Học sinh THCS có hành vi bạo lực học đường dẫn đến bạn học bị rối loạn tâm thần thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
- Học sinh THCS có hành vi bạo lực học đường dẫn đến bạn học bị rối loạn tâm thần thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
- Gia đình nạn nhân bị bạo lực học đường dẫn đến rối loạn tâm thần có thể yêu cầu bồi thưởng thế nào?
- Cha mẹ học sinh có hành vi bạo lực học đường sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường cho nạn nhân đúng không?
Học sinh THCS có hành vi bạo lực học đường dẫn đến bạn học bị rối loạn tâm thần thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Bạo lực học đường được giải thích tại Điều 2 Nghị định 80/2017/NĐ-CP như sau:
Bạo lực học đường là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của người học xảy ra trong cơ sở giáo dục hoặc lớp độc lập.
Về tuổi chịu trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 như sau:
Tuổi chịu trách nhiệm hình sự
1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.
2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.
Theo đó, tuổi chịu trách nhiệm hình sự tối thiểu là từ đủ 14 tuổi. Do đó trường hợp học sinh THCS (12 tuổi) có hành vi bạo lực học đường dẫn đến bạn học bị rối loạn tâm thần thì không truy cứu trách nhiệm hình sự.
Học sinh THCS có hành vi bạo lực học đường dẫn đến bạn học bị rối loạn tâm thần thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (hình từ internet)
Gia đình nạn nhân bị bạo lực học đường dẫn đến rối loạn tâm thần có thể yêu cầu bồi thưởng thế nào?
Tại khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:
Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
...
Theo đó, trường hợp học sinh bị đánh hội đồng dẫn đến rối loạn tâm thần thì có quyền yêu cầu bồi thường.
Dẫn chiếu đến Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm mà gia đình học sinh bị bạo lực học đường có thể yêu cầu bồi thường gồm:
- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
- Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
- Thiệt hại khác do luật quy định.
Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm ngoài phải bồi thường thiệt hại nêu trên còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu.
Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Cha mẹ học sinh có hành vi bạo lực học đường sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường cho nạn nhân đúng không?
Tại Điều 586 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân như sau:
Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân
1. Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường.
2. Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 599 của Bộ luật này.
Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.
3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.
Theo quy định này, trường hợp người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại.
Nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp hành vi bạo lực học đường xảy ra trong thời gian trường học trực tiếp quản lý thì nhà trường phải chịu trách nhiệm bồi thường (theo khoản 1 Điều 599 Bộ luật Dân sự 2015).
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.