Hợp đồng gia công là gì? Trách nhiệm đối với gia công sai mẫu, chậm giao sản phẩm, xử lý như thế nào trong hợp đồng gia công?

Tôi đặt một thợ làm gốm hoàn thành một bình hoa sứ trong vòng 05 ngày. Theo đó, tôi sẽ gửi mẫu bình hoa sứ mà mình muốn đặt để thợ làm gốm làm theo và giao đến nhà tôi đúng hạn vào ngày mà hai đã thỏa thuận. Tất cả nguyên liệu sẽ do bên thợ làm gốm chịu trách nhiệm. Đến hôm nhận hàng thì tôi phát hiện phần cổ bình hoa có hoa văn khác với mẫu thiết kế mà tôi đã gửi nên đã yêu cầu bên thợ làm gốm chỉnh sửa lại trong 02 ngày. Tuy nhiên, sau 03 ngày tôi vẫn không nhận được bình hoa mà tôi đặt, trường hợp này tôi muốn chấm dứt hợp đồng và không nhận hàng có được không?

Hợp đồng gia công là gì?

Căn cứ Điều 542 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hợp đồng gia công như sau:

“Điều 542. Hợp đồng gia công
Hợp đồng gia công là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên nhận gia công thực hiện công việc để tạo ra sản phẩm theo yêu cầu của bên đặt gia công, bên đặt gia công nhận sản phẩm và trả tiền công.”

Về đối tượng của hợp đồng gia công được quy định tại Điều 543 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể:

“Điều 543. Đối tượng của hợp đồng gia công
Đối tượng của hợp đồng gia công là vật được xác định trước theo mẫu, theo tiêu chuẩn mà các bên thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”

Theo đó, hợp đồng gia công là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên nhận gia công thực hiện công việc để tạo ra sản phẩm theo yêu cầu của bên đặt gia công, bên đặt gia công nhận sản phẩm và trả tiền công.

Tải về mẫu hợp đồng gia công mới nhất 2023: Tại Đây

Hợp đồng gia công

Hợp đồng gia công

Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng gia công?

Quyền và nghĩa vụ của bên đặt gia công được quy định tại Điều 544 Bộ luật Dân sự 2015 Điều 545 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể:

“Điều 544. Nghĩa vụ của bên đặt gia công
1. Cung cấp nguyên vật liệu theo đúng số lượng, chất lượng, thời hạn và địa điểm đã thỏa thuận cho bên nhận gia công; cung cấp giấy tờ cần thiết liên quan đến việc gia công.
2. Chỉ dẫn cho bên nhận gia công thực hiện hợp đồng.
3. Trả tiền công theo đúng thỏa thuận.
Điều 545. Quyền của bên đặt gia công
1. Nhận sản phẩm gia công theo đúng số lượng, chất lượng, phương thức, thời hạn và địa điểm đã thỏa thuận.
2. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại khi bên nhận gia công vi phạm nghiêm trọng hợp đồng.
3. Trường hợp sản phẩm không bảo đảm chất lượng mà bên đặt gia công đồng ý nhận sản phẩm và yêu cầu sửa chữa nhưng bên nhận gia công không thể sửa chữa được trong thời hạn thỏa thuận thì bên đặt gia công có quyền hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.”

Theo đó, bên đặt gia công phải:

- Cung cấp nguyên vật liệu theo đúng số lượng, chất lượng, thời hạn và địa điểm đã thỏa thuận cho bên nhận gia công; cung cấp giấy tờ cần thiết liên quan đến việc gia công.

- Chỉ dẫn cho bên nhận gia công thực hiện hợp đồng.

- Trả tiền công theo đúng thỏa thuận

Đồng thời có quyền:

- Nhận sản phẩm gia công theo đúng số lượng, chất lượng, phương thức, thời hạn và địa điểm đã thỏa thuận.

- Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại khi bên nhận gia công vi phạm nghiêm trọng hợp đồng.

- Trường hợp sản phẩm không bảo đảm chất lượng mà bên đặt gia công đồng ý nhận sản phẩm và yêu cầu sửa chữa nhưng bên nhận gia công không thể sửa chữa được trong thời hạn thỏa thuận thì bên đặt gia công có quyền hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Quyền và nghĩa vụ của bên nhận gia công được quy định tại Điều 546 Bộ luật Dân sự 2015Điều 547 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể:

“Điều 546. Nghĩa vụ của bên nhận gia công
1. Bảo quản nguyên vật liệu do bên đặt gia công cung cấp.
2. Báo cho bên đặt gia công biết để đổi nguyên vật liệu khác, nếu nguyên vật liệu không bảo đảm chất lượng; từ chối thực hiện gia công, nếu biết hoặc phải biết việc sử dụng nguyên vật liệu có thể tạo ra sản phẩm nguy hại cho xã hội.
3. Giao sản phẩm cho bên đặt gia công đúng số lượng, chất lượng, phương thức, thời hạn và địa điểm đã thỏa thuận.
4. Giữ bí mật thông tin về quy trình gia công và sản phẩm tạo ra.
5. Chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, trừ trường hợp sản phẩm không bảo đảm chất lượng do nguyên vật liệu mà bên đặt gia công cung cấp hoặc do sự chỉ dẫn không hợp lý của bên đặt gia công.
6. Hoàn trả nguyên vật liệu còn lại cho bên đặt gia công sau khi hoàn thành hợp đồng.
Điều 547. Quyền của bên nhận gia công
1. Yêu cầu bên đặt gia công giao nguyên vật liệu đúng chất lượng, số lượng, thời hạn và địa điểm đã thỏa thuận.
2. Từ chối sự chỉ dẫn không hợp lý của bên đặt gia công trong quá trình thực hiện hợp đồng, nếu thấy chỉ dẫn đó có thể làm giảm chất lượng sản phẩm, nhưng phải báo ngay cho bên đặt gia công.
3. Yêu cầu bên đặt gia công trả đủ tiền công theo đúng thời hạn và phương thức đã thỏa thuận.”

Như vậy, bên nhận gia công được phép thực hiện các quyền và nghĩa vụ trong phạm vi luật định như trên.

Trách nhiệm đối với sản phẩm trong hợp đồng gia công?

Tại Điều 550 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về việc chậm giao, chậm nhận sản phẩm gia công như sau:

“Điều 550. Chậm giao, chậm nhận sản phẩm gia công
1. Trường hợp bên nhận gia công chậm giao sản phẩm thì bên đặt gia công có thể gia hạn; nếu hết thời hạn đó mà bên nhận gia công vẫn chưa hoàn thành công việc thì bên đặt gia công có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
2. Trường hợp bên đặt gia công chậm nhận sản phẩm thì bên nhận gia công có thể gửi sản phẩm đó tại nơi nhận gửi giữ và phải báo ngay cho bên đặt gia công. Nghĩa vụ giao sản phẩm hoàn thành khi đáp ứng được các điều kiện đã thỏa thuận và bên đặt gia công đã được thông báo. Bên đặt gia công phải chịu mọi chi phí phát sinh từ việc gửi giữ.”

Như vậy, trường hợp bên thợ làm gốm giao sản phẩm khác với mẫu bạn đặt thì trách nhiệm chỉnh sửa thuộc về bên nhận gia công theo khoản 5 Điều 546 Bộ luật Dân sự 2015. Đồng thời, nếu bên nhận gia công chậm giao sản phẩm thì bên bạn có thể gia hạn, nếu hết thời hạn đó mà bên thợ làm gốm vẫn chưa hoàn thành công việc thì bạn có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Về việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng gia công được quy định tại Điều 551 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể:

“Điều 551. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng gia công
1. Mỗi bên đều có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng gia công, nếu việc tiếp tục thực hiện hợp đồng không mang lại lợi ích cho mình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác, nhưng phải báo cho bên kia biết trước một thời gian hợp lý.
2. Bên đặt gia công đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thì phải trả tiền công tương ứng với công việc đã làm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Bên nhận gia công đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thì không được trả tiền công, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
3. Bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng mà gây thiệt hại cho bên kia thì phải bồi thường”

Từ những căn cứ trên, trường hợp của bạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

16,112 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào