Việc quản lý tài khoản, tài sản ký quỹ của nhà đầu tư được quy định như thế nào? Cơ quan nào có thẩm quyền cấp mã số định danh cho nhà đầu tư?
Việc quản lý tài khoản, tài sản ký quỹ của nhà đầu tư được quy định như thế nào?
Căn cứ tại Điều 34 Nghị định 158/2020/NĐ-CP quy định việc quản lý tài khoản, tài sản ký quỹ của nhà đầu tư như sau:
- Nhà đầu tư phải ký quỹ đầy đủ và kịp thời cho thành viên bù trừ theo các điều khoản của hợp đồng mở tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh. Tài sản ký quỹ phải nằm trong danh mục tài sản được thành viên bù trừ chấp nhận ký quỹ.
- Hàng ngày và trong các phiên giao dịch có giá chứng khoán biến động mạnh, thành viên bù trừ tính toán lãi lỗ vị thế, đánh giá lại giá trị tài sản ký quỹ, bảo đảm nhà đầu tư luôn duy trì ký quỹ theo thỏa thuận tại hợp đồng và phù hợp với quy định của pháp luật.
- Nhà đầu tư có trách nhiệm bổ sung ký quỹ theo yêu cầu của thành viên bù trừ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Trường hợp nhà đầu tư không bổ sung đầy đủ, kịp thời ký quỹ theo yêu cầu, thành viên bù trừ có quyền thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 31 Nghị định nay. Trường hợp giá trị tài sản ký quỹ của nhà đầu tư lớn hơn mức ký quỹ theo yêu cầu của thành viên bù trừ, nhà đầu tư được rút bớt tài sản ký quỹ.
- Thành viên bù trừ phải quản lý tách biệt tài khoản và tài sản ký quỹ tới từng nhà đầu tư; tách biệt với tài khoản và tài sản ký quỹ của chính thành viên bù trừ theo nguyên tắc sau:
+ Trường hợp tài sản ký quỹ là tiền, thành viên bù trừ phải mở tài khoản tiền gửi tại ngân hàng, quản lý tách biệt tiền gửi ký quỹ của từng nhà đầu tư. Thành viên bù trừ có trách nhiệm phối hợp với ngân hàng và yêu cầu ngân hàng cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác về số dư tiền trên tài khoản của nhà đầu tư;
+ Trường hợp tài sản ký quỹ là chứng khoán, thành viên bù trừ quản lý tài sản này trên tài khoản lưu ký của nhà đầu tư tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
- Trường hợp thành viên bù trừ bị phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản, tài sản ký quỹ của nhà đầu tư không phải là tài sản của thành viên bù trừ và không được sử dụng để xử lý theo quy định của pháp luật về phá sản, không được phân chia cho các chủ nợ của thành viên bù trừ hoặc phân chia cho các cổ đông, thành viên góp vốn của công ty dưới mọi hình thức. Tài sản này chỉ được sử dụng để thanh toán, bảo đảm thanh toán đối với nghĩa vụ phát sinh từ vị thế mở của nhà đầu tư. Phần tài sản còn lại sau khi đã hoàn tất nghĩa vụ thanh toán của nhà đầu tư thì phải được hoàn trả ngay cho nhà đầu tư.
- Hoạt động quản lý tài khoản và tài sản ký quỹ của nhà đầu tư thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Việc quản lý tài khoản, tài sản ký quỹ của nhà đầu tư được quy định như thế nào? Cơ quan nào có thẩm quyền cấp mã số định danh cho nhà đầu tư? (Hình từ Internet)
Cơ quan nào có thẩm quyền cấp mã số định danh cho nhà đầu tư?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 36 Nghị định 158/2020/NĐ-CP quy định như sau:
Phối hợp giữa Sở giao dịch chứng khoán và Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam
Trong phạm vi hoạt động của mình, Sở giao dịch chứng khoán và Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam phối hợp thực hiện:
1. Hướng dẫn các nội dung về chứng khoán phái sinh niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định này.
2. Cấp mã số định danh cho nhà đầu tư, mã giao dịch, mã ISIN cho chứng khoán phái sinh.
3. Phối hợp xử lý trong trường hợp công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bị đình chỉ giao dịch, hủy bỏ tư cách thành viên giao dịch, thành viên giao dịch đặc biệt của Sở giao dịch chứng khoán hoặc bị đình chỉ hoạt động bù trừ thanh toán chứng khoán phái sinh, hủy bỏ tư cách thành viên bù trừ tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
4. Thiết lập, quản lý giới hạn vị thế, xác định các loại giá thanh toán, chia sẻ thông tin và thực hiện công tác giám sát, các hoạt động khác khi cần thiết.
Như vậy theo quy định trên việc cấp mã số định danh cho nhà đầu thuộc thẩm quyền của Sở giao dịch chứng khoán và Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
Sở giao dịch chứng khoán áp dụng những biện pháp nào để ổn định thị trường và bảo vệ nhà đầu tư?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 21 Nghị định 158/2020/NĐ-CP quy định như sau:
Các biện pháp ổn định thị trường
1. Sở giao dịch chứng khoán áp dụng một hoặc một số biện pháp dưới đây để ổn định thị trường và bảo vệ nhà đầu tư theo quy chế của Sở giao dịch chứng khoán:
a) Thay đổi số phiên giao dịch, thời gian giao dịch;
b) Áp dụng, điều chỉnh giới hạn lệnh;
c) Áp dụng biên độ dao động giá, ngắt mạch thị trường;
d) Hạn chế mở vị thế mới;
đ) Dừng hoặc hủy bỏ các lệnh giao dịch.
2. Sở giao dịch chứng khoán được tạm ngừng, đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoặc khôi phục hoạt động giao dịch chứng khoán phái sinh sau khi có sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Như vậy theo quy định trên Sở giao dịch chứng khoán áp dụng những biện pháp sau để ổn định thị trường và bảo vệ nhà đầu tư:
- Thay đổi số phiên giao dịch, thời gian giao dịch;
- Áp dụng, điều chỉnh giới hạn lệnh;
- Áp dụng biên độ dao động giá, ngắt mạch thị trường;
- Hạn chế mở vị thế mới;
- Dừng hoặc hủy bỏ các lệnh giao dịch.
>>> Xem thêm: Tổng hợp quy định về nhà đầu tư Tải
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.