Hợp tác xã thay đổi số lượng thành viên nhưng không thực hiện thông báo với cơ quan nhà nước sẽ bị xử phạt như thế nào?
Hợp tác xã thay đổi số lượng thành viên thì có bắt buộc phải thông báo cho cơ quan nhà nước biết không?
Căn cứ theo Điều 28 Luật Hợp tác xã 2012 quy định về việc thay đổi nội dung đăng ký của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã như sau:
Thay đổi nội dung đăng ký của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã
1. Trường hợp hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thay đổi một trong các nội dung về tên, địa chỉ trụ sở chính, ngành, nghề sản xuất, kinh doanh, vốn điều lệ, người đại diện theo pháp luật; tên, địa chỉ, người đại diện chi nhánh, văn phòng đại diện thì phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp giấy chứng nhận đăng ký. Việc thay đổi chỉ được thực hiện sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký.
2. Khi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thay đổi nội dung điều lệ, số lượng thành viên, hợp tác xã thành viên, thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên, địa điểm kinh doanh thì phải gửi thông báo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp giấy chứng nhận đăng ký trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày thay đổi.
Như vậy, theo quy định nêu trên, nếu như hợp tác xã thay đổi số lượng thành viên của mình thì phải gửi thông báo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp giấy chứng nhận đăng ký trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày thay đổi.
Thay đổi số lượng thành viên hợp tác xã (Hình từ Internet)
Hợp tác xã thay đổi số lượng thành viên nhưng không thực hiện thông báo với cơ quan nhà nước sẽ bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ theo Điều 66 Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về việc xử phạt đối với hành vi vi phạm về thông tin báo cáo của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã như sau:
Vi phạm về thông tin báo cáo của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không thực hiện chế độ báo cáo về tình hình hoạt động theo quy định;
b) Không gửi thông báo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thay đổi nội dung điều lệ, số lượng thành viên, hợp tác xã thành viên, thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên, địa điểm kinh doanh.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc báo cáo tình hình hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
b) Buộc gửi thông báo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.
Theo đó, nếu như hợp tác xã thực hiện thay đổi số lượng thành viên nhưng lại không gửi thông báo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp giấy chứng nhận đăng ký trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày thay đổi thì có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.
Ngoài ra, khi vi phạm thì hợp tác xã buộc phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là phải gửi thông báo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo đúng quy định.
Điều kiện để làm thành viên hợp tác xã là gì?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 13 Luật Hợp tác xã 2012 quy định cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân trở thành thành viên hợp tác xã phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
- Cá nhân là công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam, từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; hộ gia đình có người đại diện hợp pháp theo quy định của pháp luật; cơ quan, tổ chức là pháp nhân Việt Nam. Đối với hợp tác xã tạo việc làm thì thành viên chỉ là cá nhân;
- Có nhu cầu hợp tác với các thành viên và nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã;
- Có đơn tự nguyện gia nhập và tán thành điều lệ của hợp tác xã;
- Góp vốn theo quy định tại khoản 1 Điều 17 của Luật này và điều lệ hợp tác xã, cụ thể: Đối với hợp tác xã, vốn góp của thành viên thực hiện theo thỏa thuận và theo quy định của điều lệ nhưng không quá 20% vốn điều lệ của hợp tác xã.
- Điều kiện khác theo quy định của điều lệ hợp tác xã.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.