Vẫn phải mang theo giấy phép lái xe khi đã xác thực trên VNeID? Ủy quyền cho người khác đi nộp phạt vi phạm giao thông hộ được không?
Vẫn phải mang theo giấy phép lái xe khi đã xác thực trên VNeID?
Căn cứ theo khoản 13 Điều 33 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT được sửa đổi bởi điểm a khoản 24 Điều 4 Thông tư 05/2024/TT-BGTVT quy định về sử dụng và quản lý giấy phép lái xe như sau:
Sử dụng và quản lý giấy phép lái xe
...
13. Giấy phép lái xe bằng vật liệu PET. hợp lệ là giấy phép lái xe do cơ quan có thẩm quyền cấp, có số phôi, ngày cấp, ngày hết hạn in trên giấy phép lái xe trùng với số phôi, ngày cấp, ngày hết hạn trong hệ thống thông tin quản lý giấy phép lái xe hoặc có thông tin giấy phép lái xe đã được xác thực trên VneID.
Như vậy, tại Thông tư 05/2024/TT-BGTVT, việc bổ sung này quy định thêm trường hợp bằng lái xe hợp lệ là bằng lái có thông tin đã được xác thực trên VNeID chứ không phải người có bằng lái đã đồng bộ thông tin trên VNeID không phải mang theo bằng lái xe.
Bên cạnh đó, căn cứ tại điểm d khoản 1 Điều 56 Dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ có quy định:
Điều kiện của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ
1. Người lái xe tham gia giao thông đường bộ phải có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe đang điều khiển, trừ người lái xe gắn máy quy định tại khoản 3 Điều này. Khi tham gia giao thông, người lái xe phải mang theo các giấy tờ sau:
...
d) Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Trường hợp thông tin của các loại giấy tờ trên đã được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử thì không phải mang theo.
Như vậy, nếu dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được Quốc hội thông qua, thì khi Luật này có hiệu lực, người dân mới có thể sử dụng giấy tờ xe trên VNeID thay cho giấy tờ bản giấy truyền thống.
Vẫn phải mang theo giấy phép lái xe khi đã xác thực trên VNeID? Ủy quyền cho người khác đi nộp phạt vi phạm giao thông hộ được không? (Hình ảnh Internet)
Ủy quyền cho người khác đi nộp phạt vi phạm giao thông hộ được không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 138 Bộ luật Dân sự 2015 về đại diện theo ủy quyền như sau:
Đại diện theo ủy quyền
1. Cá nhân, pháp nhân có thể uỷ quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.
2. Các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân có thể thỏa thuận cử cá nhân, pháp nhân khác đại diện theo ủy quyền xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung của các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân.
3. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể là người đại diện theo ủy quyền, trừ trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải do người từ đủ mười tám tuổi trở lên xác lập, thực hiện.
Như vậy, theo quy định của pháp luật, cá nhân có thể ủy quyền cho người khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.
Việc ủy quyền nộp phạt vi phạm về an toàn giao thông là một giao dịch dân sự thông thường. Người vi phạm hoàn toàn có thể ủy quyền cho người khác thực hiện việc nộp tiền phạt.
Mức phạt tiền đối với người điều khiển xe ô tô tham gia giao thông mà quên mang giấy phép lái xe là bao nhiêu?
Căn cứ tại điểm a khoản 3 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP, cụ thể việc xử phạt khi quên mang giấy tờ xe đối với ô tônhư sau:
Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới
...
3. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không mang theo Giấy phép lái xe, trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 8 Điều này;
Như vậy, theo quy định nêu trên thì người điều khiển xe ô tô không mang theo Giấy phép lái xe (bằng lái xe) khi tham gia giao thông có thể bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.