Hòa giải viên lao động từ chối nhiệm vụ hòa giải bao nhiêu lần thì sẽ bị miễn nhiệm? Từ chối 2 vụ hòa giải thì có bị miễn nhiệm hay không?
Hòa giải viên lao động từ chối nhiệm vụ hòa giải bao nhiêu lần thì sẽ bị miễn nhiệm?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 94 Nghị định 145/2022/NĐ-CP quy định về việc miễn nhiệm hòa giải viên lao động như sau:
Miễn nhiệm hòa giải viên lao động
1. Hòa giải viên lao động miễn nhiệm khi thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Có đơn xin thôi làm hòa giải viên lao động;
b) Không đáp ứng đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 92 Nghị định này;
c) Có hành vi vi phạm pháp luật làm phương hại đến lợi ích các bên hoặc lợi ích của Nhà nước khi thực hiện nhiệm vụ của hòa giải viên lao động theo quy định của pháp luật;
d) Có 02 năm bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ theo quy chế quản lý hòa giải viên lao động;
đ) Từ chối nhiệm vụ hòa giải từ 02 lần trở lên khi được cử tham gia giải quyết tranh chấp lao động hoặc tranh chấp về hợp đồng đào tạo nghề mà không có lý do chính đáng theo quy định tại quy chế quản lý hòa giải viên lao động.
Như vậy, theo quy định nêu trên, nếu anh từ chối nhiệm vụ hòa giải từ 02 lần trở lên khi được cử tham gia giải quyết tranh chấp lao động hoặc tranh chấp về hợp đồng đào tạo nghề mà không có lý do chính đáng theo quy định tại quy chế quản lý hòa giải viên lao động thì sẽ bị miễn nhiệm hòa giải viên lao động.
Trong trường hợp anh đã từ chối nhiệm vụ hòa giải 02 lần nhưng nếu lý do cá nhân đó là lý do chính đáng thì mình vẫn có thể tiếp tục làm hòa giải viên lao động mà không bị miễn nhiệm anh nhé.
Tải về mẫu Tờ trình đề nghị miễn nhiệm Hòa giải viên mới nhất 2023: Tại Đây
Hòa giải viên lao động (Hình từ Internet)
Trình tự, thủ tục miễn nhiệm hòa giải viên lao động theo quy định mới nhất hiện nay được thực hiện ra sao?
Theo khoản 2 Điều 94 Nghị định 145/2022/NĐ-CP thì trình tự, thủ tục miễn nhiệm hòa giải viên lao động được thực hiện như sau:
Miễn nhiệm hòa giải viên lao động
2. Trình tự, thủ tục miễn nhiệm hòa giải viên lao động
a) Đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn xin thôi làm hòa giải viên lao động của hòa giải viên lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, miễn nhiệm hòa giải viên lao động;
b) Đối với các trường hợp quy định tại các điểm b, c, d, và đ khoản 1 Điều này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội căn cứ báo cáo của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và kết quả rà soát, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, miễn nhiệm hòa giải viên lao động;
c) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định miễn nhiệm hòa giải viên lao động.
Tải về mẫu Quyết định miễn nhiệm Hòa giải viên mới nhất 2023: Tại Đây
Những cơ quan nào có trách nhiệm quản lý hòa giải viên lao động?
Căn cứ theo Điều 97 Nghị định 145/2022/NĐ-CP, có 04 cơ quan có thẩm quyền quản lý hòa giải viên lao động, cụ thể thẩm quyền và trách nhiệm của từng cơ quan như sau:
(1) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:
- Xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản pháp luật về hòa giải viên lao động;
- Tuyên truyền, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về hòa giải lao động;
- Xây dựng nội dung, chương trình và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ đối với hòa giải viên lao động.
(2) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:
- Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm và quản lý hoạt động của hòa giải viên lao động trên địa bàn cấp tỉnh.
+ Đối với những tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiều doanh nghiệp, lao động, phát sinh nhiều tranh chấp lao động có thể xem xét, bổ nhiệm một số hòa giải viên lao động chuyên trách thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
+ Hòa giải viên lao động chuyên trách có nhiệm vụ tham gia giải quyết tranh chấp lao động, tranh chấp về hợp đồng đào tạo nghề, hỗ trợ phát triển quan hệ lao động và giúp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý công tác hòa giải lao động trên địa bàn. Tiêu chuẩn tuyển chọn, bổ nhiệm, nhiệm vụ của hòa giải viên lao động chuyên trách thực hiện theo quy chế quản lý hòa giải viên lao động;
- Ban hành quy chế quản lý hòa giải viên lao động, phân cấp quản lý hòa giải viên lao động thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội;
- Chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện chế độ, chính sách, thi đua, khen thưởng đối với hòa giải viên lao động theo quy định.
(3) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
- Xây dựng, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy chế quản lý hòa giải viên lao động;
- Tham mưu, giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý hòa giải viên lao động trên địa bàn;
- Lập và thực hiện kế hoạch tuyển chọn, bổ nhiệm hòa giải viên lao động hằng năm;
- Cử hòa giải viên lao động thực hiện nhiệm vụ giải quyết tranh chấp và hỗ trợ phát triển quan hệ lao động theo phân cấp quản lý; bảo đảm điều kiện làm việc đối với hòa giải viên lao động; đánh giá hoạt động và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của hòa giải viên lao động; thực hiện chế độ bồi dưỡng, thi đua, khen thưởng đối với hòa giải viên lao động theo quy định; thực hiện quản lý hồ sơ hòa giải viên lao động, hồ sơ các vụ việc giải quyết tranh chấp và các tài liệu liên quan khác;
- Chủ trì, phối hợp với đơn vị chuyên môn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho hòa giải viên lao động trên địa bàn;
- Thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác hòa giải lao động theo quy định của pháp luật;
- Hằng năm, tổng hợp tình hình hòa giải lao động báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
(4) Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội:
- Thực hiện quản lý hòa giải viên lao động trên địa bàn cấp huyện theo phân cấp;
- Lập và thực hiện kế hoạch tuyển chọn, bổ nhiệm hòa giải viên lao động hằng năm theo phân cấp;
- Cử hòa giải viên lao động thực hiện nhiệm vụ giải quyết tranh chấp và hỗ trợ phát triển quan hệ lao động theo phân cấp quản lý; bảo đảm điều kiện làm việc cho hòa giải viên lao động; đánh giá hoạt động và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của hòa giải viên lao động, thực hiện chế độ bồi dưỡng, thi đua, khen thưởng đối với hòa giải viên lao động; quản lý, lưu trữ hồ sơ các vụ việc giải quyết tranh chấp và các tài liệu liên quan khác;
- Cử hòa giải viên lao động tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức;
- Hằng năm, tổng hợp tình hình hòa giải lao động trên địa bàn báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.