Hóa đơn liên đỏ (Liên giao cho khách hàng) có dùng làm bản chính để chứng thực được không? Xử phạt hành vi làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập (liên giao cho khách hàng) bị xử phạt như thế nào?
Hóa đơn liên đỏ (liên giao cho khách hàng) có dùng làm bản chính để chứng thực được không?
Căn cứ khoản 2, khoản 5 Điều 2 Nghị định 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch, theo đó:
"Điều 2. Giải thích từ ngữ
...
2. “Chứng thực bản sao từ bản chính” là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định này căn cứ vào bản chính để chứng thực bản sao là đúng với bản chính.
...
5. “Bản chính” là những giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp lần đầu, cấp lại, cấp khi đăng ký lại; những giấy tờ, văn bản do cá nhân tự lập có xác nhận và đóng dấu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền."
Theo Điều 18 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định giấy tờ, văn bản làm cơ sở để chứng thực bản sao từ bản chính phải là:
"Điều 18. Giấy tờ, văn bản làm cơ sở để chứng thực bản sao từ bản chính
1. Bản chính giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp.
2. Bản chính giấy tờ, văn bản do cá nhân tự lập có xác nhận và đóng dấu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền."
Tại Điều 22 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định:
"Điều 22. Bản chính giấy tờ, văn bản không được dùng làm cơ sở để chứng thực bản sao
1. Bản chính bị tẩy xóa, sửa chữa, thêm, bớt nội dung không hợp lệ.
2. Bản chính bị hư hỏng, cũ nát, không xác định được nội dung.
3. Bản chính đóng dấu mật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc không đóng dấu mật nhưng ghi rõ không được sao chụp.
4. Bản chính có nội dung trái pháp luật, đạo đức xã hội; tuyên truyền, kích động chiến tranh, chống chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xuyên tạc lịch sử của dân tộc Việt Nam; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, tổ chức; vi phạm quyền công dân.
5. Bản chính do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp, công chứng hoặc chứng nhận chưa được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định tại Khoản 1 Điều 20 của Nghị định này.
6. Giấy tờ, văn bản do cá nhân tự lập nhưng không có xác nhận và đóng dấu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền."
Căn cứ theo quy định trên, chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc chứng nhận. Hóa đơn không phải là giấy tờ, văn bản do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc chứng nhận nên không thuộc trường hợp chứng thực.
Hóa đơn liên đỏ (Liên giao cho khách hàng) có dùng làm bản chính để chứng thực được không?
Hóa đơn bán hàng dành cho các đối tượng nào?
Căn cứ theo điểm b khoản 2 Điều 3 Thông tư 39/2014/TT-BTC được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 5 Thông tư 119/2014/TT-BTC quy định như sau:
"Điều 3. Loại và hình thức hóa đơn
2. Các loại hóa đơn:
...
b) Hóa đơn bán hàng dùng cho các đối tượng sau đây:
- Tổ chức, cá nhân khai, tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp khi bán hàng hóa, dịch vụ trong nội địa, xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu (mẫu số 3.2 Phụ lục 3 và mẫu số 5.2 Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này).
- Tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ vào nội địa và khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ giữa các tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan với nhau, trên hóa đơn ghi rõ “Dành cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan” (mẫu số 5.3 Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này).
Ví dụ:
- Doanh nghiệp A là doanh nghiệp khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ vừa có hoạt động bán hàng trong nước vừa có hoạt động xuất khẩu ra nước ngoài. Doanh nghiệp A sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng cho hoạt động bán hàng trong nước và không cần lập hóa đơn GTGT cho hoạt động xuất khẩu ra nước ngoài.
- Doanh nghiệp B là doanh nghiệp khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ vừa có hoạt động bán hàng trong nước vừa có hoạt động bán hàng cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan. Doanh nghiệp B sử dụng hóa đơn GTGT cho hoạt động bán hàng trong nước và cho hoạt động bán hàng vào khu phi thuế quan.
- Doanh nghiệp C là doanh nghiệp chế xuất bán hàng vào nội địa và bán hàng hóa ra nước ngoài (ngoài lãnh thổ Việt Nam) thì sử dụng hóa đơn bán hàng khi bán vào nội địa, trên hóa đơn ghi rõ “Dành cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan”; khi bán hàng hóa ra nước ngoài (ngoài lãnh thổ Việt Nam), doanh nghiệp C không cần lập hóa đơn bán hàng.
- Doanh nghiệp D là doanh nghiệp khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp, khi bán hàng hóa, dịch vụ trong nước, cho khu phi thuế quan, doanh nghiệp D sử dụng hóa đơn bán hàng. Khi xuất hàng hóa ra nước ngoài, doanh nghiệp D không cần lập hóa đơn bán hàng."
Theo đó hóa đơn bán hàng dành cho các đối tượng sau đây:
- Tổ chức, cá nhân khai, tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp khi bán hàng hóa, dịch vụ trong nội địa, xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu .
- Tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ vào nội địa và khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ giữa các tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan với nhau, trên hóa đơn ghi rõ “Dành cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan”.
Xử phạt hành vi làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập (liên giao cho khách hàng) bị xử phạt như thế nào?
Theo đó Điều 26 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Nghị định 102/2021/NĐ-CP quy định:
"Điều 26. Xử phạt hành vi làm mất, cháy, hỏng hóa đơn
1. Phạt cảnh cáo đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập (trừ liên giao cho khách hàng) trong quá trình sử dụng, đã kê khai, nộp thuế, có hồ sơ chứng từ chứng minh việc mua bán hàng hóa, dịch vụ và có tình tiết giảm nhẹ;
b) Làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập sai, đã xóa bỏ và người bán đã lập hóa đơn khác thay thế cho hóa đơn lập sai, xóa bỏ này.
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập (liên giao cho khách hàng) trong quá trình sử dụng, người bán đã kê khai, nộp thuế, có hồ sơ, tài liệu, chứng từ chứng minh việc mua bán hàng hóa, dịch vụ và có tình tiết giảm nhẹ.
Trường hợp người mua làm mất, cháy, hỏng hóa đơn phải có biên bản của người bán và người mua ghi nhận sự việc.
“3. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã phát hành, đã mua của cơ quan thuế nhưng chưa lập;
b) Làm mất, cháy, hỏng hoá đơn đã lập (liên giao cho khách hàng) trong quá trình sử dụng, người bán đã kê khai, nộp thuế, có hồ sơ, tài liệu, chứng từ chứng minh việc mua bán hàng hóa, dịch vụ;
Trường hợp người mua làm mất, cháy, hỏng hóa đơn phải có biên bản của người bán và người mua ghi nhận sự việc.
c) Làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập nhưng chưa khai thuế;
Các bên liên quan phải lập biên bản ghi nhận việc mất, cháy, hỏng hóa đơn.
4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập, đã khai thuế trong quá trình sử dụng hoặc trong thời gian lưu trữ, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3 Điều này.”
Như vậy theo quy định trên trường hợp làm mất, cháy, hỏng hoá đơn đã lập (liên giao cho khách hàng) có thể bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng. Mức phạt tiền này đối với cá nhân còn tổ chức gấp đôi.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.