Hợp tác xã có bắt buộc phải có kế toán không? Tiêu chuẩn đối với vị trí kế toán trưởng được quy định như thế nào?
Đơn vị kế toán là gì?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 174/2016/NĐ-CP định nghĩa về đơn vị kế toán như sau:
"Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Đơn vị kế toán trong lĩnh vực kinh doanh bao gồm doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam; chi nhánh doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam; hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; ban quản lý dự án, đơn vị khác có tư cách pháp nhân do doanh nghiệp thành lập."
Căn cứ quy định trên, ta thấy đơn vị kế toán bao gồm doanh nghiệp thành lập tại Việt Nam, chi nhánh doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, ban quản lý dự án, đơn vị khác có tư cách pháp nhân do doanh nghiệp thành lập.
Hợp tác xã có cần kế toán không?
Hợp tác xã có cần thuê kế toán trưởng không?
Theo khoản 1 và khoản 4 Điều 20 Nghị định 174/2016/NĐ-CP quy định liên quan đến kế toán trưởng, phụ trách kế toán như sau:
- Đơn vị kế toán phải bố trí kế toán trưởng trừ các đơn vị quy định tại khoản 2 Điều này. Trường hợp đơn vị chưa bổ nhiệm được ngay kế toán trưởng thì bố trí người phụ trách kế toán hoặc thuê dịch vụ làm kế toán trưởng theo quy định. Thời gian bố trí người phụ trách kế toán tối đa là 12 tháng, sau thời gian này đơn vị kế toán phải bố trí người làm kế toán trưởng.
- Khi thay đổi kế toán trưởng, phụ trách kế toán, người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán hoặc người quản lý, điều hành đơn vị kế toán phải tổ chức bàn giao công việc và tài liệu kế toán giữa kế toán trưởng, phụ trách kế toán cũ và kế toán trưởng, phụ trách kế toán mới, đồng thời thông báo cho các bộ phận có liên quan trong đơn vị và cho các cơ quan nơi đơn vị mở tài khoản giao dịch biết họ tên và mẫu chữ ký của kế toán trưởng, phụ trách kế toán mới. Kế toán trưởng, phụ trách kế toán mới chịu trách nhiệm về công việc kế toán của mình kể từ ngày nhận bàn giao công việc. Kế toán trưởng, phụ trách kế toán cũ vẫn phải chịu trách nhiệm về công việc kế toán trong thời gian mình phụ trách.
Theo đó, khoản 2 Điều 20 Nghị định 174/2016/NĐ-CP quy định các trường hợp bố trí phụ trách kế toán mả không phải bố trí vị trí kế toán trưởng bao gồm:
- Các đơn vị kế toán trong lĩnh vực nhà nước bao gồm: Đơn vị kế toán chỉ có một người làm kế toán hoặc một người làm kế toán kiêm nhiệm; đơn vị kế toán ngân sách và tài chính xã, phường, thị trấn thì không thực hiện bổ nhiệm kế toán trưởng mà chỉ bổ nhiệm phụ trách kế toán.
- Các doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được bố trí phụ trách kế toán mà không bắt buộc phải bố trí kế toán trưởng."
Vậy, hợp tác xã phải có kế toán trưởng hoặc bố trí người phụ trách kế toán (tối đa 12 tháng) hoặc thuê dịch vụ làm kế toán trưởng.
Kế toán trưởng do hợp tác xã thuê có phải đóng bảo hiểm xã hội không?
Nếu hợp tác xã bổ nhiệm kế toán trưởng trực tiếp làm việc và là người lao động làm việc tại hợp tác xã thì phải ký hợp đồng lao động theo quy định. Trường hợp này, hợp tác xã có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội cho kế toán trưởng như người lao động bình thường theo quy định về nghĩa vụ của người sử dụng lao động tại điểm d khoản 2 Điều 6 Bộ luật Lao động 2019.
Mặt khác, trong trưởng hợp hợp tác xã thuê dịch vụ (từ các cá nhân kinh doanh dịch vụ hoặc công ty kinh doanh dịch vụ) làm kế toán trưởng thì chỉ ký hợp đồng dịch vụ, không ký hợp đồng lao động nên không phải đóng bảo hiểm xã hội.
Kế toán trưởng phải đáp ứng tiêu chuẩn nào?
Tiêu chuẩn đối với kế toán trưởng được quy định tại Điều 21 Nghị định 174/2016/NĐ-CP như sau:
- Kế toán trưởng, phụ trách kế toán phải có các tiêu chuẩn quy định tại điểm a, c, d khoản 1 Điều 54 Luật kế toán và không thuộc các trường hợp không được làm kế toán theo quy định tại Điều 19 Nghị định này. Bộ Tài chính quy định về việc tổ chức, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ kế toán trưởng.
- Kế toán trưởng, phụ trách kế toán của các đơn vị kế toán sau đây phải có chuyên môn nghiệp vụ về kế toán từ trình độ đại học trở lên, bao gồm:
+ Cơ quan có nhiệm vụ thu chi ngân sách nhà nước các cấp;
+ Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan thuộc Quốc hội, cơ quan khác của nhà nước ở trung ương và các đơn vị kế toán trực thuộc các cơ quan này;
+ Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
+ Cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và tương đương; các cơ quan quản lý nhà nước trực thuộc các cơ quan này;
+ Cơ quan trung ương tổ chức theo ngành dọc đặt tại tỉnh;
+ Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp ở cấp trung ương, cấp tỉnh có sử dụng ngân sách nhà nước;
+ Ban quản lý dự án đầu tư có tổ chức bộ máy kế toán riêng, có sử dụng ngân sách nhà nước thuộc dự án nhóm A và dự án quan trọng quốc gia;
+ Đơn vị dự toán cấp 1 thuộc ngân sách cấp huyện;
+ Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam trừ trường hợp quy định tại điểm g khoản 3 Điều này;
+ Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở lên;
+ Chi nhánh doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.
- Kế toán trưởng, phụ trách kế toán của các đơn vị kế toán sau đây phải có chuyên môn nghiệp vụ về kế toán từ trình độ trung cấp chuyên nghiệp trở lên, bao gồm:
+ Cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện có tổ chức bộ máy kế toán (trừ các đơn vị dự toán cấp 1 thuộc ngân sách cấp huyện);
+ Cơ quan trung ương tổ chức theo ngành dọc đặt tại cấp huyện, cơ quan của tỉnh đặt tại cấp huyện;
+ Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp ở cấp huyện có sử dụng ngân sách nhà nước;
+ Ban quản lý dự án đầu tư có tổ chức bộ máy kế toán riêng, có sử dụng ngân sách nhà nước trừ các trường hợp quy định tại điểm g khoản 2 Điều này;
+ Đơn vị kế toán ngân sách và tài chính xã, phường, thị trấn;
+ Đơn vị sự nghiệp công lập ngoài các đơn vị quy định tại điểm c khoản 2 Điều này;
+ Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam không có vốn nhà nước, có vốn điều lệ nhỏ hơn 10 tỷ đồng;
+ Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có vốn điều lệ nhỏ hơn 10 tỷ đồng.
- Đối với các tổ chức, đơn vị khác ngoài các đối tượng quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này, tiêu chuẩn về trình độ, chuyên môn nghiệp vụ của kế toán trưởng, phụ trách kế toán do người đại diện theo pháp luật của đơn vị quyết định phù hợp với quy định của Luật kế toán và các quy định khác của pháp luật liên quan.
- Đối với kế toán trưởng, phụ trách kế toán của công ty mẹ là doanh nghiệp nhà nước hoặc là doanh nghiệp có vốn nhà nước chiếm trên 50% vốn điều lệ phải có thời gian công tác thực tế về kế toán ít nhất là 05 năm.
- Tiêu chuẩn, điều kiện về chuyên môn nghiệp vụ của kế toán trưởng, phụ trách kế toán của các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quy định.
Như vậy, hợp tác xã được xem là đơn vị kế toán và thuộc trường hợp phải có kế toán trưởng hoặc bố trí người phụ trách kế toán (tối đa 12 tháng) hoặc thuê dịch vụ làm kế toán trưởng. Trường hợp kế toán trưởng là người lao động của hợp tác xã thì hợp tác xã có trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội cho kế toán trưởng theo quy định. Còn trong trường hợp hợp tác xã thuê dịch vụ làm kế toán thì không phải tham gia bảo hiểm xã hội cho người được thuê làm kế toán. Người phụ trách vị trí kế toán trưởng phải đáp ứng các tiêu chuẩn quy định tại Điều 21 Nghị định 174/2016/NĐ-CP.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.