Từ ngày 1/7/2024 trật tự thôn được trang bị dùi cui cao su, dùi cui kim loại, áo giáp chống đâm đúng không?
- Từ ngày 1/7/2024 trật tự thôn được trang bị dùi cui cao su, dùi cui kim loại, áo giáp chống đâm?
- Mức hỗ trợ, bồi dưỡng của người tham gia đội trật tự thôn khi được điều động, huy động thực hiện nhiệm vụ là bao nhiêu?
- Điều kiện và mức hưởng của người tham gia đội trật tự thôn bị tai nạn khi thực hiện nhiệm vụ ra sao?
Từ ngày 1/7/2024 trật tự thôn được trang bị dùi cui cao su, dùi cui kim loại, áo giáp chống đâm?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 2 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở 2023 thì có thể hiểu trật tự thôn là lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Bởi lực lượng này do chính quyền địa phương thành lập trên cơ sở tự nguyện của người dân để hỗ trợ Công an xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Công an cấp xã) giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp trong bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Căn cứ theo Điều 8 Thông tư 14/2024/TT-BCA quy định như sau:
- Bộ Công an trang bị công cụ hỗ trợ cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở do ngân sách trung ương bảo đảm theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở 2023; cụ thể như sau:
STT | TÊN CÔNG CỤ | ĐƠN VỊ TÍNH | TRANG BỊ CHO 01 TỔ BẢO VỆ AN NINH, TRẬT TỰ | NIÊN HẠN SỬ DỤNG |
1. | Dùi cui cao su | Chiếc | 80% quân số | Theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất |
2. | Dùi cui kim loại | Chiếc | 50% quân số | Theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất |
3. | Áo giáp chống đâm | Cái | 30% quân số | Theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất |
4. | Găng tay bắt dao | Đôi | 30% quân số | Theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất |
- Hằng năm, Công an cấp xã tổng hợp nhu cầu số lượng, loại công cụ hỗ trợ trang bị cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gửi Công an cấp huyện tổng hợp, gửi Công an cấp tỉnh lập dự trù kinh phí và gửi Cục Kế hoạch và tài chính thẩm định, tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ Công an xem xét, quyết định.
- Căn cứ số lượng, loại công cụ hỗ trợ được trang bị theo quy định tại Thông tư 14/2024/TT-BCA, Công an cấp xã tổ chức quản lý công cụ hỗ trợ được trang bị theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, quy định của pháp luật có liên quan và xem xét, quyết định loại, số lượng công cụ hỗ trợ trang bị cho từng thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự, loại công cụ hỗ trợ sử dụng chung của Tổ bảo vệ an ninh, trật tự khi thực hiện nhiệm vụ.
Theo đó, 01 tổ bảo vệ an ninh, trật tự thì có 30% quân số được trang bị áo giáp chống đâm (cái), găng tay bắt dao (đôi), 50% quân số được trang bị dùi cui kim loại (chiếc), 80% quân số được trang bị dùi cui cao su (chiếc).
Lưu ý: Niên hạn sử dụng công cụ hỗ trợ cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất.
Từ ngày 1/7/2024 trật tự thôn được trang bị dùi cui cao su, dùi cui kim loại, áo giáp chống đâm? (Hình từ Internet)
Mức hỗ trợ, bồi dưỡng của người tham gia đội trật tự thôn khi được điều động, huy động thực hiện nhiệm vụ là bao nhiêu?
Căn cứ theo Điều 23 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự 2023 ở cơ sở thì mức hỗ trợ, bồi dưỡng của người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở khi được điều động, huy động thực hiện nhiệm vụ được thực hiện như sau:
- Khi được cử đi bồi dưỡng, huấn luyện được hưởng bồi dưỡng bằng mức tiền ăn cơ bản của chiến sĩ nghĩa vụ Công an nhân dân;
- Khi làm nhiệm vụ từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau, ngày nghỉ, ngày lễ, khi thực hiện công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật về lao động được hưởng mức tiền bồi dưỡng do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định;
- Khi làm nhiệm vụ tại những nơi thuộc khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số hoặc tại đơn vị hành chính cấp xã trọng điểm về quốc phòng được hưởng mức tiền bồi dưỡng ngày công lao động tăng thêm do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định;
- Khi được điều động, huy động, cử đi thực hiện nhiệm vụ ngoài địa bàn phụ trách thì được cơ quan điều động, huy động, cử đi thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ phương tiện đi lại, hỗ trợ ăn, nghỉ trong thời gian làm nhiệm vụ.
Lưu ý: Ngoài ra, người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được hưởng tiền hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế theo mức do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.
Điều kiện và mức hưởng của người tham gia đội trật tự thôn bị tai nạn khi thực hiện nhiệm vụ ra sao?
Căn cứ theo khoản 1, 2, 3 Điều 6 Nghị định 40/2024/NĐ-CP thì điều kiện và mức hưởng của người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bị tai nạn khi thực hiện nhiệm vụ như sau:
- Điều kiện được hưởng chế độ, chính sách theo quy định tại khoản 3 Điều 24 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở 2023 trong các trường hợp sau:
+ Trong thời gian thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công, kế hoạch của cấp có thẩm quyền hoặc khi được điều động, huy động thực hiện nhiệm vụ;
+ Trong khoảng thời gian và tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi thực hiện nhiệm vụ.
- Các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 40/2024/NĐ-CP bị tai nạn, chết không được hưởng chế độ trợ cấp.
- Mức hưởng: trong thời gian điều trị tai nạn được hưởng chi phí khám bệnh, chữa bệnh và hỗ trợ tiền ăn hằng ngày, kể cả trường hợp vết thương tái phát cho đến khi ổn định sức khỏe ra viện theo mức do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định;
Lưu ý: trường hợp tai nạn dẫn đến chết: thân nhân được hưởng trợ cấp tiền tuất, tiền mai táng phí theo mức do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.