Từ ngày 25/12/2024, người dưới 18 tuổi không được chơi game quá 180 phút/ngày có đúng không?
Từ ngày 25/12/2024, người dưới 18 tuổi không được chơi game quá 180 phút/ngày có đúng không?
Căn cứ điểm e khoản 1 Điều 39 Nghị định 147/2024/NĐ-CP quy định về thời gian chơi game của người dưới 18 tuổi như sau:
Cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng
...
e) Có hệ thống thiết bị kỹ thuật bảo đảm quản lý thời gian chơi trong ngày (từ 00h00 đến 24h00) của người chơi dưới 18 tuổi không quá 60 phút đối với từng trò chơi nhưng không quá 180 phút một ngày đối với tất cả trò chơi dành cho người chơi dưới 18 tuổi do doanh nghiệp cung cấp;
Bên cạnh đó, tại Điều 48 Nghị định 147/2024/NĐ-CP quy định như sau:
Cấp Giấy chứng nhận cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng
1. Doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận cung cấp trò chơi G2, G3, G4 trên mạng khi đáp ứng các điều kiện sau:
...
e) Có hệ thống thiết bị kỹ thuật bảo đảm quản lý thời gian chơi trong ngày (từ 00h00 đến 24h00) của người chơi dưới 18 tuổi không quá 60 phút đối với từng trò chơi nhưng không quá 180 phút một ngày đối với tất cả trò chơi dành cho người chơi dưới 18 tuổi do doanh nghiệp cung cấp;
g) Có hệ thống thiết bị kỹ thuật bảo đảm hiển thị liên tục kết quả phân loại trò chơi theo độ tuổi đối với tất cả các trò chơi do doanh nghiệp cung cấp khi giới thiệu, quảng cáo trò chơi và khi cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng; có thông tin khuyến cáo với nội dung “Chơi quá 180 phút một ngày sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe” tại vị trí dễ nhận biết ở diễn đàn của trò chơi (nếu có) và trên màn hình thiết bị của người chơi theo tần suất 30 phút/lần trong quá trình chơi;
...
Như vậy, từ ngày 25/12/2024, đối với người dưới 18 tuổi chơi game không quá 60 phút đối với từng trò chơi nhưng không quá 180 phút một ngày đối với tất cả trò chơi dành cho người chơi dưới 18 tuổi do doanh nghiệp cung cấp.
Theo đó, mỗi tài khoản chơi game dành cho người dưới 18 tuổi chỉ được phép chơi một trò chơi tối đa 60 phút/ngày và tổng thời gian chơi của tất cả các trò chơi không được vượt quá 180 phút. |
Quy định này được đưa ra nhằm giảm thiểu thời gian chơi game của người dưới 18 tuổi không được chơi game quá 180 phút mỗi ngày, nhằm bảo vệ sức khỏe và cân bằng giữa học tập và giải trí. Việc giới hạn này khiến nhiều phụ huynh và nhà giáo dục quan tâm, vì nó giúp kiểm soát thời lượng chơi game của người dưới 18 tuổi không được chơi game quá 180 phút trong một ngày.
Từ ngày 25/12/2024, người dưới 18 tuổi không được chơi game quá 180 phút/ngày có đúng không? (Hình ảnh Internet)
Phân trò chơi điện tử trên mạng thành mấy loại?
Căn cứ khoản 1 Điều 37 Nghị định 147/2024/NĐ-CP quy định trò chơi điện tử trên mạng được phân thành loại như sau:
Nguyên tắc quản lý trò chơi điện tử trên mạng
1. Trò chơi điện tử trên mạng được phân loại như sau:
a) Trò chơi điện tử có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau đồng thời thông qua hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp (gọi tắt là trò chơi G1);
b) Trò chơi điện tử chỉ có sự tương tác giữa người chơi với hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp (gọi tắt là trò chơi G2);
c) Trò chơi điện tử có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau nhưng không có sự tương tác giữa người chơi với hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp (gọi tắt là trò chơi G3);
d) Trò chơi điện tử được tải về qua mạng, không có sự tương tác giữa người chơi với nhau và giữa người chơi với hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp (gọi tắt là trò chơi G4);
đ) Đối với các thể loại trò chơi điện tử trên mạng mới phát sinh không thuộc quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, điểm d khoản này, Bộ Thông tin và Truyền thông tham mưu, đề xuất biện pháp quản lý trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Như vậy, trò chơi điện tử trên mạng sẽ được phần thành 04 loại gồm: Trò chơi G1; Trò chơi G2; Trò chơi G3; Trò chơi G4.
Trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng từ 25/12/2024 ra sao?
Căn cứ Điều 54 Nghị định 147/2024/NĐ-CP quy định về doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng có trách nhiệm sau:
(1) Có ít nhất 01 hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam để phục vụ thanh tra, kiểm tra, lưu trữ, cung cấp thông tin khi có yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, cơ quan có thẩm quyền và giải quyết khiếu nại của người chơi đối với việc cung cấp dịch vụ theo quy định;
(2) Có trang thông tin điện tử giới thiệu, cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng và hiển thị đầy đủ các thông tin sau:
- Phân loại trò chơi điện tử theo độ tuổi người chơi đối với từng trò chơi;
- Quy tắc của từng trò chơi (bao gồm cả việc thu tiền của người chơi);
- Các quy định quản lý nội dung, thông tin, quản lý hoạt động của trò chơi;
- Các quy tắc về giải quyết khiếu nại, tranh chấp quyền lợi phát sinh giữa người chơi và doanh nghiệp, giữa người chơi với người chơi;
- Hiển thị thông tin của doanh nghiệp gồm: Tên doanh nghiệp; địa chỉ văn phòng giao dịch; số điện thoại liên hệ; số Giấy phép/Giấy chứng nhận/Giấy xác nhận/Quyết định phát hành; đoạn mã được liên kết đến trang có siêu cấp phép trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử).
Khi cung cấp trò chơi trên kho ứng dụng, phần mô tả thông tin của trò chơi trên kho ứng dụng phải thể hiện số Giấy phép/Giấy chứng nhận/Giấy xác nhận/Quyết định phát hành; ngày, tháng, năm cấp; đoạn mã được liên kết đến mục số liệu cấp phép trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử).
(3) Áp dụng các biện pháp hạn chế tác động tiêu cực của trò chơi do doanh nghiệp cung cấp, bao gồm:
- Nội dung quảng cáo, giới thiệu về trò chơi (trên chương trình quảng cáo, trên trang thông tin điện tử hoặc ứng dụng trên mạng của doanh nghiệp) phải đúng với nội dung, kịch bản, âm thanh, hình ảnh trong trò chơi đã được cấp phép, tuân thủ các quy định về quảng cáo và phải bao gồm các thông tin sau: Tên trò chơi; phân loại trò chơi theo độ tuổi; khuyến cáo về những tác động ngoài mong muốn về thể chất, tinh thần có thể xảy ra đối với người chơi;
- Thực hiện việc đăng ký, lưu trữ, xác thực và quản lý nội dung, thông tin của người chơi theo quy định của pháp luật, đảm bảo chỉ những người chơi đã cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin theo quy định tại khoản 1 Điều 56 Nghị định 147/2024/NĐ-CP mới được tham gia chơi trò chơi; cung cấp trò chơi có nội dung phù hợp với lứa tuổi; cảnh báo mức độ ảnh hưởng của việc chơi quá thời gian/ngày và áp dụng biện pháp giới hạn giờ chơi đối với trẻ em, người dưới 18 tuổi theo quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em; bảo đảm người sử dụng được có quyền quyết định cho phép hoặc không cho phép doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng được sử dụng thông tin của mình cho mục đích quảng bá, truyền thông hoặc cung cấp cho tổ chức, cá nhân khác.
(4) Bảo đảm quyền lợi chính đáng của người chơi theo đúng quy tắc của trò chơi đã công bố; chịu trách nhiệm về chất lượng dịch vụ, an toàn thông tin; có bộ phận để tiếp nhận và giải quyết khiếu nại và các tranh chấp phát sinh giữa người chơi và doanh nghiệp, giữa người chơi với người chơi.
(5) Tuân thủ quy định về vật phẩm ảo, điểm thưởng, đơn vị ảo theo quy định tại Điều 57 Nghị định 147/2024/NĐ-CP.
(6) Trường hợp ngừng cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng phải: Thông báo trên trang thông tin điện tử cung cấp trò chơi tối thiểu 90 ngày trước ngày dự kiến ngừng cung cấp dịch vụ (trừ trường hợp phải dừng, đình chỉ hoạt động theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền); có các giải pháp bảo đảm quyền lợi của người chơi; báo cáo bằng văn bản với cơ quan có thẩm quyền cấp phép về các nội dung này 15 ngày trước ngày chính thức ngừng cung cấp dịch vụ.
(7) Triển khai các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ quản lý nội dung diễn đàn, nội dung chia sẻ, trao đổi giữa các người chơi theo quy định tại khoản 2 Điều 28 Nghị định 147/2024/NĐ-CP.
(8) Không được quảng cáo trò chơi điện tử trên mạng khi chưa được cấp Quyết định phát hành trò chơi điện tử G1 trên mạng hoặc cấp Giấy xác nhận thông báo phát hành trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng tại các diễn đàn, trang thông tin điện tử của doanh nghiệp và phương tiện thông tin đại chúng khác.
(9) Nộp phí thẩm định trò chơi điện tử trên mạng theo quy định về phí và lệ phí.
(10) Thực hiện báo cáo định kỳ, đột xuất theo quy định tại khoản 2 Điều 61 Nghị định 147/2024/NĐ-CP và gửi về Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử), Sở Thông tin và Truyền thông địa phương nơi doanh nghiệp đăng ký trụ sở hoạt động.
(11) Chịu sự thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm của các cơ quan có thẩm quyền.
(12) Tuân thủ các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 và các văn bản có liên quan về quyền sở hữu trí tuệ đối với trò chơi; tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng, an ninh thông tin, bảo mật thông tin của người chơi; Phối hợp với cơ quan có thẩm quyền trong việc điều tra, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật; cung cấp thông tin của người chơi cho cơ quan có thẩm quyền khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ công tác điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
(13) Tuân thủ quy định về việc phát hành và quản lý thẻ game theo quy định tại Điều 58 Nghị định 147/2024/NĐ-CP.
(14) Kết nối với các hình thức thanh toán hợp pháp để thu tiền người chơi, thanh toán cho trò chơi điện tử trên mạng do doanh nghiệp phát hành.
(15) Triển khai giải pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng theo quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em.
Lưu ý: Nghị định 147/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25/12/2024.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.