Học sinh trung học phổ thông bị cho thôi học do phụ huynh không đến làm việc với nhà trường có phù hợp với quy định pháp luật không?
- Việc xem xét xử lý kỷ luật đối với học sinh trung học phổ thông sẽ do bộ phận nào tại nhà trường thực hiện?
- Học sinh trung học phổ thông bị buộc thôi học do phụ huynh không đến làm việc với nhà trường có phù hợp với quy định pháp luật không?
- Học sinh trung học phổ thông có những nhiệm vụ nào theo quy định hiện nay?
Việc xem xét xử lý kỷ luật đối với học sinh trung học phổ thông sẽ do bộ phận nào tại nhà trường thực hiện?
Hội đồng kỷ luật học sinh được quy định tại khoản 2 Điều 12 Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kèm theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT như sau:
Các hội đồng khác trong nhà trường
...
2. Hội đồng kỷ luật
a) Hội đồng kỷ luật học sinh được thành lập để xét hoặc xóa kỷ luật đối với học sinh theo từng vụ việc. Hội đồng kỷ luật học sinh do hiệu trưởng quyết định thành lập và làm chủ tịch. Các thành viên của hội đồng gồm: phó hiệu trưởng, bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (nếu có), tổng phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh (nếu có), giáo viên chủ nhiệm lớp có học sinh vi phạm, một số giáo viên có kinh nghiệm giáo dục và trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh của trường.
b) Hội đồng kỷ luật cán bộ, giáo viên, nhân viên được thành lập để xét và đề nghị xử lý kỷ luật đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên theo từng vụ việc. Việc thành lập, thành phần và hoạt động của hội đồng kỷ luật cán bộ, giáo viên, nhân viên được thực hiện theo quy định của pháp luật.
...
Theo đó, việc xem xét xử lý kỷ luật đối với học sinh trung học phổ thông sẽ do Hội đồng kỷ luật học sinh thực hiện.
Hội đồng kỷ luật học sinh trung học phổ thông sẽ do hiệu trưởng quyết định thành lập và làm chủ tịch. Các thành viên của hội đồng gồm:
- Phó hiệu trưởng,
- Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (nếu có),
- Tổng phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh (nếu có),
- Giáo viên chủ nhiệm lớp có học sinh vi phạm,
- Một số giáo viên có kinh nghiệm giáo dục,
- Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh của trường.
Học sinh trung học phổ thông bị cho thôi học do phụ huynh không đến làm việc với nhà trường có phù hợp với quy định pháp luật không? (Hình từ Internet)
Học sinh trung học phổ thông bị buộc thôi học do phụ huynh không đến làm việc với nhà trường có phù hợp với quy định pháp luật không?
Việc khen thương và kỷ luật đối với học sinh được quy định tại Điều 38 Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kèm theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT như sau:
Khen thưởng và kỷ luật
1. Học sinh có thành tích trong học tập và rèn luyện được giáo viên, nhà trường và các cấp quản lý giáo dục khen thưởng bằng các hình thức sau đây:
a) Tuyên dương trước lớp hoặc trước toàn trường.
b) Khen thưởng các danh hiệu học sinh theo quy định.
c) Cấp giấy chứng nhận, giấy khen, bằng khen, nếu đạt thành tích nổi bật hoặc có tiến bộ vượt bậc trong một số lĩnh vực học tập, phong trào thi đua; đạt thành tích trong các kỳ thi, hội thi theo quy định và cho phép của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
d) Các hình thức khen thưởng khác.
2. Học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện được giáo dục hoặc xử lý kỷ luật theo các hình thức sau đây:
a) Nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm.
b) Khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm.
c) Tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo đó, trong các hình thức xử lý kỷ luật đối với học sinh trung học phổ thông không có trường hợp nào là cho học sinh thôi học do phụ huynh không đến làm việc với nhà trường.
Do đó, việc nhà trường ra quyết định cho học sinh thôi học với lý do trên là trái với quy định pháp luật.
Học sinh trung học phổ thông có những nhiệm vụ nào theo quy định hiện nay?
Nhiệm vụ của học sinh trung học phổ thông bao gồm các nhiệm vụ được quy định tại Điều 34 Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kèm theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT như sau:
- Thực hiện nhiệm vụ học tập, rèn luyện theo chương trình, kế hoạch giáo dục của nhà trường.
- Kính trọng cha mẹ, cán bộ, giáo viên, nhân viên của nhà trường và những người lớn tuổi; đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập, rèn luyện; thực hiện điều lệ, nội quy nhà trường; chấp hành pháp luật của Nhà nước.
- Rèn luyện thân thể, giữ gìn vệ sinh cá nhân.
- Tham gia các hoạt động tập thể của trường, của lớp học, của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; giúp đỡ gia đình, tham gia lao động và hoạt động xã hội, hoạt động bảo vệ môi trường, thực hiện trật tự an toàn giao thông.
- Giữ gìn, bảo vệ tài sản của nhà trường, nơi công cộng; góp phần xây dựng, bảo vệ và phát huy truyền thống của nhà trường.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.