Hướng dẫn trình tự đầu tư xây dựng theo Nghị định 175? Quy định về việc lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng?

Hướng dẫn trình tự đầu tư xây dựng theo Nghị định 175? Việc lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng được quy định ra sao? Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng gồm các nội dung nào?

Hướng dẫn trình tự đầu tư xây dựng theo Nghị định 175?

Theo quy định tại Điều 4 Nghị định 175/2024/NĐ-CP, trình tự đầu tư xây dựng được hướng dẫn như sau:

(1) Trình tự thực hiện đầu tư xây dựng theo quy định tại khoản 1 Điều 50 của Luật Xây dựng năm 2014 được quy định cụ thể như sau:

- Giai đoạn chuẩn bị dự án gồm các công việc:

+ Lập đề xuất chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài (nếu có);

+ Lập, thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng hoặc Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư để quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư (nếu có);

+ Khảo sát xây dựng phục vụ lập dự án;

+ Lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng làm cơ sở lập dự án;

+ Lập, thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng để phê duyệt dự án, quyết định đầu tư xây dựng;

+ Các công việc cần thiết khác liên quan đến chuẩn bị dự án;

- Giai đoạn thực hiện dự án gồm các công việc:

+ Chuẩn bị mặt bằng xây dựng, rà phá bom mìn (nếu có);

+ Khảo sát xây dựng phục vụ thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở;

+ Lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng; cấp giấy phép xây dựng (đối với công trình theo quy định phải có giấy phép xây dựng);

+ Ký kết hợp đồng xây dựng;

+ Thi công xây dựng công trình; giám sát thi công xây dựng;

+ Tạm ứng, thanh toán khối lượng hoàn thành;

+ Vận hành, chạy thử;

+ Nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng;

+ Quyết toán hợp đồng xây dựng; giám sát, đánh giá dự án đầu tư xây dựng;

+ Các công việc cần thiết khác liên quan đến thực hiện dự án;

- Giai đoạn kết thúc xây dựng gồm các công việc:

+ Quyết toán hợp đồng xây dựng, quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành, xác nhận hoàn thành công trình;

+ Bàn giao công trình đưa vào sử dụng;

+ Bảo hành công trình xây dựng, bàn giao các hồ sơ liên quan;

+ Giám sát, đánh giá dự án đầu tư xây dựng;

+ Các công việc cần thiết khác.

(2) Trình tự thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình khẩn cấp thực hiện theo quy định tại Điều 69 Nghị định 175/2024/NĐ-CP.

Trình tự thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư có cấu phần xây dựng (sau đây gọi là dự án PPP) thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

(3) Đối với các dự án không quy định tại khoản (2) nêu trên, tùy thuộc điều kiện cụ thể và yêu cầu kỹ thuật của dự án, người quyết định đầu tư quyết định trình tự thực hiện tuần tự hoặc kết hợp, đồng thời đối với các công việc quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 4 Nghị định 175/2024/NĐ-CP, phù hợp với các nội dung tại quyết định phê duyệt dự án.

(4) Đối với dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng chìa khóa trao tay, trình tự đầu tư xây dựng được thực hiện phù hợp với nội dung quy định của hợp đồng.

Hướng dẫn trình tự đầu tư xây dựng theo Nghị định 175? Quy định về việc lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng?

Hướng dẫn trình tự đầu tư xây dựng theo Nghị định 175? Quy định về việc lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng? (Hình từ (Internet)

Việc lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng được quy định ra sao?

Việc lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng được quy định tại Điều 11 Nghị định 175/2024/NĐ-CP, cụ thể như sau:

(1) Việc lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để xem xét, quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 52 của Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 10 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020.

(2) Phương án thiết kế sơ bộ của Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng được thể hiện trên thuyết minh và bản vẽ, bao gồm các nội dung sau:

- Bản vẽ thiết kế sơ bộ gồm: sơ đồ vị trí, dự kiến địa điểm khu đất xây dựng; sơ bộ tổng mặt bằng của dự án hoặc sơ đồ hướng tuyến trong trường hợp công trình xây dựng theo tuyến; bản vẽ thể hiện giải pháp thiết kế sơ bộ công trình chính của dự án;

- Thuyết minh về quy mô, tính chất của dự án; hiện trạng, ranh giới khu đất; thuyết minh về sự phù hợp với quy hoạch (nếu có), kết nối giao thông, hạ tầng kỹ thuật xung quanh dự án; thuyết minh về giải pháp thiết kế sơ bộ;

- Bản vẽ và thuyết minh sơ bộ về dây chuyền công nghệ và thiết bị công nghệ (nếu có).

(3) Việc lập sơ bộ tổng mức đầu tư của Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng thực hiện theo quy định của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

(4) Nội dung Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi quy định tại Điều 53 của Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 11 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 trong đó, theo yêu cầu từng dự án, thuyết minh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi còn phải có một số nội dung cụ thể như sau:

- Việc đáp ứng các điều kiện làm chủ đầu tư dự án theo quy định của pháp luật có liên quan (nếu có) đối với trường hợp chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với việc chấp thuận nhà đầu tư;

- Dự kiến sơ bộ diện tích đất trồng lúa, đất lâm nghiệp và các loại đất khác cần chuyển đổi mục đích sử dụng để làm dự án đầu tư xây dựng (nếu có);

- Đối với dự án khu đô thị, nhà ở cần có thuyết minh việc triển khai dự án đầu tư đáp ứng mục tiêu, định hướng phát triển đô thị, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương trong từng giai đoạn (nếu có); sơ bộ cơ cấu sản phẩm nhà ở; việc thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội và các ưu đãi (nếu có); sơ bộ phương án đầu tư xây dựng, quản lý hạ tầng đô thị trong dự án và kết nối với hạ tầng ngoài phạm vi dự án đối với dự án khu đô thị.

Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng gồm các nội dung nào?

Theo quy định tại Điều 53 Luật Xây dựng 2014 (được bổ sung bởi khoản 11 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020), nội dung Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng bao gồm:

- Sự cần thiết đầu tư và các điều kiện để thực hiện đầu tư xây dựng.

- Dự kiến mục tiêu, quy mô, địa điểm và hình thức đầu tư xây dựng.

- Nhu cầu sử dụng đất và tài nguyên.

- Phương án thiết kế sơ bộ về xây dựng, thuyết minh, công nghệ, kỹ thuật và thiết bị phù hợp.

- Dự kiến thời gian thực hiện dự án.

- Sơ bộ tổng mức đầu tư, phương án huy động vốn; khả năng hoàn vốn, trả nợ vốn vay (nếu có); xác định sơ bộ hiệu quả kinh tế - xã hội và đánh giá tác động của dự án.

- Đánh giá sơ bộ tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và nội dung khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

24 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào