Vận động đối tác phát triển sử dụng nguồn vốn ODA, huy động nguồn hợp pháp khác để hỗ trợ tổ chức kinh tế hợp tác, hợp tác xã chuyển đổi số như thế nào?
- Nguồn vốn ODA là gì? Phân loại vốn ODA như thế nào?
- Chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã được thực hiện theo quan điểm như thế nào?
- Vận động đối tác phát triển sử dụng nguồn vốn ODA, huy động nguồn hợp pháp khác để hỗ trợ tổ chức kinh tế hợp tác, hợp tác xã chuyển đổi số như thế nào?
Mới đây ngày 03/6/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Chỉ thị 19/CT-TTg năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã.
Nguồn vốn ODA là gì? Phân loại vốn ODA như thế nào?
Căn cứ Điều 1, khoản 19 Điều 3 Nghị định 114/2021/NĐ-CP, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) là nguồn vốn của nhà tài trợ nước ngoài cung cấp cho Nhà nước hoặc Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để hỗ trợ phát triển, bảo đảm phúc lợi và an sinh xã hội.
Căn cứ khoản 19 Điều 3 Nghị định 114/2021/NĐ-CP, nguồn vốn ODA bao gồm các loại sau:
- Vốn ODA không hoàn lại là khoản vốn ODA không phải hoàn trả lại cho nhà tài trợ nước ngoài, được cung cấp theo hình thức dự án độc lập hoặc kết hợp với các dự án đầu tư sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài.
- Vốn vay ODA là khoản vay nước ngoài có thành tố ưu đãi đạt ít nhất 35% đối với khoản vay có điều kiện ràng buộc liên quan đến mua sắm hàng hóa và dịch vụ theo quy định của nhà tài trợ nước ngoài hoặc đạt ít nhất 25% đối với khoản vay không có điều kiện ràng buộc.
Phương pháp tính thành tố ưu đãi nêu tại Phụ lục I kèm theo Nghị định 114/2021/NĐ-CP.
Vận động đối tác phát triển sử dụng nguồn vốn ODA, huy động nguồn hợp pháp khác để hỗ trợ tổ chức kinh tế hợp tác, hợp tác xã chuyển đổi số? (Hình từ internet)
Chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã được thực hiện theo quan điểm như thế nào?
Tại Chỉ thị 19/CT-TTg năm 2023 nhấn mạnh:
- Chuyển đổi số là yêu cầu thực tiễn khách quan của sự phát triển đối với mọi thành phần kinh tế, trong đó có khu vực kinh tế tập thể.
- Chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã gắn kết chặt chẽ với các chiến lược, chính sách về chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, định hướng phát triển kinh tế số và chuyển đổi số quốc gia;
- Thực hiện mạnh mẽ xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và nền tảng số phục vụ cho chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã sử dụng tài nguyên thông tin, dữ liệu thiết thực, hiệu quả, có tính kết nối, liên thông cao.
Vận động đối tác phát triển sử dụng nguồn vốn ODA, huy động nguồn hợp pháp khác để hỗ trợ tổ chức kinh tế hợp tác, hợp tác xã chuyển đổi số như thế nào?
Căn cứ nội dung Chỉ thị 19/CT-TTg năm 2023 cho hay:
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, trong đó:
- Khẩn trương triển khai xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác có hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về kinh tế tập thể, liên thông với hệ thống đăng ký kinh doanh, thuế và các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành khác; xây dựng một số nền tảng số để phục vụ, hỗ trợ cho hợp tác xã về thông tin thị trường, khoa học công nghệ; trao đổi, tư vấn pháp luật, chính sách; đào tạo; sàn giao dịch điện tử; hợp tác quốc tế...
- Tiếp tục phối hợp với các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan có liên quan chỉnh lý, hoàn thiện hồ sư Dự án Luật Hợp tác xã sửa đổi và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, đặc biệt nội dung chuyển đổi số phải là một nội dung cốt lõi, làm nền tảng; bổ sung cơ chế được sử dụng ngân sách nhà nước hỗ trợ chuyển đổi số cho hợp tác xã tại Dự án Luật.
- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan vận động các đối tác phát triển sử dụng vốn ODA và huy động các nguồn hợp pháp khác để hỗ trợ các tổ chức kinh tế hợp tác, hợp tác xã chuyển đổi số, trong đó lưu ý các nội dung:
+ Có các cơ chế đặc thù cho hợp tác xã theo tinh thần Nghị quyết 20-NQ/TW năm 2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới;
+ Xây dựng và phát triển một số nền tảng cơ sở dữ liệu dùng chung và bước đầu miễn phí;
+ Đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý hợp tác xã về chuyển đổi số, đào tạo kỹ năng số cho thành viên và người lao động trong hợp tác xã;
+ Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm áp dụng công nghệ hiện đại từ đầu vào đến đầu ra của sản phẩm.
- Triển khai hình thức đào tạo trực tuyến theo quy định tại Chương trình hỗ trợ, phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2025 được phê duyệt tại Quyết định 1804/QĐ-TTg năm 2020.
- Đẩy mạnh công tác truyền thông với nhiều hình thức đa dạng về chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã và kết quả của Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2022.
Như vậy, vận động đối tác phát triển sử dụng nguồn vốn ODA, huy động nguồn hợp pháp khác để hỗ trợ tổ chức kinh tế hợp tác, hợp tác xã chuyển đổi số được Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện tại Chỉ thị mới ban hành.
Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính thực hiện nhiệm vụ:
- Cân đối, bố trí kinh phí thường xuyên từ nguồn ngân sách trung ương để thực hiện các chính sách hỗ trợ hợp tác xã theo Chương trình hỗ trợ, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định 1804/QĐ-TTg năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Và Đề nghị các tổ chức kinh tế hợp tác, hợp tác xã
- Chủ động thực hiện điều chỉnh phương thức hoạt động quản lý, sản xuất - kinh doanh, chuyển đổi số mạnh mẽ để tồn tại và phát triển.
- Tăng cường năng lực quản trị hợp tác xã theo hướng công khai, minh bạch, chủ động, thích ứng với bối cảnh, xu hướng phát triển mới; tích cực học hỏi kinh nghiệm, mô hình chuyển đổi số thành công, hiệu quả.
Xem chi tiết toàn văn Chỉ thị 19/CT-TTg năm 2023
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.