Từ ngày 01/1/2025, đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô phải có những trách nhiệm gì?
Từ ngày 01/1/2025, đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô phải có những trách nhiệm gì?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 61 Luật Đường bộ 2024 quy định đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô có trách nhiệm sau đây:
(1) Thực hiện điều hành phương tiện và lái xe hoặc quyết định giá cước để vận tải hàng hóa;
(2) Tổ chức khám sức khỏe cho người lái xe và sử dụng người lái xe đủ sức khỏe theo quy định của pháp luật;
(3) Ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý điều hành và cung cấp dữ liệu về hoạt động vận tải theo quy định của pháp luật;
(4) Chịu trách nhiệm hoặc liên đới chịu trách nhiệm về hậu quả mà người lao động, người đại diện của đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô gây ra do thực hiện yêu cầu của đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô trái quy định của pháp luật;
(5) Chịu trách nhiệm hoặc liên đới chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của người lao động, người đại diện của đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô gây ra theo quy định của pháp luật.
Lưu ý: Việc vận tải hàng hóa bằng xe ô tô thực hiện theo quy định tại Điều 56 Luật Đường bộ 2024, thực hiện đầy đủ các yêu cầu, điều kiện về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và quy định khác của pháp luật có liên quan. Khi vận tải hàng hóa trên đường bộ phải có giấy vận tải theo quy định của pháp luật.
Từ ngày 01/1/2025, đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô phải có những trách nhiệm gì? (Hình ảnh Internet)
Quyền và nghĩa vụ của đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô gồm những gì?
Căn cứ theo Điều 62 Luật Đường bộ 2024 quy định quyền và nghĩa vụ của đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô bao gồm:
- Đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô có quyền sau đây:
+ Yêu cầu người thuê vận tải cung cấp thông tin cần thiết về hàng hóa để ghi vào giấy vận tải và có quyền kiểm tra tính xác thực của thông tin đó;
+ Yêu cầu người thuê vận tải thanh toán đủ tiền cước và chi phí phát sinh; yêu cầu người thuê vận tải bồi thường thiệt hại do vi phạm thỏa thuận trong hợp đồng;
+ Từ chối vận tải nếu người thuê vận tải không giao hàng hóa theo thỏa thuận trong hợp đồng;
+ Yêu cầu giám định hàng hóa khi cần thiết;
+ Lưu giữ hàng hóa trong trường hợp người thuê vận tải không thanh toán đủ tiền cước và chi phí phát sinh theo thoả thuận trong hợp đồng.
- Đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô có nghĩa vụ sau đây:
+ Không được để tổ chức, cá nhân không có giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô loại hình vận tải hàng hóa thay mình thực hiện điều hành phương tiện và lái xe hoặc quyết định giá cước để vận tải hàng hóa;
+ Không được sử dụng người không có giấy phép lái xe hoặc có giấy phép lái xe nhưng không phù hợp với loại xe, người có giấy phép lái xe bị trừ hết điểm, người đang bị tước hoặc bị thu hồi giấy phép lái xe để điều khiển phương tiện vận tải hàng hóa;
+ Cung cấp phương tiện đúng loại, thời gian, địa điểm và giao hàng hóa cho người nhận hàng theo thỏa thuận trong hợp đồng; cấp giấy vận tải cho lái xe trước khi thực hiện vận tải;
+ Hướng dẫn, kiểm tra việc xếp, dỡ hàng hóa trên phương tiện bảo đảm không vượt quá khối lượng hàng hóa chuyên chở cho phép tham gia giao thông, vượt quá tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ hoặc quá kích thước giới hạn cho phép xếp hàng của xe và thực hiện các chỉ dẫn an toàn trong quá trình vận tải, giao nhận hàng hóa;
+ Bồi thường thiệt hại do người lao động, người đại diện của đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô gây ra trong quá trình vận tải hàng hóa theo quy định của pháp luật.
Người lái xe vận tải hàng hóa bằng xe ô tô có quyền từ chối điều khiển phương tiện trong trường hợp nào?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 63 Luật Đường bộ 2024 quy định về quyền của người lái xe vận tải hàng hóa bằng xe ô tô như sau:
Quyền và nghĩa vụ của người lái xe vận tải hàng hóa bằng xe ô tô
1. Người lái xe vận tải hàng hóa bằng xe ô tô có quyền sau đây:
a) Từ chối điều khiển phương tiện khi phát hiện phương tiện không bảo đảm các điều kiện về an toàn; phương tiện không có thiết bị giám sát hành trình, thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe theo quy định của pháp luật hoặc có lắp nhưng thiết bị không hoạt động; phương tiện xếp hàng hóa vượt quá khối lượng hàng hóa chuyên chở cho phép tham gia giao thông, vượt quá tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ hoặc quá kích thước giới hạn cho phép xếp hàng của xe, trừ trường hợp có giấy phép lưu hành theo quy định của pháp luật; hàng hóa cấm lưu thông theo quy định của pháp luật; không có giấy vận tải;
b) Trước khi thực hiện vận tải hàng hóa, lái xe yêu cầu người chịu trách nhiệm xếp hàng hóa lên xe ký xác nhận việc xếp hàng vào giấy vận tải; từ chối vận tải trong trường hợp xếp hàng trên xe không đúng quy định của pháp luật.
Như vậy, người lái xe vận tải hàng hóa bằng xe ô tô có quyền từ chối điều khiển phương tiện thuộc trường hợp sau:
- Phát hiện phương tiện không bảo đảm các điều kiện về an toàn;
- Phương tiện không có thiết bị giám sát hành trình, thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe hoặc có lắp nhưng thiết bị không hoạt động;
- Phương tiện xếp hàng hóa vượt quá khối lượng hàng hóa chuyên chở cho phép tham gia giao thông, vượt quá tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ hoặc quá kích thước giới hạn cho phép xếp hàng của xe, trừ trường hợp có giấy phép lưu hành;
- Hàng hóa cấm lưu;
- Không có giấy vận tải;
Lưu ý:
- Luật Đường bộ 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2025.
- Điểm a và điểm b khoản 2 Điều 42, Điều 43, Điều 50, khoản 1 Điều 84 của Luật Đường bộ 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 10 năm 2024.
- Luật Giao thông đường bộ 2008 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018 và Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 hết hiệu lực kể từ ngày Luật Đường bộ 2024 có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp quy định tại Điều 86 Luật Đường bộ 2024.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.