Vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe cứu thương sẽ bị phạt tiền nếu không chứng minh được hành vi thực hiện trong tình thế cấp thiết đúng không?

Vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe cứu thương sẽ bị phạt tiền nếu không chứng minh được hành vi thực hiện trong tình thế cấp thiết đúng không? bạn Vĩ Khang - Đồng Tháp

Quyền ưu tiên của một số loại xe như thế nào?

Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định:

Quyền ưu tiên của một số loại xe
1. Những xe sau đây được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới theo thứ tự:
a) Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ;
b) Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường;
c) Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu;
d) Xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật;
đ) Đoàn xe tang.
2. Xe quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này khi đi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định; không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông.
Chính phủ quy định cụ thể tín hiệu của xe được quyền ưu tiên.
3. Khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên.

Như vậy, xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu là một trong năm loại xe được quyền ưu tiên khi tham gia giao thông.

Và khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên trên tuyến đường di chuyển, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường, không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên.

vượt đèn đỏ

Hành động vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe cứu thương, có phải sẽ bị phạt tiền khi không chứng minh hành vi là cấp thiết? (Hình từ internet)

Trường hợp nào không xử phạt vi phạm hành chính?

Căn cứ tại khoản 1 Điều 11 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định

Những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính
Không xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp sau đây:
1. Thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết;
2. Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do phòng vệ chính đáng;
3. Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất ngờ;
4. Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất khả kháng;
5. Người thực hiện hành vi vi phạm hành chính không có năng lực trách nhiệm hành chính; người thực hiện hành vi vi phạm hành chính chưa đủ tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 của Luật này.

Như vậy, theo quy định trên, trường hợp thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết thì không bị xử phạt vi phạm hành chính.

Tình thế cấp thiết được hiểu là tình thế của cá nhân, tổ chức vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa lợi ích của nhà nước, của tổ chức, quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.

Hành động vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe cứu thương sẽ bị phạt tiền khi không chứng minh được tình thế cấp thiết đúng không?

Căn cứ theo Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định:

Nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính
1. Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:
a) Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật;
b) Việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật;
c) Việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng;
d) Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định.
Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần.
Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt về hành vi vi phạm hành chính đó.
Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp hành vi vi phạm hành chính nhiều lần được Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng;
đ) Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính;
e) Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Từ quy định trên, có thể thấy rằng cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính trong trường hợp vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe cứu thương.

Như vậy, trường hợp vượt đèn đỏ thì người điều khiển phương tiện đã có hành vi vi phạm “không chấp hành hiệu lệnh của đèn giao thông”, nhưng đây là vượt đèn đỏ trong tình trạng cấp thiết để cho xe cứu thương đi làm nhiệm vụ thì có thể sẽ không bị xử phạt.

Tuy vậy, người điều khiển phương tiện vi phạm hoặc người đại diện hợp pháp của người người điều khiển phương tiện đó phải chứng minh được việc không chấp hành tín hiệu của đèn giao thông là trong trường hợp cấp thiết để nhường đường cho xe cứu thương đi làm nhiệm vụ cấp cứu người bệnh và quá trình nhường đường phải đảm bảo an toàn cho các phương tiện đang lưu thông trên đường.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

854 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào