Hướng dẫn xử lý khi bán đấu giá tài sản công lần đầu không thành? Cơ quan nào có thẩm quyền quyết định bán đấu giá tài sản công?
Hướng dẫn xử lý khi bán đấu giá tài sản công lần đầu không thành?
Xử lý tài sản công trong trường hợp đấu giá không thành được quy định tại Điều 25 Nghị định 151/2017/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 17 Điều 1 Nghị định 114/2024/NĐ-CP quy định như sau:
Xử lý tài sản công trong trường hợp đấu giá không thành
1. Tổ chức đấu giá lại đối với trường hợp đấu giá lần đầu không thành.
2. Trường hợp từ lần thứ hai trở đi tổ chức đấu giá không thành, cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức bán tài sản quy định tại khoản 3 Điều 23 Nghị định này thực hiện theo một trong các phương án sau:
a) Bán cho người duy nhất trong trường hợp khi đã hết thời hạn đăng ký tham gia mà chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá hoặc có nhiều người đăng ký tham gia đấu giá nhưng chỉ có một người tham gia cuộc đấu giá hoặc có nhiều người tham gia cuộc đấu giá nhưng chỉ có một người trả giá hoặc có nhiều người trả giá nhưng chỉ có một người trả giá cao nhất và trả giá ít nhất bằng giá khởi điểm khi đấu giá từ lần thứ hai trở lên.
b) Tổ chức đấu giá lại theo quy định của pháp luật.
c) Trình cơ quan, người có thẩm quyền đã ra quyết định bán tài sản để xem xét, quyết định hủy bỏ quyết định bán đấu giá tài sản công để áp dụng hình thức xử lý khác theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và quy định tại Nghị định này.
...
Theo đó, đối với trường hợp đấu giá tài sản công lần đầu không thành thì sẽ tổ chức đấu giá lại.
Hướng dẫn xử lý khi bán đấu giá tài sản công lần đầu không thành? Cơ quan nào có thẩm quyền quyết định bán đấu giá tài sản công? (Hình từ Internet)
Loại nhà ở cũ thuộc tài sản công không thuộc diện được bán được quy định như thế nào?
Căn cứ vào Điều 68 Nghị định 95/2024/NĐ-CP quy định loại nhà ở cũ thuộc tài sản công không thuộc diện được bán như sau:
(1) Nhà ở cũ thuộc tài sản công không thuộc diện được bán bao gồm:
- Nhà ở nằm trong khu vực quy hoạch xây dựng nhà ở công vụ, quy hoạch xây dựng công trình thuộc dự án quan trọng quốc gia theo quy định của pháp luật;
- Nhà ở đã có quyết định thu hồi đất, thu hồi nhà ở của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Nhà không có nguồn gốc là nhà ở nhưng đang bố trí làm nhà ở và thuộc diện đang thực hiện xử lý, sắp xếp lại nhà, đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công;
- Nhà ở gắn liền với di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; nhà ở nằm trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng làm nhà ở công vụ, công sở, trụ sở làm việc, trường học, bệnh viện, công viên, công trình phục vụ mục đích công cộng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
- Nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ theo quy định;
- Căn hộ chung cư không khép kín chưa được Nhà nước cải tạo lại, trừ trường hợp người thuê đã tự cải tạo trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành và việc sử dụng độc lập, tự nguyện, có sự đồng thuận thông qua cam kết bằng văn bản đề nghị được mua;
- Nhà biệt thự nằm trong danh mục không thuộc diện được bán mà Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã báo cáo và đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành và các nhà biệt thự khác mà Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.
(2) Đối với nhà ở thuộc diện không được bán quy định trên đây, khi Nhà nước thực hiện xử lý nhà ở này thì người đang thuê được giải quyết bố trí tái định cư theo từng trường hợp tương ứng với chính sách xử lý về nhà ở, đất ở theo quy định
Cơ quan nào có thẩm quyền quyết định bán đấu giá tài sản công?
Theo căn cứ tại khoản 1 Điều 22 Nghị định 151/2017/NĐ-CP quy định về thẩm quyền quyết định bán đấu giá như sau:
Thẩm quyền quyết định bán tài sản công
1. Thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản công theo hình thức bán được thực hiện theo quy định tại Điều 28 Nghị định này.
...
Dẫn chiếu đến quy định tại Điều 28 Nghị định 151/2017/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 20 Điều 1 Nghị định 114/2024/NĐ-CP) về thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản công như sau:
Thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản công
Thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản công trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 45 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công được quy định như sau:
1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương quy định thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản công là tài sản cố định tại cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan trung ương.
2. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản công là tài sản cố định tại cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương.
3. Người đứng đầu cơ quan nhà nước được giao quản lý, sử dụng tài sản công quyết định thanh lý đối với:
a) Tài sản công là tài sản cố định theo thẩm quyền do của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định.
b) Tài sản công không phải là tài sản cố định.
Theo đó, thẩm quyền quyết định bán đấu giá tài sản công như sau:
- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương: đối với tài sản công là tài sản cố định tại cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan trung ương.
- Hội đồng nhân dân cấp tỉnh: đối với tài sản công là tài sản cố định tại cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương.
- Người đứng đầu cơ quan nhà nước được giao quản lý, sử dụng tài sản công đối với:
+ Tài sản công là tài sản cố định theo thẩm quyền do của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định.
+ Tài sản công không phải là tài sản cố định.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.