“Xe ghép”, “xe tiện chuyến” hoạt động chở khách nhưng chưa cấp phù hiệu, biển hiệu, đăng ký kinh doanh sẽ bị xử phạt bao nhiêu tiền?
Kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô là gì?
Căn cứ theo quy định tại Điều 3 Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về giải thích từ ngữ theo đó:
“1. Đơn vị kinh doanh vận tải bao gồm: Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
2. Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi.
3. Tuyến cố định là tuyến vận tải hành khách được cơ quan có thẩm quyền công bố, được xác định bởi hành trình, lịch trình, bến xe khách nơi đi, bến xe khách nơi đến (điểm đầu, điểm cuối đối với tuyến xe buýt).
4. Kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định là kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô có xác định bến xe khách nơi đi, bến xe khách nơi đến với lịch trình, hành trình nhất định.”
Theo đó, hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo tuyên cố định là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa theo tuyến do cơ quan có thẩm quyền công bố, được xác định bởi hành trình, lịch trình, bến xe khách nơi đi, bến xe khách nơi đến (điểm đầu, điểm cuối đối với tuyến xe buýt) nhằm mục đích sinh lợi.
Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng xe ô tô chưa được cấp phù hiệu, biển hiệu vi phạm điều kiện kinh doanh vận tải?
Căn cứ theo hướng dẫn tại Công văn 6728/BGTVT-VT năm 2022 hướng dẫn về kiểm tra, xử lý xe vận chuyển hành khách (xe ghép, xe tiện chuyến) không đăng ký kinh doanh theo quy định như sau:
“Trong thời gian gần đây xuất hiện tình trạng “xe ghép”, “xe tiện chuyến” hoạt động chở khách (có thu tiền của hành khách) nhưng phương tiện chưa được cấp phù hiệu, biển hiệu, chưa đăng ký kinh doanh vận tải hành khách theo quy định. Tình trạng này cũng đã được một số cơ quan báo chí, truyền thông phản ánh đưa tin (tại Văn bản số 558/2022/TTĐT ngày 28/6/2022 của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ).
Để tăng cường công tác quản lý, thực hiện đúng quy định, đảm bảo ổn định trật tự vận tải, công bằng, công khai, minh bạch, đồng thời tránh thất thu thuế cho ngân sách Nhà nước, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo:
1. Sở GTVT chủ trì, phối hợp với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trên địa bàn để hướng dẫn và yêu cầu đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, người điều khiển xe ô tô kinh doanh vận tải trên địa bàn thực hiện đúng quy định của:
- Luật Giao thông đường bộ năm 2008; Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
- Pháp luật về quảng cáo trên môi trường mạng (Zalo, facebook...).
2. Lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm: sử dụng xe ô tô để kinh doanh vận tải nhưng chưa đăng ký kinh doanh; sử dụng xe ô tô chưa chuyển đổi biển số sang màu vàng, chưa được cấp phù hiệu, biển hiệu theo quy định của pháp luật để kinh doanh vận tải.”
Như vậy, các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm: sử dụng xe ô tô để kinh doanh vận tải nhưng chưa đăng ký kinh doanh; sử dụng xe ô tô chưa chuyển đổi biển số sang màu vàng, chưa được cấp phù hiệu, biển hiệu theo quy định của pháp luật để kinh doanh vận tải.
“Xe ghép”, “xe tiện chuyến” hoạt động chở khách nhưng chưa cấp phù hiệu, biển hiệu, đăng ký kinh doanh sẽ bị xử phạt bao nhiêu tiền?(Hình từ internet)
Xe ô tô kinh doanh nhưng không đăng ký bị phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ theo quy định tại khoản 7 Điều 28 Nghị định 100/2019 (được sửa đổi bởi điểm r khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô mà không có Giấy phép kinh doanh vận tải như sau:
“Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 20.000.000 đồng đến 24.000.000 đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô mà không có Giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định.
b) Thực hiện không đúng hình thức kinh doanh đã đăng ký trong Giấy phép kinh doanh vận tải;
c) Thành lập điểm giao dịch đón, trả khách trái phép (bến dù, bến cóc);
d) Bến xe không thực hiện quy trình đảm bảo an toàn giao thông cho xe ra, vào bến hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ quy trình đảm bảo an toàn giao thông cho xe ra, vào bến;
đ) Không tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho lái xe theo quy định hoặc có tổ chức khám nhưng không đầy đủ các nội dung theo quy định;
e) Không thực hiện việc cung cấp các thông tin trên Lệnh vận chuyển của từng chuyến xe buýt, xe chạy tuyến cố định theo quy định;
…”
Theo đó, trong trường hợp kinh doanh vận tải bằng xe ô tô mà không có Giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định thì sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 20.000.000 đồng đến 24.000.000 đồng đối với tổ chức.
Như vậy, cá nhân thực hiện tình trạng “xe ghép”, “xe tiện chuyến” để kinh doanh vận tải nhưng chưa đăng ký kinh doanh có thể bị xử phạt tiền đến 12.000.000 đồng, đối với tổ chức có thể bị xử phạt từ 20.000.000 đồng đến 24.000.000 đồng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.