Hướng dẫn cách điền thông tin vào mẫu Sơ yếu lý lịch tự thuật thi công chức loại C như thế nào?
Mẫu Sơ yếu lý lịch tự thuật thi công chức loại C được quy định thế nào?
Công chức loại C được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 34 Luật Cán bộ, công chức 2008 (được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019) gồm những người được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên hoặc tương đương.
Hiện nay, pháp luật không có quy định về mẫu Sơ yếu lý lịch tự thuật thi công chức loại C. Tuy nhiên, bạn có thể tham khảo mẫu Sơ yếu lý lịch tự thuật dưới đây:
TẢI VỀ mẫu Sơ yếu lý lịch tự thuật thi công chức loại C mới nhất 2023
Hướng dẫn cách điền thông tin vào mẫu Sơ yếu lý lịch tự thuật thi công chức loại C như thế nào? (Hình từ Internet)
Hướng dẫn cách điền thông tin vào mẫu Sơ yếu lý lịch tự thuật thi công chức loại C như thế nào?
Hiện nay, pháp luật không có hướng dẫn cụ thể cách ghi các mục nên trên mẫu Sơ yếu lý lịch tự thuật thi công chức, khi thực hiện kê khai sẽ có hướng dẫn của cơ quan chủ quản.
Tuy nhiên, bạn có thể tham khảo hướng dẫn cách viết mẫu Sơ yếu lý lịch viên chức với các đầu mục khai tương tự tại Thông tư 07/2019/TT-BNV quy định như sau:
1- Họ và tên khai sinh: Viết chữ in hoa đúng với họ và tên trong giấy khai sinh.
2- Tên gọi khác: Là tên gọi khác hoặc bí danh khác đã dùng trong hoạt động cách mạng, trong lĩnh vực báo chí, văn học nghệ thuật.. (nếu có).
3- Sinh ngày: Ghi đầy đủ ngày, tháng, năm sinh đúng như trong giấy khai sinh.
Giới tính: Ghi giới tính của cán bộ, công chức là Nam hoặc Nữ.
4- Nơi sinh: Ghi tên xã (hoặc phường, thị trấn), huyện (hoặc quận, thành phố thuộc tỉnh), tỉnh (hoặc thành phố trực thuộc trung ương) nơi cán bộ, công chức được sinh ra (ghi đúng như trong giấy khai sinh). Nếu có thay đổi địa danh đơn vị hành chính thì ghi (tên cũ), nay là (tên mới).
5- Quê quán: ghi nơi sinh trưởng của cha đẻ hoặc ông nội của cán bộ, công chức. Trường hợp đặc biệt có thể ghi theo quê quán của mẹ đẻ hoặc người nuôi dưỡng mình từ nhỏ (nếu không biết rõ cha, mẹ đẻ). Ghi rõ tên xã (hoặc phường, thị trấn), huyện (quận hoặc thành phố thuộc tỉnh), tỉnh (hoặc thành phố trực thuộc trung ương).
6- Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: ghi đầy đủ số nhà, đường phố, thành phố hoặc xóm, thôn, xã, huyện, tỉnh nơi mình đăng ký hộ khẩu thường trú.
7- Chỗ ở hiện nay: Ghi đầy đủ số nhà, đường phố, thành phố hoặc xóm, thôn, xã, huyện, tỉnh nơi mình đang ở hiện tại.
8- Dân tộc: Ghi rõ tên dân tộc theo quy định của Nhà nước như: Kinh, Tày, Nùng, Thái, Mường, Mông, Ê đê, Kh'me, ...
9- Tôn giáo: Đang theo tôn giáo nào thì ghi tên tôn giáo đó như: Công giáo, Phật giáo, Hồi giáo, Cao đài, Hòa hảo,... Nếu không theo tôn giáo nào, thì không được bỏ trống mà khi là "Không".
10- Nghề nghiệp: Ghi rõ đã làm nghề gì để kiếm sống trước khi được tuyển dụng. Nếu chưa có nghề, sống phụ thuộc vào gia đình, thì ghi cụ thể là "không nghề nghiệp".
11- Trình độ văn hóa: Ghi đã tốt nghiệp lớp mấy, thuộc hệ đào tạo phổ thông nào.
Ví dụ: Lớp 10/10 (đối với những người tốt nghiệp lớp 10 hệ 10 năm); Lớp 12/12 (đối với những người tốt nghiệp lớp 12 hệ 12 năm).
12- Trình độ chuyên môn: ghi trình độ chuyên môn cao nhất được đào tạo, bồi dưỡng tại thời điểm kê khai như: Tiến sĩ khoa học, Tiến sĩ, Thạc sĩ, cử nhân, kỹ sư, cao đẳng, trung cấp, sơ cấp... thuộc chuyên ngành đào tạo nào.
Ví dụ: Đối với những người có nhiều văn bằng đào tạo như: có bằng kỹ sư, có bằng cử nhân, có bằng thạc sĩ, có bằng tiến sĩ thì chỉ kê khai trình độ chuyên môn cao nhất hiện tại là: Tiến sĩ + chuyên ngành đào tạo.
13- Tình trạng sức khỏe: ghi rõ tình trạng sức khỏe bản thân hiện tại (tốt, trung bình, kém); có bệnh gì mãn tính, ghi rõ chiều cao cơ thể, ghi rõ cân nặng cơ thể và nhóm máu gì.
14- Ngày nhập ngũ: Ghi ngày, tháng, năm đi bộ đội, công an và ngày xuất ngũ. Ghi rõ quân hàm hoặc chức vụ cao nhất trong quân đội, công an (nếu có). Nếu có thời gian tái ngũ, thì ghi thêm ngày tái ngũ bên cạnh ngày nhập ngũ.
Thí sinh dự thi công chức loại C phải đạt bao nhiêu điểm thi trở lên thì mới trúng tuyển?
Người trúng tuyển trong kỳ thi tuyển công chức loại C phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định như sau:
Xác định người trúng tuyển trong kỳ thi tuyển công chức
1. Người trúng tuyển trong kỳ thi tuyển công chức phải có đủ các điều kiện sau:
a) Có kết quả điểm thi tại vòng 2 đạt từ 50 điểm trở lên. Trường hợp thi kết hợp phỏng vấn và viết thì người dự thi phải dự thi đủ phỏng vấn và viết;
b) Có kết quả điểm thi tại vòng 2 cộng với điểm ưu tiên quy định tại Điều
5 Nghị định này (nếu có) cao hơn lấy theo thứ tự điểm từ cao xuống thấp trong chỉ tiêu được tuyển dụng của từng vị trí việc làm.
2. Trường hợp có từ 02 người trở lên có tổng số điểm tính theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này bằng nhau ở chỉ tiêu cuối cùng của vị trí việc làm cần tuyển thì người có kết quả điểm thi vòng 2 cao hơn là người trúng tuyển; nếu vẫn không xác định được thì người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức quyết định người trúng tuyển.
3. Người không trúng tuyển trong kỳ thi tuyển công chức không được bảo lưu kết quả thi tuyển cho các kỳ thi tuyển lần sau.
Như vậy, người trúng tuyển trong kỳ thi tuyển công chức loại C phải có đủ các điều kiện sau:
- Có kết quả điểm thi tại vòng 2 đạt từ 50 điểm trở lên. Trường hợp thi kết hợp phỏng vấn và viết thì người dự thi phải dự thi đủ phỏng vấn và viết.
- Có kết quả điểm thi tại vòng 2 cộng với điểm ưu tiên quy định tại Điều 5 Nghị định 138/2020/NĐ-CP (nếu có) cao hơn lấy theo thứ tự điểm từ cao xuống thấp trong chỉ tiêu được tuyển dụng của từng vị trí việc làm.
Lưu ý: Trường hợp có từ 02 người trở lên có tổng số điểm tính theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này bằng nhau ở chỉ tiêu cuối cùng của vị trí việc làm cần tuyển thì người có kết quả điểm thi vòng 2 cao hơn là người trúng tuyển; nếu vẫn không xác định được thì người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức quyết định người trúng tuyển.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.