Hướng dẫn trình bày biến động thông tin về nguồn vốn chủ sở hữu trong Bản thuyết minh báo cáo tài chính?
- Nội dung liên quan đến vốn chủ sở hữu phải công khai tại báo cáo tài chính đúng không?
- Trình bày những biến động trong nguồn vốn chủ sở hữu nằm ở đâu trong Bản thuyết minh báo cáo tài chính?
- Hướng dẫn trình bày những biến động thông tin về nguồn vốn chủ sở hữu trong Bản thuyết minh báo cáo tài chính?
Nội dung liên quan đến vốn chủ sở hữu phải công khai tại báo cáo tài chính đúng không?
Nội dung công khai báo cáo tài chính được quy định tại Điều 31 Luật Kế toán 2015 như sau:
Nội dung công khai báo cáo tài chính
1. Đơn vị kế toán sử dụng ngân sách nhà nước công khai thông tin thu, chi ngân sách nhà nước theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.
2. Đơn vị kế toán không sử dụng ngân sách nhà nước công khai quyết toán thu, chi tài chính năm.
3. Đơn vị kế toán sử dụng các khoản đóng góp của Nhân dân công khai mục đích huy động và sử dụng các khoản đóng góp, đối tượng đóng góp, mức huy động, kết quả sử dụng và quyết toán thu, chi từng khoản đóng góp.
4. Đơn vị kế toán thuộc hoạt động kinh doanh công khai các nội dung sau đây:
a) Tình hình tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu;
b) Kết quả hoạt động kinh doanh;
c) Trích lập và sử dụng các quỹ;
d) Thu nhập của người lao động;
đ) Các nội dung khác theo quy định của pháp luật.
5. Báo cáo tài chính của đơn vị kế toán mà pháp luật quy định phải kiểm toán khi công khai phải kèm theo báo cáo kiểm toán của tổ chức kiểm toán.
Theo quy định này thì những thông tin liên quan đến tình hình tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu phải được công khai tại báo cáo tài chính của đơn vị kế toán thuộc hoạt động kinh doanh.
Hướng dẫn trình bày biến động thông tin về nguồn vốn chủ sở hữu trong Bản thuyết minh báo cáo tài chính? (hình từ internet)
Trình bày những biến động trong nguồn vốn chủ sở hữu nằm ở đâu trong Bản thuyết minh báo cáo tài chính?
Bản thuyết minh báo cáo tài chính được quy định tại Mục 66 thuộc Chuẩn mực kế toán số 21 Ban hành và công bố theo Quyết định 234/2003/QĐ-BTC như sau:
Bản thuyết minh báo cáo tài chính
...
66. Bản thuyết minh báo cáo tài chính thường được trình bày theo thứ tự sau đây và cần duy trì nhất quán nhằm giúp cho người sử dụng hiểu được báo cáo tài chính của doanh nghiệp và có thể so sánh với báo cáo tài chính của các doanh nghiệp khác:
a) Tuyên bố về việc tuân thủ các chuẩn mực và chế độ kế toán Việt Nam;
b) Giải trình về cơ sở đánh giá và chính sách kế toán được áp dụng;
c) Thông tin bổ sung cho các khoản mục được trình bày trong mỗi báo cáo tài chính theo thứ tự trình bày mỗi khoản mục hàng dọc và mỗi báo cáo tài chính;
d) Trình bày những biến động trong nguồn vốn chủ sở hữu;
e) Những thông tin khác,gồm:
(i) Những khoản nợ tiềm tàng, những khoản cam kết và những thông tin tài chính khác; và
(ii) Những thông tin phi tài chính.
Như vậy, nội dung về biến động trong nguồn vốn chủ sở hữu được trình bày sau ba mục là:
- Tuyên bố về việc tuân thủ các chuẩn mực và chế độ kế toán Việt Nam;
- Giải trình về cơ sở đánh giá và chính sách kế toán được áp dụng;
- Thông tin bổ sung cho các khoản mục được trình bày trong mỗi báo cáo tài chính theo thứ tự trình bày mỗi khoản mục hàng dọc và mỗi báo cáo tài chính.
Hướng dẫn trình bày những biến động thông tin về nguồn vốn chủ sở hữu trong Bản thuyết minh báo cáo tài chính?
Trình bày những biến động thông tin về nguồn vốn chủ sở hữu được hướng dẫn tại Mục 72 thuộc Chuẩn mực kế toán số 21 Ban hành và công bố theo Quyết định 234/2003/QĐ-BTC, theo đó:
Doanh nghiệp phải trình bày trong Bản thuyết minh báo cáo tài chính những thông tin phản ánh sự thay đổi nguồn vốn chủ sở hữu, gồm:
(i) Lãi hoặc lỗ thuần của niên độ;
(ii) Yếu tố thu nhập và chi phí, lãi hoặc lỗ được hạch toán trực tiếp vào nguồn vốn chủ sở hữu theo quy định của các chuẩn mực kế toán khác và tổng số các yếu tố này;
(iii) Tác động luỹ kế của những thay đổi trong chính sách kế toán và những sửa chữa sai sót cơ bản được đề cập trong phần các phương pháp hạch toán quy định trong Chuẩn mực “Lãi, lỗ thuần trong kỳ, các sai sót cơ bản và các thay đổi trong chính sách kế toán”;
(iv) Các nghiệp vụ giao dịch về vốn với các chủ sở hữu và việc phân phối cổ tức, lợi nhuận cho các chủ sở hữu;
(v) Số dư của khoản mục lãi, lỗ luỹ kế vào thời điểm đầu niên độ và cuối niên độ, và những biến động trong niên độ; và
(vi) Đối chiếu giữa giá trị ghi sổ của mỗi loại vốn góp, thặng dư vốn cổ phần, các khoản dự trữ vào đầu niên độ và cuối niên độ và trình bày riêng biệt từng sự biến động.
Lưu ý: Một doanh nghiệp cần phải cung cấp những thông tin sau đây trong Bản thuyết minh báo cáo tài chính :
- Đối với mỗi loại cổ phiếu :
(i) Số cổ phiếu được phép phát hành;
(ii) Số cổ phiếu đã được phát hành và được góp vốn đầy đủ và số cổ phiếu đã được phát hành nhưng chưa được góp vốn đầy đủ;
(iii) Mệnh giá của cổ phiếu hoặc các cổ phiếu không có mệnh giá;
(iv) Phần đối chiếu số cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm đầu và cuối niên độ;
(v) Các quyền lợi, ưu đãi và hạn chế gắn liền với cổ phiếu, kể cả những hạn chế trong việc phân phối cổ tức và việc trả lại vốn góp;
(vi) Các cổ phiếu do chính doanh nghiệp nắm giữ hoặc do các công ty con, công ty liên kết của doanh nghiệp nắm giữ; và
(vii) Các cổ phiếu được dự trữ để phát hành theo các cách lựa chọn và các hợp đồng bán hàng, bao gồm điều khoản và số liệu bằng tiền;
- Phần mô tả tính chất và mục đích của mỗi khoản dự trữ trong vốn chủ sở hữu;
- Phần cổ tức đã được đề xuất, hoặc được công bố sau ngày lập Bảng cân đối kế toán nhưng trước khi báo cáo tài chính được phép phát hành, và
- Giá trị cổ tức của cổ phiếu ưu đãi luỹ kế chưa được ghi nhận.
Một doanh nghiệp không có vốn cổ phần, như công ty hợp danh, doanh nghiệp Nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn cần phải cung cấp những thông tin tương đương với các thông tin được yêu cầu trên đây, phản ánh những biến động của các loại vốn góp khác nhau trong suốt niên độ, cũng như các quyền lợi, ưu đãi và hạn chế gắn liền với mỗi loại vốn góp.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.