Hợp đồng lao đồng hết thời hạn mà người lao động không muốn tái ký nữa thì phải báo trước bao nhiêu ngày?
Hợp đồng lao động là gì?
Về khái niệm, căn cứ vào Điều 13 Bộ luật Lao động 2019 quy định cụ thể như sau:
- Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.
- Trước khi nhận người lao động vào làm việc thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động.
Về hình thức của hợp đồng lao động, căn cứ vào Điều 14 Bộ luật Lao động 2019 quy định cụ thể như sau:
- Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. Hợp đồng lao động được giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản.
- Hai bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói đối với hợp đồng có thời hạn dưới 01 tháng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18, điểm a khoản 1 Điều 145 và khoản 1 Điều 162 của Bộ luật Lao động 2019.
Về nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động, căn cứ vào Điều 15 Bộ luật Lao động 2019 quy định cụ thể như sau:
- Tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác và trung thực.
- Tự do giao kết hợp đồng lao động nhưng không được trái pháp luật, thỏa ước lao động tập thể và đạo đức xã hội.
Quy định của pháp luật lao động về chấm dứt hợp đồng lao động
Các trường hợp chấm dứt hợp lao động được quy định tại Điều 34 Bộ luật Lao động 2019 cụ thể như sau:
- Hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 177 của Bộ luật Lao động 2019.
- Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.
- Hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động.
- Người lao động bị kết án phạt tù nhưng không được hưởng án treo hoặc không thuộc trường hợp được trả tự do theo quy định tại khoản 5 Điều 328 của Bộ luật Tố tụng hình sự, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
- Người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam bị trục xuất theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Người lao động chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết.
- Người sử dụng lao động là cá nhân chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết. Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.
- Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải.
- Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 35 của Bộ luật này.
- Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 36 của Bộ luật này.
- Người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc theo quy định tại Điều 42 và Điều 43 của Bộ luật này.
- Giấy phép lao động hết hiệu lực đối với người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.
- Trường hợp thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động mà thử việc không đạt yêu cầu hoặc một bên hủy bỏ thỏa thuận thử việc.
Căn cứ vào khoản 1 Điều 34 Bộ luật Lao động 2019 về chấm dứt hợp đồng lao động thì trường hợp người lao động hết hạn thuộc trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động và không thuộc trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 35 Bộ luật Lao động 2019.
Vì vậy, trong trường hợp này người lao động không có nghĩa vụ phải thực hiện thông báo trước cho người sử dụng lao động.
Mức xử phạt người lao động khi người lao động không muốn tái ký hợp đồng lao động mà không báo trước
Căn cứ vào Nghị định 12/2022/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động thì hiện nay chưa có quy định nào quy định xử phạt vi phạm đối với việc người lao động không báo trước về chấm dứt hợp đồng lao động do hết hạn hợp lao động.
Do đó trong trường hợp trên, không có căn cứ để xử phạt người lao động hết thời hạn mà người lao động không muốn tái ký nữa.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.