Việc từ chối cung cấp thông tin khi Thừa phát lại thực hiện xác minh điều kiện thi hành án có buộc phải thể hiện bằng văn bản không?
- Việc từ chối cung cấp thông tin khi Thừa phát lại thực hiện xác minh điều kiện thi hành án có buộc phải thể hiện bằng văn bản không?
- Vi phạm về bảo mật thông tin xác minh điều kiện thi hành án thì bị xử lý như thế nào?
- Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xác minh điều kiện thi hành án thực hiện phối hợp như thế nào?
- Thực hiện ủy quyền xác minh điều kiện thi hành án như thế nào thì đúng luật?
Việc từ chối cung cấp thông tin khi Thừa phát lại thực hiện xác minh điều kiện thi hành án có buộc phải thể hiện bằng văn bản không?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 46 Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định như sau:
Từ chối cung cấp thông tin
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền từ chối cung cấp thông tin trong các trường hợp sau đây:
a) Vụ việc không thuộc thẩm quyền xác minh của Thừa phát lại;
b) Đề nghị cung cấp thông tin về cơ quan, tổ chức, cá nhân không phải là người có nghĩa vụ thi hành án thuộc thẩm quyền xác minh của Thừa phát lại;
c) Hồ sơ đề nghị cung cấp không đủ các tài liệu quy định tại Điều 45 của Nghị định này;
d) Các thông tin tài liệu thuộc phạm vi bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật có liên quan.
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân từ chối cung cấp thông tin phải trả lời bằng văn bản có nêu rõ lý do.
Như vậy theo quy định trên, việc từ chối cung cấp thông tin khi Thừa phát lại thực hiện xác minh điều kiện thi hành án buộc phải thể hiện bằng văn bản đồng thời nêu rõ lý do.
Việc từ chối cung cấp thông tin khi Thừa phát lại thực hiện xác minh điều kiện thi hành án có buộc phải thể hiện bằng văn bản không? (Hình từ Internet)
Vi phạm về bảo mật thông tin xác minh điều kiện thi hành án thì bị xử lý như thế nào?
Căn cứ tại khoản 3 Điều 47 Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định như sau:
Bảo mật thông tin xác minh điều kiện thi hành án
1. Thông tin xác minh điều kiện thi hành án chỉ được sử dụng cho mục đích thi hành bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật và được bảo quản theo chế độ mật theo quy định của pháp luật.
2. Thừa phát lại, Văn phòng Thừa phát lại, người yêu cầu và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm bảo mật thông tin được cung cấp.
3. Cá nhân, cơ quan, tổ chức có hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, 2 Điều này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bồi thường thiệt hại (nếu có) theo quy định của pháp luật.
Như vậy theo quy định trên khi vi phạm về bảo mật thông tin xác minh điều kiện thi hành án thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bồi thường thiệt hại (nếu có) theo quy định của pháp luật.
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xác minh điều kiện thi hành án thực hiện phối hợp như thế nào?
Căn cứ tại Điều 50 Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xác minh điều kiện thi hành án thực hiện phối hợp như sau:
- Công chức tư pháp - hộ tịch, địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường, cán bộ, công chức cấp xã khác, cơ quan bảo hiểm xã hội, tổ chức tín dụng, cơ quan đăng ký đất đai, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm, tổ chức hành nghề công chứng và các cá nhân, cơ quan, tổ chức khác đang nắm giữ thông tin hoặc quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án phối hợp, hỗ trợ Thừa phát lại trong xác minh điều kiện thi hành án; phối hợp cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án và chịu trách nhiệm về các nội dung thông tin đã cung cấp.
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân đang nắm giữ thông tin hoặc quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án ký vào biên bản khi Thừa phát lại xác minh trực tiếp hoặc cung cấp thông tin bằng văn bản theo đề nghị của Thừa phát lại trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị, trường hợp từ chối cung cấp phải trả lời bằng văn bản có nêu rõ lý do.
Lưu ý: Văn bản cung cấp thông tin bao gồm các nội dung sau đây: Thời điểm cung cấp thông tin; nội dung thông tin cung cấp theo đề nghị trong phạm vi, thẩm quyền của Thừa phát lại quy định tại Nghị định này.
- Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin sai sự thật về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, thanh toán các chi phí phát sinh, bồi thường thiệt hại (nếu có) theo quy định của pháp luật.
Thực hiện ủy quyền xác minh điều kiện thi hành án như thế nào thì đúng luật?
Căn cứ tại Điều 49 Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định việc ủy quyền xác minh điều kiện thi hành án như sau:
- Văn phòng Thừa phát lại có thể ủy quyền một phần hoặc toàn bộ nội dung công việc theo hợp đồng dịch vụ xác minh điều kiện thi hành án cho Văn phòng Thừa phát lại khác thực hiện, nếu người yêu cầu đồng ý.
- Việc ủy quyền giữa các Văn phòng Thừa phát lại phải được thể hiện bằng văn bản và có các nội dung sau đây: Thông tin của các Văn phòng Thừa phát lại; thông tin về người yêu cầu xác minh, nội dung xác minh theo hợp đồng dịch vụ đã ký kết; nội dung ủy quyền, các nội dung đã thực hiện (nếu có), nội dung tiếp tục xác minh, thù lao ủy quyền và các thỏa thuận khác (nếu có).
Lưu ý: Việc ủy quyền phải được thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện nơi Văn phòng Thừa phát lại ủy quyền, Văn phòng Thừa phát lại nhận ủy quyền đặt trụ sở để thực hiện việc kiểm sát theo quy định của pháp luật.
- Văn phòng Thừa phát lại nhận ủy quyền thực hiện việc xác minh theo quy định của Nghị định 08/2020/NĐ-CP và pháp luật thi hành án dân sự.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.