Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam có tư cách pháp nhân và con dấu riêng hay không? Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam có quyền hạn gì?
Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam có tư cách pháp nhân và con dấu riêng hay không?
Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam (Hình từ internet)
Theo khoản 1 Điều 3 Điều lệ Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 42/QĐ-BNV năm 2015 quy định như sau:
Địa vị pháp lý, trụ sở
1. Hội có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản riêng; hoạt động theo quy định pháp luật Việt Nam và Điều lệ Hội được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
2. Trụ sở của Hội đặt tại thành phố Hà Nội. Hội có thể đặt văn phòng đại diện ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định của pháp luật.
Căn cứ trên quy định Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam có tư cách pháp nhân và con dấu riêng.
Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam hoạt động theo quy định pháp luật Việt Nam và Điều lệ Hội được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam có quyền hạn gì?
Theo Điều 6 Điều lệ Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 42/QĐ-BNV năm 2015 quy định Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam có quyền hạn như sau:
- Tuyên truyền tôn chỉ, mục đích hoạt động của Hội.
- Đại diện cho hội viên trong mối quan hệ đối nội, đối ngoại có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Hội theo quy định của pháp luật và Điều lệ Hội.
- Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên phù hợp với tôn chỉ, mục đích của Hội theo quy định của pháp luật.
- Tham gia chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu, tư vấn, phản biện và giám định xã hội theo đề nghị của cơ quan nhà nước; cung cấp các dịch vụ công thuộc lĩnh vực hoạt động của Hội, tổ chức dạy nghề, truyền nghề theo quy định của pháp luật và Điều lệ Hội.
- Tham gia ý kiến vào các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến nội dung hoạt động của Hội, kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các vấn đề liên quan tới sự phát triển Hội và lĩnh vực Hội hoạt động theo quy định của pháp luật.
Tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, tổ chức các hoạt động dịch vụ khác theo quy định của pháp luật và được cấp chứng chỉ hành nghề khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
- Phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan để thực hiện nhiệm vụ của Hội.
- Thành lập pháp nhân thuộc Hội theo quy định của pháp luật.
- Được gây quỹ Hội trên cơ sở hội phí của hội viên và các nguồn thu từ hoạt động theo quy định của pháp luật để tự trang trải về kinh phí hoạt động.
- Được nhận các nguồn tài trợ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật. Được Nhà nước hỗ trợ kinh phí đối với những hoạt động gắn với nhiệm vụ của Nhà nước giao (nếu có).
- Thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế theo quy định của pháp luật. Được gia nhập các tổ chức quốc tế tương ứng và ký kết, thực hiện thỏa thuận quốc tế theo quy định của pháp luật và báo cáo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng và cơ quan có liên quan về việc gia nhập tổ chức quốc tế tương ứng, ký kết, thực hiện thỏa thuận quốc tế.
Nhiệm vụ của Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam được quy định ra sao?
Theo Điều 7 Điều lệ Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 42/QĐ-BNV năm 2015 quy định Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam có nhiệm vụ như sau:
Nhiệm vụ
1. Chấp hành các quy định của pháp luật có liên quan đến tổ chức, hoạt động của Hội. Tổ chức, hoạt động theo Điều lệ Hội đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Không lợi dụng hoạt động của Hội để làm phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội, đạo đức, thuần phong mỹ tục, truyền thống của dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
2. Tuyên truyền, vận động các tổ chức, công dân Việt Nam phát huy truyền thống nhân ái của dân tộc, đùm bọc, yêu thương, giúp đỡ, tạo điều kiện và động viên nhau cùng thực hiện các hoạt động hỗ trợ, khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam.
3. Tập hợp, đoàn kết hội viên; tổ chức, phối hợp hoạt động giữa các hội viên vì lợi ích chung của Hội; thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích của Hội nhằm góp phần xây dựng và phát triển đất nước. Một số hoạt động cụ thể:
a) Tham gia tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến chương trình quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010 - 2025 ở trong nước và quốc tế theo quy định của pháp luật;
b) Phối hợp và tham gia các hoạt động về phòng tránh tai nạn bom mìn trong nhân dân, đặc biệt ở các tỉnh bị ô nhiễm nặng và xảy ra nhiều tai nạn bom mìn;
c) Phối hợp hoặc tổ chức các hoạt động trợ giúp nạn nhân bị tai nạn bom mìn theo quy định của pháp luật như: Trợ cấp cho nạn nhân; hỗ trợ điều trị vết thương, khám chữa bệnh, chỉnh hình, phục hồi chức năng, dụng cụ chỉnh hình; hỗ trợ về giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm và hòa nhập cộng đồng; tham gia hỗ trợ tái định cư cho nhân dân vùng ô nhiễm bom mìn theo quy định của pháp luật;
d) Vận động các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trợ giúp nguồn lực cho các dự án thuộc Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh theo quy định của pháp luật.
4. Phổ biến, bồi dưỡng kiến thức cho hội viên, hướng dẫn hội viên tuân thủ pháp luật, chế độ, chính sách của Nhà nước và các quy định, quy chế và Điều lệ Hội.
5. Đại diện cho hội viên tham gia, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền về các chủ trương, chính sách liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Hội theo quy định của pháp luật.
6. Hòa giải tranh chấp, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong nội bộ Hội theo quy định của pháp luật.
7. Xây dựng và ban hành quy tắc đạo đức trong hoạt động của Hội.
8. Quản lý và sử dụng các nguồn kinh phí của Hội theo đúng quy định của pháp luật.
9. Thực hiện các nhiệm vụ khác khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu hoặc theo quy định của pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.