Học sinh trung học cơ sở chuyển trường khi kết thúc học kỳ I của năm học thì có được dùng điểm trung bình học kỳ I của trường cũ để tính điểm trung bình cả năm học được không?
Học sinh trung học cơ sở được đánh giá định kì như thế nào?
Học sinh trung học cơ sở được đánh giá định kì kết quả học tập theo quy định tại Điều 2 Mục IV Công văn 4669/BGDĐT-GDTrH năm 2015 như sau:
(1) Việc đánh giá định kì được áp dụng với tất cả các môn học thông qua các bài kiểm tra. Bài kiểm tra định kì của các môn Ngữ văn, Toán, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, Tin học có thời lượng 90 phút; các môn còn lại có thời lượng 45 phút.
- Các bài kiểm tra định kì
+ Các bài kiểm tra giữa và cuối Học kì I, giữa Học kì II và cuối năm học nhằm giúp cho giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh đánh giá được kết quả học tập của học sinh và "nhìn lại" quá trình đánh giá thường xuyên trước đó. Điểm số của các bài kiểm tra giữa học kì không được tính vào kết quả đánh giá cuối Học kì I và cuối năm học. Nhà trường, giáo viên chủ động bố trí thời gian thực hiện các bài kiểm tra giữa kì phù hợp với kế hoạch dạy học bộ môn. Đánh giá qua bài kiểm tra định kì được lượng hóa bằng điểm số theo thang điểm 10 hoặc quy đổi về thang điểm 10, kết hợp với nhận xét những ưu điểm, hạn chế và sửa lỗi, góp ý cho học sinh. Nội dung nhận xét phải thỏa đáng, phù hợp với điều kiện học tập, sự tiến bộ, đặc điểm tâm lý học sinh; tránh những nhận xét chung chung, theo mẫu hay những nhận xét mang tính xúc phạm làm tổn thương tâm lý học sinh. Đối với học sinh có kết quả bài kiểm tra định kì không phù hợp với những nhận xét trong quá trình học tập (quá trình học tập tốt nhưng kết quả kiểm tra quá kém hoặc ngược lại), giáo viên cần tìm hiểu rõ nguyên nhân, nếu thấy cần thiết và hợp lí thì có thể cho học sinh kiểm tra lại.
+ Các bài kiểm tra cuối Học kì I và cuối năm học nhằm đánh giá kết quả học tập của học sinh; điểm số mà học sinh đạt được trong các bài kiểm tra Học kì I và cuối năm học được ghi nhận trong hồ sơ đánh giá học sinh.
- Đề kiểm tra định kì
Đề kiểm tra bao gồm các câu hỏi, bài tập (tự luận hoặc/và trắc nghiệm) theo 4 mức độ yêu cầu:
+ Nhận biết: học sinh nhận biết, nhắc lại hoặc mô tả đúng kiến thức, kĩ năng đã học khi được yêu cầu.
+ Thông hiểu: học sinh diễn đạt đúng kiến thức hoặc mô tả đúng kĩ năng đã học bằng ngôn ngữ theo cách của riêng mình, có thể thêm các hoạt động phân tích, giải thích, so sánh; áp dụng trực tiếp (làm theo mẫu) kiến thức, kĩ năng đã biết để giải quyết các tình huống, vấn đề trong học tập.
+ Vận dụng: học sinh kết nối và sắp xếp lại các kiến thức, kĩ năng đã học để giải quyết thành công tình huống, vấn đề tương tự tình huống, vấn đề đã học.
+ Vận dụng cao: học sinh vận dụng được các kiến thức, kĩ năng để giải quyết các tình huống, vấn đề mới, không giống với những tình huống, vấn đề đã được hướng dẫn; đưa ra những phản hồi hợp lí trước một tình huống, vấn đề mới trong học tập hoặc trong cuộc sống.
Tỷ lệ số câu hỏi, bài tập thuộc các phân môn trong bài kiểm tra đối với các môn Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội phù hợp với nội dung phân môn đã học tính đến thời điểm kiểm tra.
Căn cứ vào mức độ phát triển năng lực của học sinh ở từng học kỳ và từng khối lớp, giáo viên và nhà trường xác định tỷ lệ các câu hỏi, bài tập theo 4 mức độ yêu cầu trong các bài kiểm tra trên nguyên tắc đảm bảo sự phù hợp với đối tượng học sinh và tăng dần tỷ lệ các câu hỏi, bài tập ở mức độ yêu cầu vận dụng, vận dụng cao.
(2) Việc kiểm tra, đánh giá đối với các môn ngoại ngữ được thực hiện theo hướng dẫn riêng của từng ngoại ngữ nhưng chỉ ghi điểm của bài kiểm tra Học kì I và bài kiểm tra cuối năm học vào sổ đánh giá học sinh theo hướng dẫn tại Mục 2.1 văn bản này.
(3) Đối với Hoạt động giáo dục (Âm nhạc, Mĩ thuật, Thể dục)
Căn cứ chuẩn kiến thức, kỹ năng của môn học quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông, thái độ tích cực và sự tiến bộ của học sinh để nhận xét kết quả bài kiểm tra định kỳ theo hai mức:
- Đạt yêu cầu: Nếu đảm bảo ít nhất một trong hai điều kiện sau:
+ Thực hiện được cơ bản các yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng đối với nội dung trong bài kiểm tra;
+ Có cố gắng, tích cực học tập và tiến bộ rõ rệt trong thực hiện các yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng đối với nội dung trong bài kiểm tra.
- Chưa đạt yêu cầu: Các trường hợp còn lại.
Học sinh trung học cơ sở được giáo viên đánh giá thường xuyên như thế nào?
Việc đánh giá thường xuyên đối với học sinh trung học cơ sở được quy định tại Điều 1 Mục IV Công văn 4669/BGDĐT-GDTrH năm 2015 như sau:
(1) Đánh giá thường xuyên là đánh giá trong quá trình học tập, rèn luyện, của học sinh, được thực hiện theo tiến trình nội dung của các môn học và hoạt động giáo dục, trong đó có quá trình vận dụng kiến thức, kĩ năng ở nhà trường, gia đình và cộng đồng.
(2) Tham gia đánh giá thường xuyên gồm có: giáo viên, học sinh (tự rút kinh nghiệm và nhận xét, góp ý bạn qua hoạt động của nhóm, lớp); khuyến khích cha mẹ học sinh và cộng đồng tham gia nhận xét, góp ý cho học sinh, giáo viên, các hoạt động giáo dục của nhà trường.
* Giáo viên đánh giá
- Đánh giá quá trình học tập của học sinh
Trong quá trình dạy học, căn cứ vào đặc điểm và mục tiêu của bài học, của mỗi hoạt động trong bài học, giáo viên tiến hành một số việc như sau:
+ Theo dõi, kiểm tra quá trình và từng kết quả thực hiện nhiệm vụ của học sinh/nhóm học sinh theo tiến trình dạy học; quan tâm tiến độ hoàn thành từng nhiệm vụ của học sinh để áp dụng biện pháp cụ thể, kịp thời giúp đỡ học sinh vượt qua khó khăn. Chấp nhận sự khác nhau về thời gian và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các học sinh; những học sinh hoàn thành nhiệm vụ nhanh hơn tiến độ chung thì được giao thêm nhiệm vụ học tập hoặc giúp đỡ bạn. Hằng tuần, giáo viên lưu ý đến những học sinh có nhiệm vụ chưa hoàn thành, giúp đỡ kịp thời để học sinh biết cách hoàn thành nhiệm vụ.
+ Nếu có nhận xét đặc biệt, giáo viên ghi vào phiếu, vở, sản phẩm học tập... của học sinh về những kết quả đã làm được hoặc chưa làm được, mức độ hiểu biết và năng lực vận dụng kiến thức, mức độ thành thạo các thao tác, kĩ năng cần thiết...
- Đánh giá sự hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh
Giáo viên quan sát các biểu hiện trong quá trình học tập, sinh hoạt và tham gia các hoạt động tập thể để nhận xét sự hình thành và phát triển một số phẩm chất, năng lực của học sinh; từ đó động viên, khích lệ, giúp học sinh khắc phục khó khăn; phát huy ưu điểm và các phẩm chất, năng lực riêng; điều chỉnh hoạt động, ứng xử để tiến bộ.
(Các biểu hiện phẩm chất và năng lực nêu ở Phụ lục 1 và Phụ lục 2 kèm theo)
- Trong đánh giá thường xuyên giáo viên không đánh giá bằng cho điểm mà đánh giá bằng nhận xét quá trình và kết quả học tập của học sinh; chủ yếu dùng lời nói để động viên, góp ý, hướng dẫn học sinh, đồng thời ghi lại những nhận xét đáng chú ý nhất vào "Sổ tay lên lớp" như: những kết quả học sinh đã đạt được hoặc chưa đạt được; các biểu hiện cụ thể về sự hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh; những biện pháp đã áp dụng và những điều cần đặc biệt lưu ý để giúp cho quá trình theo dõi, giáo dục đối với cá nhân hoặc nhóm học sinh trong học tập, rèn luyện. Trong quá trình đánh giá thường xuyên, giáo viên có thể chấm và ghi điểm trên một số sản phẩm học tập để học sinh tham khảo nhưng không lưu điểm trên các loại hồ sơ khác.
Học sinh trung học cơ sở chuyển trường
Học sinh trung học cơ sở có được dùng điểm trung bình ở trường cũ tính điểm trung bình cả năm ở trường mới không?
Theo Mục 3 Công văn 1392/BGDĐT-GDTrH năm 2017 quy định về cách tính điểm trung bình cả năm học đối với học sinh trung học cơ sở chuyển đến trường học mới như sau:
- Đối với học sinh chuyển đến lớp mô hình trường học mới sau khi kết thúc học kỳ I, điểm trung bình môn học kỳ I ở lớp cũ được sử dụng để tính điểm trung bình môn cả năm.
- Đối với học sinh chuyển đi khỏi lớp mô hình trường học mới sau khi kết thúc bọc kỳ I, điểm trung bình môn học kỳ I được sử dụng để tính điểm trung bình môn cả năm theo Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT.
Như vậy, đối với học sinh trung học cơ sở chuyển đến trường học mới được lấy điểm trung bình học kỳ I ở lớp cũ được sử dụng để tính điểm trung bình môn cả năm.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.