Hợp đồng cung ứng dịch vụ là gì? Được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng cung ứng dịch vụ trong trường hợp nào?
Hợp đồng cung ứng dịch vụ là gì?
Căn cứ theo khoản 9 Điều 3 Luật Thương mại 2005 quy định cung ứng dịch vụ được hiểu là hoạt động thương mại, theo đó một bên (sau đây gọi là bên cung ứng dịch vụ) có nghĩa vụ thực hiện dịch vụ cho một bên khác và nhận thanh toán; bên sử dụng dịch vụ (sau đây gọi là khách hàng) có nghĩa vụ thanh toán cho bên cung ứng dịch vụ và sử dụng dịch vụ theo thỏa thuận.
Hiện nay, Luật Thương mại 2005 không có quy định cụ thể thế nào là hợp đồng cung ứng dịch vụ.
Tuy nhiên, căn cứ theo Điều 513 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định:
Hợp đồng dịch vụ là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó, bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ.
Vậy hợp đồng cung ứng dịch vụ là hợp đồng thể hiện sự thoả thuận giữa các bên, theo đó, bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ.
Trường hợp nào được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng cung ứng dịch vụ?
Theo quy định tại Điều 520 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng dịch vụ
1. Trường hợp việc tiếp tục thực hiện công việc không có lợi cho bên sử dụng dịch vụ thì bên sử dụng dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, nhưng phải báo cho bên cung ứng dịch vụ biết trước một thời gian hợp lý; bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền công theo phần dịch vụ mà bên cung ứng dịch vụ đã thực hiện và bồi thường thiệt hại.
2. Trường hợp bên sử dụng dịch vụ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ thì bên cung ứng dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Theo đó, đối với hợp đồng cung ứng dịch vụ, các bên được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trong các trường hợp sau đây:
- Trường hợp việc tiếp tục thực hiện công việc không có lợi cho bên sử dụng dịch vụ thì bên sử dụng dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, nhưng phải báo cho bên cung ứng dịch vụ biết trước một thời gian hợp lý; bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền công theo phần dịch vụ mà bên cung ứng dịch vụ đã thực hiện và bồi thường thiệt hại.
- Trường hợp bên sử dụng dịch vụ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ thì bên cung ứng dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Như vậy, nếu bên cung ứng dịch vụ muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng cung ứng dịch vụ thì phải chứng minh được bên sử dụng dịch vụ (công ty của bạn) vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng.
Hợp đồng cung ứng dịch vụ là gì? Được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng cung ứng dịch vụ trong trường hợp nào? (Hình từ Internet)
Hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng cung ứng dịch vụ có bị xử phạt?
Căn cứ theo Điều 54 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định về hành vi vi phạm về cung cấp dịch vụ liên tục bị xử phạt như sau:
Hành vi vi phạm về cung cấp dịch vụ liên tục
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với thương nhân kinh doanh cung cấp dịch vụ liên tục tới người tiêu dùng có một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không cung cấp đầy đủ, rõ ràng các thông tin theo quy định;
b) Không ký hợp đồng bằng văn bản hoặc không cung cấp cho người tiêu dùng một bản hợp đồng theo quy định;
c) Yêu cầu người tiêu dùng thanh toán tiền trước khi dịch vụ được cung cấp đến người tiêu dùng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
d) Không thông báo trước cho người tiêu dùng chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày ngừng cung cấp dịch vụ trong trường hợp sửa chữa, bảo trì hoặc nguyên nhân khác theo quy định, trừ trường hợp bất khả kháng hoặc pháp luật có quy định khác;
đ) Không kịp thời kiểm tra, giải quyết trong trường hợp người tiêu dùng thông báo sự cố về chất lượng dịch vụ theo quy định;
e) Đơn phương chấm dứt hợp đồng, ngừng cung cấp dịch vụ mà không có lý do chính đáng;
g) Từ chối hoặc gây cản trở người tiêu dùng chấm dứt hợp đồng cung cấp dịch vụ theo quy định;
h) Buộc người tiêu dùng phải thanh toán chi phí đối với phần dịch vụ chưa sử dụng.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm h khoản 1 Điều này.
Theo quy định đối với hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng cung ứng dịch vụ mà không có lý do chính đáng có thể bị xử phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 54 Nghị định 98/2020/NĐ-CP.
Tuy nhiên, theo điểm b khoản 4 Điều 4 Nghị định 98/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bởi điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP) quy định mức phạt tiền quy định này là mức phạt tiền áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện. Trường hợp hành vi vi phạm hành chính do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp hai lần mức phạt tiền quy định đối với cá nhân.
Theo đó, trường hợp công ty A đơn phương chấm dứt hợp đồng, ngừng cung cấp nguyên liệu mà không có lý do chính đáng có thể bị xử phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.