Xác định tỷ lệ quyền đăng ký đối với giống cây trồng có phần đóng góp của ngân sách nhà nước như thế nào?
Đăng ký quyền đối với giống cây trồng được quy định như thế nào theo quy định của pháp luật hiện hành?
Căn cứ theo quy định tại Điều 164 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được hướng dẫn bởi Điều 6, Điều 7 Nghị định 88/2010/NĐ-CP quy định về đăng ký quyền đối với giống cây trồng như sau:
- Để được bảo hộ quyền đối với giống cây trồng, tổ chức, cá nhân phải thực hiện việc nộp đơn đăng ký bảo hộ cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng.
- Tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký bảo hộ giống cây trồng (sau đây gọi là người đăng ký) bao gồm:
+ Tác giả trực tiếp chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng bằng công sức và chi phí của mình;
+ Tổ chức, cá nhân đầu tư cho tác giả chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng dưới hình thức giao việc, thuê việc, trừ trường hợp có thoả thuận khác;
+ Tổ chức, cá nhân được chuyển giao, thừa kế, kế thừa quyền đăng ký bảo hộ giống cây trồng.
- Giống cây trồng được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển do sử dụng ngân sách nhà nước hoặc từ dự án do Nhà nước quản lý thì quyền đối với giống cây trồng đó thuộc về Nhà nước. Chính phủ quy định cụ thể việc đăng ký quyền đối với giống cây trồng quy định tại khoản này.
Điều 7 Nghị định 88/2010/NĐ-CP hướng dẫn về trách nhiệm của chủ đơn và đại diện của chủ đơn đăng ký quyền đối với giống cây trồng như sau:
- Người nộp đơn có trách nhiệm bảo đảm sự trung thực của các thông tin, tài liệu cung cấp cho cơ quan bảo hộ giống cây trồng trong quá trình đăng ký bảo hộ quyền đối với giống cây trồng:
+ Mọi tài liệu giao dịch phải được chủ đơn tự xác nhận bằng chữ ký của mình hoặc của đại diện, được đóng dấu xác nhận của tổ chức (nếu có);
+ Mọi bản dịch ra tiếng Việt của các tài liệu tiếng nước ngoài phải bảo đảm là dịch nguyên văn từ bản gốc;
- Chủ đơn phải chịu trách nhiệm về mọi hậu quả và nghĩa vụ phát sinh do đại diện của chủ đơn thực hiện trong giao dịch với cơ quan bảo hộ giống cây trồng.
- Đại diện của chủ đơn phải chịu trách nhiệm trước chủ đơn về mọi hậu quả do việc khai báo, cung cấp thông tin không trung thực gây ra trong giao dịch với cơ quan bảo hộ giống cây trồng, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Điều 6 Nghị định 88/2010/NĐ-CP hướng dẫn về đăng ký bảo hộ quyền đối với giống cây trồng được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển bằng ngân sách nhà nước như sau:
- Giống cây trồng được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển toàn bộ bằng ngân sách nhà nước thì tổ chức trực tiếp chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng đó được Nhà nước giao quyền chủ sở hữu; là chủ đơn đăng ký bảo hộ quyền đối với giống cây trồng và được thực hiện quyền của chủ bằng bảo hộ quy định tại Điều 186 Luật Sở hữu trí tuệ.
- Giống cây trồng được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển bằng nhiều nguồn vốn, trong đó có một phần từ ngân sách nhà nước thì tổ chức được Nhà nước giao sử dụng vốn trực tiếp tham gia chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng đó được giao quyền chủ sở hữu đối với phần vốn nhà nước và thực hiện quyền nộp đơn đăng ký bảo hộ tương ứng với tỷ lệ góp vốn của Nhà nước.
Đăng ký quyền đối với giống cây trồng được quy định như thế nào theo Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022?
Căn cứ theo quy định tại khoản 66 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 sửa đổi, bổ sung về đăng ký quyền đối với giống cây trồng như sau:
- Để được bảo hộ quyền đối với giống cây trồng, tổ chức, cá nhân phải thực hiện việc nộp đơn đăng ký bảo hộ cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng.
- Tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký bảo hộ giống cây trồng (sau đây gọi là người đăng ký) bao gồm:
+ Tác giả trực tiếp chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng bằng công sức và chi phí của mình;
+ Tổ chức, cá nhân đầu tư cho tác giả chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng dưới hình thức giao việc, thuê việc, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này;
+ Tổ chức, cá nhân được chuyển giao, thừa kế, kế thừa quyền đăng ký bảo hộ giống cây trồng.
- Đối với giống cây trồng được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước, quyền đăng ký giống cây trồng được giao cho tổ chức chủ trì nhiệm vụ đó một cách tự động và không bồi hoàn.
- Đối với giống cây trồng được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn, trong đó có một phần ngân sách nhà nước, phần quyền đăng ký đối với giống cây trồng tương ứng với tỷ lệ phần ngân sách nhà nước được giao cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn.
Xác định tỷ lệ quyền đăng ký đối với giống cây trồng có phần đóng góp của ngân sách nhà nước như thế nào? (Hình từ internet)
Điểm mới đối với hoạt động đăng ký quyền đối với giống cây trồng được bổ sung tại Luật mới?
Theo đó, luật mới đã sửa đổi trường hợp tổ chức, cá nhân đầu tư cho tác giả chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng dưới hình thức giao việc, thuê việc, trừ trường hợp có thoả thuận khác thuộc trường hợp có quyền đăng ký bảo hộ giống cây trồng thành tổ chức, cá nhân đầu tư cho tác giả chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng dưới hình thức giao việc, thuê việc, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này.
Như vậy, Đối với giống cây trồng được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn, trong đó có một phần ngân sách nhà nước, phần quyền đăng ký đối với giống cây trồng tương ứng với tỷ lệ phần ngân sách nhà nước được giao cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn.
Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 có hiệu lực từ 01/01/2023.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.