Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông có tư cách pháp nhân không? Hội đồng Học viện gồm những thành phần nào?
Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông có tư cách pháp nhân không?
Tư cách pháp nhân của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông được quy định tại Điều 2 Quy chế tổ chức và hoạt động của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông ban hành kèm theo Quyết định 879/QĐ-BTTTT năm 2016 như sau:
Vị trí và chức năng
1. Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông là cơ sở giáo dục đại học công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, được thành lập theo Quyết định số 516/QĐ-TTg ngày 11/7/1997 của Thủ tướng Chính phủ: là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.
Học viện thực hiện chức năng đào tạo đại học, sau đại học, nghiên cứu khoa học, đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn, tư vấn và chuyển giao công nghệ.
2. Tên giao dịch của Học viện:
Tiếng Việt: Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.
Tiếng Anh: Posts and Telecommunications Institute of Technology (viết tắt: PTIT).
3. Học viện có trụ sở chính tại thành phố Hà Nội và có Cơ sở đào tạo tại thành phố Hồ Chí Minh.
4. Học viện là đơn vị sự nghiệp có thu, được quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo quy định hiện hành của Nhà nước, của Bộ Thông tin và Truyền thông đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư và được vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
5. Học viện có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật.
Theo quy định trên, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông và có tư cách pháp nhân.
Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (Hình từ Internet)
Nhiệm vụ của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông là gì?
Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông có những nhiệm vụ và quyền hạn được quy định tại Điều 3 Quy chế tổ chức và hoạt động của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông ban hành kèm theo Quyết định 879/QĐ-BTTTT năm 2016 như sau:
Nhiệm vụ và quyền hạn của Học viện
1. Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, kế hoạch hoạt động dài hạn, trung hạn, hàng năm của Học viện.
2. Tổ chức đào tạo ở bậc sau đại học, đại học, cao đẳng và đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn và các hoạt động giáo dục khác theo mục tiêu, chương trình giáo dục đã được các cơ quan có thẩm quyền cho phép, cấp phép đào tạo theo quy định; xác nhận hoặc cấp văn bằng, chứng chỉ theo thẩm quyền.
3. Tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ và ứng dụng: tư vấn, chuyển giao công nghệ, sản phẩm, dịch vụ; kết hợp đào tạo với nghiên cứu khoa học và thực tiễn sản xuất; đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn; phát triển, thực hiện dịch vụ khoa học, sản xuất kinh doanh theo quy định của Nhà nước.
4. Phát triển các chương trình đào tạo theo mục tiêu xác định; bảo đảm sự liên thông giữa các chương trình và trình độ đào tạo.
5. Xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy, tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; xây dựng đội ngũ giảng viên của Học viện theo quy định của Nhà nước.
...
10. Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo và chịu sự kiểm tra, thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi Học viện đặt trụ sở hoặc có tổ chức hoạt động đào tạo theo quy định.
11. Được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; chuyển giao, chuyển nhượng kết quả hoạt động khoa học và công nghệ, công bố kết quả hoạt động khoa học và công nghệ; bảo vệ lợi ích của Nhà nước và xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân trong hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ của Học viện.
12. Được Nhà nước giao hoặc cho thuê đất, giao hoặc cho thuê cơ sở vật chất; được miễn, giảm thuế theo quy định của pháp luật.
13. Các nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
Theo đó, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông có những nhiệm vụ và quyền hạn được quy định tại Điều 3 nêu trên.
Hội đồng Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông gồm những thành phần nào?
Thành phần của Hội đồng Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông được quy định tại khoản 4 Điều 6 Quy chế tổ chức và hoạt động của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông ban hành kèm theo Quyết định 879/QĐ-BTTTT năm 2016 như sau:
Hội đồng Học viện
...
4. Hội đồng Học viện có tổng số thành viên là số lẻ, tối thiểu 15 thành viên (trong đó có 01 Chủ tịch và 01 Thư ký), bao gồm các thành phần đương nhiên, thành phần mời và thành phần bầu.
a) Thành phần đương nhiên gồm: Bí thư Đảng ủy; Giám đốc Học viện; các Phó giám đốc; Chủ tịch Công đoàn, Bí thư Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh Học viện.
b) Thành phần mời gồm:
- Đại diện của Bộ Thông tin và Truyền thông;
- Một số thành viên bên ngoài, không phải là giảng viên, cán bộ quản lý cơ hữu của Học viện đáp ứng các yêu cầu sau đây: Đang hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, khoa học, công nghệ, sản xuất, kinh doanh có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Học viện; không phải là người có quan hệ bố, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị em ruột với các thành viên khác trong Hội đồng. Nếu các thành viên này không phải là công chức, viên chức thì không đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch hoặc Thư ký Hội đồng. Số lượng thành viên thuộc thành phần này chiếm không dưới 20% tổng số thành viên của Hội đồng;
c) Thành phần bầu gồm đại diện cán bộ quản lý, giảng viên và nghiên cứu viên thuộc các đơn vị trong Học viện.
...
Như vậy, Hội đồng Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông gồm thành phần đương nhiên, thành phần mời và thành phần bầu được quy định cụ thể tại khoản 4 Điều 6 nêu trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.