Hội đồng thành viên của SCIC có bao nhiêu thành viên? Thành viên Hội đồng thành viên của SCIC làm việc theo chế độ gì?
Hội đồng thành viên của SCIC có bao nhiêu thành viên? Thành viên Hội đồng thành viên của SCIC làm việc theo chế độ gì?
Căn cứ Điều 26 Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước ban hành kèm theo Nghị định 148/2017/NĐ-CP quy định như sau:
Cơ cấu của Hội đồng thành viên
Hội đồng thành viên của SCIC có không quá 07 thành viên. Chủ tịch Hội đồng thành viên và thành viên của Hội đồng thành viên làm việc theo chế độ chuyên trách. Tổng Giám đốc là thành viên Hội đồng thành viên. Nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng thành viên không quá 05 năm và có thể được bổ nhiệm lại nhưng không quá 02 nhiệm kỳ.
Theo đó, Hội đồng thành viên của SCIC có không quá 07 thành viên. Thành viên của Hội đồng thành viên của SCIC làm việc theo chế độ chuyên trách.
Hội đồng thành viên của SCIC có bao nhiêu thành viên? Thành viên Hội đồng thành viên của SCIC làm việc theo chế độ gì? (Hình từ Internet)
Ai là người đại diện trực tiếp chủ sở hữu nhà nước tại SCIC?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước ban hành kèm theo Nghị định 148/2017/NĐ-CP quy định như sau:
Chức năng của Hội đồng thành viên
1. Hội đồng thành viên là đại diện trực tiếp của đại diện chủ sở hữu nhà nước tại SCIC, quyết định các vấn đề liên quan đến việc xác định và thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ và quyền lợi của SCIC theo phân cấp quy định tại Điều lệ này trừ các vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và các cơ quan quản lý nhà nước theo phân cấp quản lý.
2. Hội đồng thành viên chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và trước pháp luật về mọi hoạt động và sự phát triển của SCIC.
Đối chiếu quy định trên, như vậy, Hội đồng thành viên là đại diện trực tiếp của đại diện chủ sở hữu nhà nước tại SCIC, quyết định các vấn đề liên quan đến việc xác định và thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ và quyền lợi của SCIC theo phân cấp quy định tại Điều lệ này.
Trừ các vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và các cơ quan quản lý nhà nước theo phân cấp quản lý.
Hội đồng thành viên của SCIC có quyền quyết định việc thay đổi tỷ lệ sở hữu của SCIC tại các doanh nghiệp không?
Theo quy định tại khoản 5 Điều 27 Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước ban hành kèm theo Nghị định 148/2017/NĐ-CP quy định như sau:
Quyền, trách nhiệm của Hội đồng thành viên
1. Đề nghị Bộ Tài chính thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, điều chỉnh vốn điều lệ; sửa đổi, bổ sung Điều lệ, chức năng nhiệm vụ, cơ chế hoạt động; tổ chức lại, chuyển đổi sở hữu và sắp xếp lại SCIC.
2. Quyết định chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển 05 năm; kế hoạch sản xuất, kinh doanh hằng năm của SCIC sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt và gửi quyết định đến Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, giám sát.
3. Quyết định thành lập, chuyển đổi sở hữu và sắp xếp lại công ty con do SCIC năm giữ 100% vốn điều lệ; thành lập, tổ chức lại, giải thể chi nhánh, văn phòng đại diện và các đơn vị hạch toán phụ thuộc của SCIC sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về chủ trương.
4. Thực hiện Đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu SCIC sau khi đề nghị và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
5. Quyết định việc thay đổi tỷ lệ sở hữu của SCIC tại các doanh nghiệp thuộc danh mục Nhà nước phải giữ cổ phần chi phối, việc tiếp nhận doanh nghiệp tự nguyện tham gia làm công ty con, công ty liên kết sau khi đề nghị và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương.
6. Đề nghị Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ:
a) Quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, từ chức, khen thưởng, kỷ luật, thôi việc, nghỉ hưu đối với Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC.
b) Bổ nhiệm Tổng Giám đốc SCIC.
7. Đề nghị Bộ Tài chính: Quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, tiền lương, thù lao, tiền thưởng và các quyền lợi khác đối với thành viên Hội đồng thành viên; ban hành Quy chế quản lý tài chính của SCIC.
8. Quyết định phương án huy động vốn, đầu tư từng dự án nêu tại điểm c, điểm d khoản 1 Điều 12 và điểm b khoản 5 Điều 13 sau khi đề nghị và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương; Quyết định hoặc phân cấp cho Tổng Giám đốc quyết định phương án huy động vốn, dự án đầu tư có quy mô vốn đầu tư không quá 25% vốn chủ sở hữu được ghi trên báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính năm của SCIC tại thời điểm gần nhất với thời điểm huy động vốn, quyết định đầu tư nhưng không quá mức vốn của dự án nhóm B theo quy định của Luật đầu tư công.
...
Như vậy, Hội đồng thành viên của SCIC có quyền quyết định việc thay đổi tỷ lệ sở hữu của SCIC tại các doanh nghiệp thuộc danh mục Nhà nước phải giữ cổ phần chi phối, việc tiếp nhận doanh nghiệp tự nguyện tham gia làm công ty con, công ty liên kết sau khi đề nghị và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.