Xử lý thuế đối với trường hợp không tái xuất hàng hóa nhập khẩu theo hình thức tạm nhập - tái xuất như thế nào?
- Doanh nghiệp chế xuất nước ngoài có được tạm nhập khẩu, tái xuất hàng hóa vào Việt Nam hay không?
- Trường hợp nào hàng hóa tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập được miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với hàng hóa?
- Xử lý thuế đối với trường hợp không tái xuất hàng hóa nhập khẩu theo hình thức tạm nhập - tái xuất như thế nào?
Doanh nghiệp chế xuất nước ngoài có được tạm nhập khẩu, tái xuất hàng hóa vào Việt Nam hay không?
Theo Điều 41 Luật Quản lý ngoại thương 2017 quy định các hình thức tạm nhập, tái xuất khác như sau:
"Điều 41. Các hình thức tạm nhập, tái xuất khác
1. Trừ trường hợp kinh doanh tạm nhập, tái xuất quy định tại Điều 39 của Luật này, thương nhân được tạm nhập vào Việt Nam hàng hóa không thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; hàng hóa không thuộc diện tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu theo hợp đồng với nước ngoài để phục vụ mục đích bảo hành, bảo dưỡng, thuê, mượn hoặc để sử dụng vì mục đích khác trong một khoảng thời gian nhất định rồi tái xuất chính hàng hóa đó ra khỏi Việt Nam.
…
3. Thời hạn tạm nhập, tái xuất thực hiện theo thỏa thuận của thương nhân với bên đối tác và đăng ký với cơ quan hải quan nơi làm thủ tục tạm nhập.
4. Hàng hóa tạm nhập, tái xuất khi tiêu thụ nội địa phải thực hiện theo quy định về quản lý nhập khẩu hàng hóa của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan...”.
Đồng thời, căn cứ khoản 1 Điều 57 Luật Quản lý ngoại thương 2017 quy định áp dụng biện pháp quản lý hàng hóa nhập khẩu đối với khu vực hải quan riêng như sau:
"Điều 57. Áp dụng biện pháp quản lý hàng hóa nhập khẩu đối với khu vực hải quan riêng
1. Áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương đối với hàng hóa đưa từ khu vực hải quan riêng vào nội địa như đối với hàng hóa đưa từ nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam.
..."
Căn cứ khoản 1 Điều 30 Nghị định 82/2018/NĐ-CP 2018 của Chính phủ quy định:
“Điều 30. Quy định riêng áp dụng đối với khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất
1. Khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất được áp dụng quy định đối với khu vực hải quan riêng, khu phi thuế quan trừ các quy định riêng áp dụng đối với khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu. Doanh nghiệp chế xuất được quy định trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc trong văn bản của cơ quan đăng ký đầu tư có thẩm quyền trong trường hợp không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Cơ quan đăng ký đầu tư có trách nhiệm lấy ý kiến cơ quan hải quan có thẩm quyền về khả năng đáp ứng điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan trước khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc xác nhận bằng văn bản cho nhà đầu tư.
..."
Như vậy, trường hợp doanh nghiệp chế xuất cho doanh nghiệp nội địa thuê, mượn hàng hóa để phục vụ sản xuất ra sản phẩm cho chính doanh nghiệp chế xuất thì doanh nghiệp chế xuất mở tờ khai tạm xuất, doanh nghiệp nội địa mở tờ khai tạm nhập; sau khi kết thúc hợp đồng thuê, mượn, doanh nghiệp nội địa thực hiện thủ tục tái xuất, doanh nghiệp chế xuất thực hiện thủ tục tái nhập lại số hàng hóa đã cho thuê, mượn để sản xuất hàng hóa xuất khẩu này.
Xử lý thuế đối với trường hợp không tái xuất hàng hóa nhập khẩu theo hình thức tạm nhập - tái xuất
Trường hợp nào hàng hóa tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập được miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với hàng hóa?
Căn cứ khoản 9 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 quy định miễn thuế đối với hàng hóa tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập trong thời hạn nhất định trong các trường hợp sau:
- Hàng hóa tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập để tổ chức hoặc tham dự hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm, sự kiện thể thao, văn hóa, nghệ thuật hoặc các sự kiện khác; máy móc, thiết bị tạm nhập, tái xuất để thử nghiệm, nghiên cứu phát triển sản phẩm; máy móc, thiết bị, dụng cụ nghề nghiệp tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập để phục vụ công việc trong thời hạn nhất định hoặc phục vụ gia công cho thương nhân nước ngoài, trừ trường hợp máy móc, thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển của các tổ chức, cá nhân được phép tạm nhập, tái xuất để thực hiện các dự án đầu tư, thi công xây dựng, lắp đặt công trình, phục vụ sản xuất.
- Máy móc, thiết bị, linh kiện, phụ tùng tạm nhập để thay thế, sửa chữa tàu biển, tàu bay nước ngoài hoặc tạm xuất để thay thế, sửa chữa tàu biển, tàu bay Việt Nam ở nước ngoài; hàng hóa tạm nhập, tái xuất để cung ứng cho tàu biển, tàu bay nước ngoài neo đậu tại cảng Việt Nam.
- Hàng hóa tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập để bảo hành, sửa chữa, thay thế.
- Phương tiện quay vòng theo phương thức tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập để chứa hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
- Hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất trong thời hạn tạm nhập, tái xuất (bao gồm cả thời gian gia hạn) được tổ chức tín dụng bảo lãnh hoặc đã đặt cọc một Khoản tiền tương đương số tiền thuế nhập khẩu của hàng hóa tạm nhập, tái xuất.
Nếu hàng hóa thuộc một trong các trường hợp trên thì doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa đó sẽ được miễn thuế xuất khẩu, nhập khẩu.
Bên cạnh đó, theo điểm đ khoản 1 Điều 19 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 trường hợp người nộp thuế đã nộp thuế đối với máy móc, thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển của các tổ chức, cá nhân được phép tạm nhập, tái xuất, trừ trường hợp đi thuê để thực hiện các dự án đầu tư, thi công xây dựng, lắp đặt công trình, phục vụ sản xuất, khi tái xuất ra nước ngoài hoặc xuất vào khu phi thuế quan thì sẽ được hoàn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Xử lý thuế đối với trường hợp không tái xuất hàng hóa nhập khẩu theo hình thức tạm nhập - tái xuất như thế nào?
Căn cứ Công văn 1400/TCHQ-TXNK ngày 21/04/2022 của Tổng Cục Hải quan thì vấn đề xử lý thuế đối với trường hợp không tái xuất hàng hóa nhập khẩu theo hình thức tạm nhập - tái xuất như sau:
- Căn cứ khoản 5 Điều 25 Nghị định số 08/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 của Chính phủ được sửa đổi, bổ sung tại khoản 12 Điều 1 Nghị định 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 của Chính phủ, quy định hàng hóa tạm nhập - tái xuất đã giải phóng hàng hoặc thông quan nhưng sau đó thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa thì phải khai tờ khai hải quan mới.
- Căn cứ điểm d khoản 1 Điều 21 Thông tư 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 10 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC, quy định: "Hàng hóa thay đổi mục đích sử dụng hoặc chuyển tiêu thụ nội địa, người nộp thuế phải kê khai, nộp đủ tiền thuế, tiền phạt (nếu có) theo quy định”.
- Căn cứ điểm d khoản 2 Điều 21 Thông tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 10 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC, quy định: Trường hợp người nộp thuế thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa nhưng không tự giác kê khai, nộp thuế với cơ quan hải quan, nếu cơ quan hải quan hoặc cơ quan chức năng khác kiểm tra, phát hiện thì người nộp thuế bị ấn định số tiền thuế phải nộp theo tờ khai hải quan hàng hóa nhập khẩu ban đầu, nộp tiền chậm nộp và bị xử lý theo quy định hiện hành.
- Căn cứ khoản 4 Điều 17 Nghị định 126/2020/NĐ-CP ngày 19/1072020 của Chính phủ quy định về các trường hợp cơ quan hải quan thực hiện ấn định thuế.
- Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp doanh nghiệp nội địa thuê, mượn hàng hóa của doanh nghiệp chế xuất theo hợp đồng thuê, mượn để phục vụ sản xuất thì sau khi kết thúc thời hạn thuê, mượn, Công ty phải thực hiện tái xuất số hàng hóa đã thuê, mượn.
Trường hợp doanh nghiệp không thực hiện tái xuất số hàng hóa đã thuê, mượn thì ngay sau khi kết thúc thời hạn thuê, mượn phải đăng ký tờ khai hải quan mới, nộp đủ tiền thuế, tiền phạt (nếu có) theo quy định. Trường hợp không kê khai nộp đủ các loại thuế khi đã kết thúc thời hạn đi thuê, mượn thì cơ quan hải quan thực hiện ấn định thuế theo quy định tại khoản 4 Điều 17 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.