Học viện Hành chính Quốc gia là thực hiện đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực nào? Cơ cấu tổ chức của Học viện Hành chính Quốc gia như thế nào?
- Học viện Hành chính Quốc gia là đơn vị thực hiện đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực nào?
- Nhiệm vụ và quyền hạn của Học viện Hành chính trong việc bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức như thế nào?
- Cơ cấu tổ chức của Học viện Hành chính Quốc gia như thế nào?
- Lãnh đạo Học viện Hành chính Quốc gia do ai bổ nhiệm, miễn nhiệm?
Học viện Hành chính Quốc gia là đơn vị thực hiện đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực nào?
Vị trí và chức năng của Học viện Hành chính Quốc gia căn cứ theo quy định tại Điều 1 Quyết định 27/2022/QĐ-TTg (Có hiệu lực từ 01/01/2023) như sau:
Vị trí và chức năng
1. Học viện Hành chính Quốc gia là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Nội vụ.
2. Học viện Hành chính Quốc gia là đơn vị sự nghiệp hạng đặc biệt, là trung tâm quốc gia thực hiện các chức năng đào tạo, bồi dưỡng năng lực, kiến thức, kỹ năng về hành chính, về lãnh đạo, quản lý cho cán bộ, công chức, viên chức; đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu khoa học hành chính; tham mưu và tư vấn cho Bộ Nội vụ trong lĩnh vực hành chính và quản lý nhà nước.
3. Học viện Hành chính Quốc gia có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước, trụ sở chính đặt tại thành phố Hà Nội và có tên giao dịch quốc tế bằng tiếng Anh là National Academy of Public Administration, viết tắt là NAPA.
Theo quy định trên, Học viện Hành chính Quốc gia là đơn vị thực hiện đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực hành chính và quản lý nhà nước.
Trước đây, vị trí và chức năng của Học viện Hành chính Quốc gia căn cứ theo quy định tại Điều 1 Quyết định 05/2018/QĐ-TTg (Hết hiệu lực từ 01/01/2023) như sau:
Vị trí và chức năng
1. Học viện Hành chính Quốc gia là đơn vị sự nghiệp công lập hạng đặc biệt, trực thuộc Bộ Nội vụ.
2. Học viện Hành chính Quốc gia là trung tâm quốc gia thực hiện các chức năng đào tạo, bồi dưỡng năng lực, kiến thức, kỹ năng về hành chính, về lãnh đạo, quản lý cho cán bộ, công chức, viên chức; đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu khoa học hành chính và tư vấn cho Bộ Nội vụ trong lĩnh vực hành chính và quản lý nhà nước.
3. Học viện Hành chính Quốc gia có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước, trụ sở chính đặt tại thành phố Hà Nội và có tên giao dịch quốc tế bằng tiếng Anh là National Academy of Public Administration, viết tắt là NAPA.
Học viện Hành chính Quốc gia (có tên giao dịch quốc tế bằng tiếng Anh là National Academy of Public Administration, viết tắt là NAPA) là đơn vị sự nghiệp công lập hạng đặc biệt, trực thuộc Bộ Nội vụ.
+ Học viện Hành chính Quốc gia là trung tâm quốc gia thực hiện các chức năng đào tạo, bồi dưỡng năng lực, kiến thức, kỹ năng về hành chính, về lãnh đạo, quản lý cho cán bộ, công chức, viên chức;
+ Đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu khoa học hành chính và tư vấn cho Bộ Nội vụ trong lĩnh vực hành chính và quản lý nhà nước.
Học viện Hành chính Quốc gia (Hình từ Internet)
Nhiệm vụ và quyền hạn của Học viện Hành chính trong việc bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức như thế nào?
Nhiệm vụ và quyền hạn của Học viện Hành chính trong việc bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Quyết định 27/2022/QĐ-TTg (Có hiệu lực từ 01/01/2023) như sau:
Nhiệm vụ và quyền hạn
Học viện Hành chính Quốc gia (sau đây gọi tắt là Học viện) có các nhiệm vụ và quyền hạn sau:
1. Về bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức:
a) Giúp Bộ trưởng Bộ Nội vụ tổ chức thực hiện chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức về hành chính và quản lý nhà nước trên phạm vi cả nước theo quy định của pháp luật;
b) Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức theo quy định của pháp luật;
c) Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý, vị trí việc làm chuyên môn nghiệp vụ theo quy định của pháp luật;
d) Bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp sư phạm cho giảng viên quản lý nhà nước trong hệ thống cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu;
đ) Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ quản trị, hành chính, quản lý nhà nước cho lãnh đạo, quản lý, cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị và các đối tượng trong doanh nghiệp nhà nước;
e) Tham gia nghiên cứu, điều tra, khảo sát, đánh giá nhu cầu, chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; nghiên cứu, đề xuất phương hướng đổi mới và nâng cao chất lượng bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu của quản lý nhà nước và nền công vụ;
g) Tổ chức tập huấn về nghiệp vụ quản lý đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và một số nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
...
Trước đây, nhiệm vụ và quyền hạn của Học viện Hành chính trong việc bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Quyết định 05/2018/QĐ-TTg (Hết hiệu lực từ 01/01/2023) như sau:
- Giúp Bộ trưởng Bộ Nội vụ tổ chức thực hiện chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức về hành chính và quản lý nhà nước trên phạm vi cả nước;
- Bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý; bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức, vị trí việc làm.
- Bồi dưỡng năng lực, kiến thức và kỹ năng lãnh đạo, quản lý theo tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý;
- Tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật về hành chính, quản lý nhà nước cho đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp;
- Đồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, khả năng ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức, viên chức;
- Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ theo tiêu chuẩn của ngành Nội vụ; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức về chuyên ngành, lĩnh vực công tác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ;
- Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác thi đua, khen thưởng, công tác tôn giáo;
- Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ quản trị hành chính; bồi dưỡng viên chức theo hạng và chức danh nghề nghiệp; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức, viên chức trong diện quy hoạch từ cấp huyện và tương đương trở lên do cấp có thẩm quyền giao;
- Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ phục vụ quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức cấp xã và các đối tượng khác do cấp có thẩm quyền giao;
- Bồi dưỡng kỹ năng hành chính, quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội, người lãnh đạo, quản lý và đối tượng khác trong doanh nghiệp nhà nước;
- Tham gia nghiên cứu, điều tra, khảo sát, đánh giá nhu cầu, chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thuộc Bộ và ngành Nội vụ; nghiên cứu, đề xuất phương hướng đổi mới và nâng cao chất lượng bồi dưỡng phù hợp với đặc thù và yêu cầu của ngành Nội vụ;
- Bồi dưỡng về hành chính, quản lý nhà nước, chính sách công và phương pháp giảng dạy cho đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên ở các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và các đối tượng khác trên phạm vi cả nước.
Cơ cấu tổ chức của Học viện Hành chính Quốc gia như thế nào?
Cơ cấu tổ chức của Học viện Hành chính Quốc gia được quy định tại Điều 3 Quyết định 27/2022/QĐ-TTg (Có hiệu lực từ 01/01/2023) như sau:
Cơ cấu tổ chức
1. Văn phòng.
2. Ban Tổ chức cán bộ.
3. Ban Kế hoạch - Tài chính.
4. Ban Hợp tác quốc tế.
5. Ban Quản lý bồi dưỡng.
6. Ban Quản lý đào tạo.
7. Khoa Hành chính học.
8. Khoa Nhà nước và Pháp luật.
9. Khoa Quản lý xã hội.
10. Khoa Quản lý kinh tế.
11. Khoa Quản trị nhân lực.
12. Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng.
13. Khoa Khoa học liên ngành.
14. Khoa Ngoại ngữ - Tin học.
15. Viện Nghiên cứu khoa học hành chính.
16. Tạp chí Quản lý nhà nước.
17. Trung tâm Khảo thí và đảm bảo chất lượng đào tạo, bồi dưỡng.
18. Trung tâm Công nghệ và Thư viện.
19. Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh.
20. Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia khu vực Miền Trung.
21. Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia khu vực Tây Nguyên.
Trước đây, cơ cấu tổ chức của Học viện Hành chính Quốc gia được quy định tại Điều 3 Quyết định 05/2018/QĐ-TTg (Hết hiệu lực từ 01/01/2023) như sau:
- Ban Tổ chức cán bộ;
- Văn phòng;
- Ban Kế hoạch - Tài chính;
- Ban Hợp tác quốc tế;
- Ban Quản lý bồi dưỡng;
- Ban Quản lý đào tạo Sau đại học;
- Khoa Nhà nước - Pháp luật và Lý luận cơ sở;
- Khoa Khoa học hành chính và Tổ chức nhân sự;
- Khoa Văn bản và Công nghệ hành chính;
- Khoa Quản lý nhà nước về Kinh tế và Tài chính công;
- Khoa Quản lý nhà nước về Xã hội;
- Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính;
- Tạp chí Quản lý nhà nước;
- Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học và Thông tin - Thư viện;
- Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh;
- Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại thành phố Huế;
- Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia khu vực Tây Nguyên.
Lãnh đạo Học viện Hành chính Quốc gia do ai bổ nhiệm, miễn nhiệm?
Thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm lãnh đạo Học viện Hành chính Quốc gia được căn cứ Điều 4 Quyết định 27/2022/QĐ-TTg (Có hiệu lực từ 01/01/2023) như sau:
Lãnh đạo
1. Ban Giám đốc Học viện gồm Giám đốc và không quá 04 Phó Giám đốc.
2. Giám đốc Học viện do Bộ trưởng Bộ Nội vụ quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm sau khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Các Phó Giám đốc Học viện do Bộ trưởng Bộ Nội vụ bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Giám đốc Học viện.
3. Giám đốc Học viện chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Nội vụ và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Học viện. Các Phó Giám đốc Học viện chịu trách nhiệm trước Giám đốc Học viện và trước pháp luật về các lĩnh vực công tác được phân công.
4. Giám đốc Học viện ban hành Quy chế làm việc của Học viện; quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc và trực thuộc Học viện và của các đơn vị cấu thành đơn vị thuộc, trực thuộc Học viện; quyết định thành lập, sáp nhập, chia tách, giải thể các phòng, bộ môn và tương đương; bổ nhiệm, miễn nhiệm viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại các đơn vị thuộc và trực thuộc Học viện.
Như vậy, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia do Bộ trưởng Bộ Nội vụ quyết định bổ nhiệm sau khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.
Các Phó Giám đốc Học viện do Bộ trưởng Bộ Nội vụ bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Giám đốc Học viện.
Trước đây, thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm lãnh đạo Học viện Hành chính Quốc gia được căn cứ vào Điều 4 Quyết định 05/2018/QĐ-TTg (Hết hiệu lực từ 01/01/2023) như sau:
Lãnh đạo
1. Ban Giám đốc Học viện gồm Giám đốc và không quá 03 Phó Giám đốc.
2. Giám đốc Học viện do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Các Phó Giám đốc Học viện do Bộ trưởng Bộ Nội vụ bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Giám đốc Học viện.
3. Giám đốc Học viện chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Nội vụ và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Học viện. Các Phó Giám đốc Học viện chịu trách nhiệm trước Giám đốc Học viện và trước pháp luật về các lĩnh vực công tác được phân công.
4. Giám đốc Học viện ban hành Quy chế làm việc của Học viện; quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc và trực thuộc Học viện; thành lập, sáp nhập, chia tách, giải thể các phòng, bộ môn và tương đương, bổ nhiệm, miễn nhiệm viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại các đơn vị thuộc và trực thuộc Học viện.
Như vậy, Ban Giám đốc Học viện gồm Giám đốc và không quá 03 Phó Giám đốc.
Giám đốc Học viện do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Các Phó Giám đốc Học viện do Bộ trưởng Bộ Nội vụ bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Giám đốc Học viện.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.