Hợp tác xã thay đổi nội dung điều lệ nhưng không thông báo cho cơ quan nhà nước biết thì sẽ bị xử phạt như thế nào?
Hợp tác xã cần phải làm gì khi thay đổi nội dung điều lệ?
Tại Điều 28 Luật Hợp tác xã 2012 quy định về việc thay đổi nội dung đăng ký của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã như sau:
Thay đổi nội dung đăng ký của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã
1. Trường hợp hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thay đổi một trong các nội dung về tên, địa chỉ trụ sở chính, ngành, nghề sản xuất, kinh doanh, vốn điều lệ, người đại diện theo pháp luật; tên, địa chỉ, người đại diện chi nhánh, văn phòng đại diện thì phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp giấy chứng nhận đăng ký. Việc thay đổi chỉ được thực hiện sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký.
2. Khi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thay đổi nội dung điều lệ, số lượng thành viên, hợp tác xã thành viên, thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên, địa điểm kinh doanh thì phải gửi thông báo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp giấy chứng nhận đăng ký trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày thay đổi.
Theo đó, nếu hợp tác xã của chị muốn thay đổi nội dung điều lệ thì phải gửi thông báo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp giấy chứng nhận đăng ký trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày hợp tác xã của chị thay đổi nội dung điều lệ.
Thay đổi nội dung điều lệ của hợp tác xã (Hình từ Internet)
Hợp tác xã thay đổi nội dung điều lệ nhưng không thông báo cho cơ quan nhà nước biết thì sẽ bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ theo Điều 66 Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về việc xử phạt đối với hành vi vi phạm về thông tin báo cáo của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã như sau:
Vi phạm về thông tin báo cáo của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không thực hiện chế độ báo cáo về tình hình hoạt động theo quy định;
b) Không gửi thông báo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thay đổi nội dung điều lệ, số lượng thành viên, hợp tác xã thành viên, thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên, địa điểm kinh doanh.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc báo cáo tình hình hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
b) Buộc gửi thông báo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.
Như vậy, theo quy định nêu trên, trường hợp hợp tác xã của chị thực hiện thay đổi nội dung điều lệ nhưng lại không gửi thông báo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp giấy chứng nhận đăng ký trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày thay đổi thì có thể sẽ phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.
Đồng thời, khi vi phạm thì hợp tác xã của chị buộc phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là phải gửi thông báo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo đúng quy định.
Điều lệ của hợp tác xã sẽ có những nội dung gì?
Theo quy định tại Điều 21 Luật Hợp tác xã 2012 thì nội dung điều lệ của hợp tác xã gồm có những thông tin sau đây:
- Tên gọi, địa chỉ trụ sở chính; biểu tượng (nếu có).
- Mục tiêu hoạt động.
- Ngành, nghề sản xuất, kinh doanh.
- Đối tượng, điều kiện, thủ tục kết nạp, thủ tục chấm dứt tư cách thành viên, hợp tác xã thành viên; biện pháp xử lý đối với hợp tác xã thành viên nợ quá hạn.
- Mức độ thường xuyên sử dụng sản phẩm, dịch vụ; giá trị tối thiểu của sản phẩm, dịch vụ mà hợp tác xã thành viên phải sử dụng; thời gian liên tục không sử dụng sản phẩm, dịch vụ của liên hiệp hợp tác xã nhưng không quá 03 năm.
- Quyền và nghĩa vụ của hợp tác xã thành viên.
- Cơ cấu tổ chức liên hiệp hợp tác xã; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và phương thức hoạt động của hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng quản trị, giám đốc (tổng giám đốc), ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên; thể thức bầu, bãi nhiệm, miễn nhiệm thành viên hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng quản trị, ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên; bộ phận giúp việc cho liên hiệp hợp tác xã.
- Số lượng thành viên, cơ cấu và nhiệm kỳ của hội đồng quản trị, ban kiểm soát; trường hợp thành viên hội đồng quản trị đồng thời làm giám đốc (tổng giám đốc).
- Trình tự, thủ tục tiến hành đại hội thành viên và thông qua quyết định tại đại hội thành viên; tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục bầu đại biểu tham dự đại hội đại biểu thành viên.
- Vốn điều lệ, mức vốn góp tối thiểu, hình thức góp vốn và thời hạn góp vốn; trả lại vốn góp; tăng, giảm vốn điều lệ.
- Việc cấp, cấp lại, thay đổi, thu hồi giấy chứng nhận vốn góp.
- Nội dung hợp đồng dịch vụ giữa liên hiệp hợp tác xã với hợp tác xã thành viên bao gồm nghĩa vụ cung ứng và sử dụng sản phẩm, dịch vụ; giá và phương thức thanh toán sản phẩm, dịch vụ.
- Việc cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, việc làm mà hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã cam kết cung ứng, tiêu thụ cho hợp tác xã thành viên ra thị trường.
Tỷ lệ cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, việc làm mà liên hiệp hợp tác xã cam kết cung ứng, tiêu thụ cho hợp tác xã thành viên ra thị trường cho từng lĩnh vực, loại hình theo quy định của Chính phủ.
- Đầu tư, góp vốn, mua cổ phần, liên doanh, liên kết; thành lập doanh nghiệp của liên hiệp hợp tác xã.
- Lập quỹ; tỷ lệ trích lập quỹ; tỷ lệ, phương thức phân phối thu nhập.
- Quản lý tài chính, sử dụng và xử lý tài sản, vốn, quỹ và các khoản lỗ; các loại tài sản không chia.
- Nguyên tắc trả thù lao cho thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên; nguyên tắc trả tiền lương, tiền công cho người điều hành, người lao động.
- Xử lý vi phạm điều lệ và nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ.
- Sửa đổi, bổ sung điều lệ.
- Các nội dung khác do đại hội thành viên quyết định nhưng không trái với quy định của Luật Hợp tác xã và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.