúng quy định của pháp luật, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền xử lý vi phạm đối với hương ước nói trên.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

1,216 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào