Từ năm 2023, giáo viên giáo dục nghề nghiệp dạy cao đẳng, trung cấp được nghỉ hè 06 tuần có đúng không?
Giáo viên giáo dục nghề nghiệp dạy cao đẳng, trung cấp được nghỉ hè 06 tuần mỗi năm có đúng không?
Căn cứ theo quy định hiện nay, thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên giáo dục nghề nghiệp dạy cao đẳng, trung cấp là 08 tuần, của viên chức quản lý có tham gia giảng dạy là 06 tuần.
Trong đó, thời gian nghỉ nêu trên bao gồm nghỉ hè, nghỉ Tết, nghỉ các ngày lễ. Quy định này không quy định cụ thể thời gian nghỉ hè cho giáo viên giáo dục nghề nghiệp, thay vào đó, thời gian này sẽ do Hiệu trưởng, Giám đốc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp bố trí tùy theo kế hoạch năm học và điều kiện thực tế.
Thời gian nghỉ hè nêu trên được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 4 Thông tư 07/2017/TT-BLĐTBXH được sửa đổi bởi điểm b khoản 4 Điều 2 Thông tư 28/2022/TT-BLĐTBXH (có hiệu lực từ ngày 01/03/2023) như sau:
Thời gian làm việc, thời gian nghỉ hằng năm
...
2. Thời gian nghỉ hè hằng năm của nhà giáo là 06 tuần; của viên chức quản lý, viên chức đang giữ chức danh giảng viên, giáo viên giáo dục nghề nghiệp có tham gia giảng dạy được quy định tại khoản 5 Điều 5 Thông tư này là 04 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hằng năm. Trong thời gian nghỉ hè nhà giáo được hưởng nguyên lương và phụ cấp (nếu có). Ngoài thời gian nghỉ hè nhà giáo được nghỉ lễ, tết và các ngày nghỉ khác theo quy định của Bộ luật Lao động. Việc nghỉ hè của nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị định số 84/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục.
Căn cứ kế hoạch năm học và điều kiện thực tế, Hiệu trưởng, Giám đốc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp bố trí cho nhà giáo nghỉ hè vào thời gian thích hợp.
Như vậy, theo quy định trên thì từ tháng 03 năm 2023, thời gian nghỉ hè của giáo viên giáo dục nghề nghiệp dạy cao đẳng, trung cấp được xác định rõ là 06 tuần.
Đối với viên chức quản lý, viên chức đang giữ chức danh giảng viên, giáo viên giáo dục nghề nghiệp có tham gia giảng dạy là 04 tuần.
Từ năm 2023, giáo viên giáo dục nghề nghiệp dạy cao đẳng, trung cấp được nghỉ hè 06 tuần có đúng không? (Hình từ Internet)
Thời gian làm việc trong năm của giáo viên giáo dục nghề nghiệp dạy cao đẳng, trung cấp được quy định thế nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 07/2017/TT-BLĐTBXH được sửa đổi bởi điểm a khoản 4 Điều 2 Thông tư 28/2022/TT-BLĐTBXH và khoản 2 Điều 3 Thông tư 34/2018/TT-BLĐTBXH.
Thời gian làm việc trong năm của giáo viên giáo dục nghề nghiệp dạy cao đẳng, trung cấp được xác định như sau:
Thời gian làm việc của nhà giáo dạy trình độ cao đẳng, trung cấp là 44 tuần/năm theo chế độ tuần làm việc 40 giờ. Trong đó:
- Thực hiện công tác giảng dạy và giáo dục học viên, học sinh, sinh viên: 32 tuần đối với nhà giáo dạy trình độ cao đẳng; 36 tuần đối với nhà giáo dạy trình độ trung cấp;
- Học tập, bồi dưỡng chuẩn hóa, bồi dưỡng nâng cao, nghiên cứu khoa học: 08 tuần đối với nhà giáo dạy trình độ cao đẳng; 04 tuần đối với nhà giáo dạy trình độ trung cấp;
- Thực tập tại doanh nghiệp hoặc cơ quan chuyên môn: 04 tuần đối với nhà giáo dạy trình độ cao đẳng, trung cấp.
Trường hợp nhà giáo sử dụng không hết thời gian để học tập, bồi dưỡng chuẩn hóa, bồi dưỡng nâng cao, nghiên cứu khoa học theo quy định thì Hiệu trưởng, giám đốc quy đổi thời gian còn lại chuyển sang làm công tác giảng dạy hoặc thực hiện các nhiệm vụ khác do Hiệu trưởng, giám đốc giao.
Số giờ quy đổi được tính thêm vào định mức giờ giảng trong năm học của nhà giáo. Tính số giờ quy đổi theo tỷ lệ tương ứng giữa thời gian không sử dụng để học tập, bồi dưỡng chuẩn hóa, bồi dưỡng nâng cao, nghiên cứu khoa học với thời gian thực hiện công tác giảng dạy và giáo dục học viên, học sinh, sinh viên.
Trường hợp nhà giáo tham gia các khóa học tập, bồi dưỡng chuẩn hóa, bồi dưỡng nâng cao vượt quá quy định thì được giảm định mức giờ giảng.
Giáo viên giáo dục nghề nghiệp dạy cao đẳng, trung cấp có những nhiệm vụ gì?
Căn cứ theo quy định tại Điều 3 Thông tư 07/2017/TT-BLĐTBXH được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 2 Thông tư 28/2022/TT-BLĐTBXH.
Giáo viên giáo dục nghề nghiệp dạy cao đẳng, trung cấp có những nhiệm vụ sau:
- Thực hiện công tác giảng dạy;
- Coi thi, kiểm tra, đánh giá kết thúc mô-đun, môn học; chấm thi tuyển sinh; chấm thi tốt nghiệp; hướng dẫn, đánh giá chuyên đề, khóa luận tốt nghiệp; đánh giá kết quả nghiên cứu của học viên, học sinh, sinh viên.
- Hoàn thiện các biểu mẫu, sổ sách quản lý lớp học được bố trí, phân công giảng dạy theo quy định.
- Hướng dẫn sinh viên làm chuyên đề, khóa luận tốt nghiệp (nếu có); hướng dẫn thực tập, thực tập kết hợp với lao động sản xuất; luyện thi cho học viên, học sinh, sinh viên giỏi tham gia kỳ thi các cấp.
- Biên soạn giáo trình, tài liệu giảng dạy; góp ý kiến xây dựng chương trình, nội dung mô-đun, môn học được phân công giảng dạy.
- Tham gia thiết kế, xây dựng phòng học chuyên môn; thiết kế, cải tiến, tự làm đồ dùng, trang thiết bị giáo dục nghề nghiệp.
- Tổ chức các hoạt động giáo dục và rèn luyện học viên, học sinh, sinh viên.
- Học tập, bồi dưỡng chuẩn hóa, bồi dưỡng nâng cao; thực tập tại doanh nghiệp hoặc cơ quan chuyên môn; dự giờ, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy.
- Tham gia bồi dưỡng cho nhà giáo theo yêu cầu phát triển chuyên môn, nghiệp vụ của trường, khoa, bộ môn.
- Nghiên cứu khoa học; hướng dẫn học viên, học sinh, sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật hoặc sáng kiến, cải tiến kỹ thuật vào giảng dạy và thực tiễn sản xuất.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của Hiệu trưởng, Giám đốc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
- Tham gia sinh hoạt chuyên môn, nghiệp vụ, tham gia công tác quản lý đào tạo.
Thông tư 28/2022/TT-BLĐTBXH có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 3 năm 2023.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.