Từ chối thực hiện tìm kiếm cứu nạn trên biển có được xem là vi phạm điều cấm của pháp luật hàng hải không?

Từ chối thực hiện tìm kiếm cứu nạn trên biển có được xem là vi phạm điều cấm của pháp luật hàng hải không? - Câu hỏi của anh Huy (Hưng Yên)

Tìm kiếm và cứu nạn hàng hải được thực hiện như thế nào?

Theo quy định tại Điều 122 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 về hoạt động tìm kiếm và cứu nạn hàng hải như sau:

Tìm kiếm và cứu nạn hàng hải
1. Tàu thuyền và thủy phi cơ khi gặp nguy hiểm cần sự cứu giúp thì phải phát tín hiệu cấp cứu theo quy định.
2. Tàu thuyền và thủy phi cơ khi phát hiện hay nhận được tín hiệu cấp cứu của người hoặc tàu khác gặp nạn trên biển, vùng nước cảng biển, nếu điều kiện thực tế cho phép và không gây nguy hiểm nghiêm trọng cho tàu và những người đang ở trên tàu của mình thì phải bằng mọi cách tiến hành cứu giúp người gặp nạn, kể cả việc phải đi chệch khỏi hành trình đã định và phải kịp thời thông báo cho tổ chức, cá nhân liên quan biết.
3. Cơ quan phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải phải sẵn sàng tổ chức và phối hợp hoạt động tìm kiếm, cứu nạn kịp thời đối với người gặp nạn trong vùng tìm kiếm, cứu nạn do mình phụ trách và được quyền huy động người, phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn.
4. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định cụ thể về tổ chức và hoạt động của cơ quan phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải.

Từ chối thực hiện tìm kiếm cứu nạn trên biển có được xem là vi phạm điều cấm của pháp luật hàng hải không?

Từ chối thực hiện tìm kiếm cứu nạn trên biển có được xem là vi phạm điều cấm của pháp luật hàng hải không? (Hình từ Internet)

Từ chối thực hiện lệnh tìm kiếm cứu nạn có vi phạm điều cấm của pháp luật hàng hải không?

Căn cứ quy định tại Điều 12 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 (được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018) về những hành vi bị cấm trong hoạt động hàng hải như sau:

Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động hàng hải
1. Gây phương hại hoặc đe dọa gây phương hại đến chủ quyền và an ninh quốc gia.
2. Vận chuyển người, hàng hóa, hành lý, vũ khí, chất phóng xạ, chất phế thải độc hại, chất ma túy trái với quy định của pháp luật.
3. Cố ý tạo chướng ngại vật gây nguy hiểm hoặc làm cản trở giao thông hàng hải.
4. Sử dụng, khai thác tàu biển không đăng ký, đăng kiểm hoặc quá hạn đăng ký, đăng kiểm; giả mạo đăng ký, đăng kiểm.
5. Từ chối tham gia tìm kiếm, cứu nạn trên biển trong trường hợp điều kiện thực tế cho phép.
6. Gây ô nhiễm môi trường.
7. Xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm người trên tàu biển; chiếm đoạt, cố ý làm hư hỏng hoặc hủy hoại tài sản trên tàu biển; bỏ trốn sau khi gây tai nạn.
8. Gây mất trật tự công cộng, cản trở hoặc chống lại việc thực hiện nhiệm vụ của người thi hành công vụ trên tàu biển và tại cảng biển.
9. Phá hủy, làm hư hỏng, tháo gỡ, trộm cắp cấu kiện, phụ kiện, vật tư, vật liệu xây dựng và các thiết bị của công trình hàng hải.
10. Làm hư hỏng, phá hủy, tự ý di chuyển hoặc làm giảm hiệu lực của báo hiệu hàng hải.
11. Nổ mìn hoặc các vật liệu nổ khác trong phạm vi cảng biển, vùng nước cảng biển, luồng hàng hải khi chưa được sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
12. Xây dựng và khai thác trái phép các công trình cảng biển, công trình khác trong phạm vi quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển, quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước, quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển, quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn và các quy hoạch khác có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch, trong luồng hàng hải và phạm vi bảo vệ công trình hàng hải.
13. Xây dựng công trình làm giảm hoặc mất tác dụng của công trình hàng hải.
14. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định về quản lý hàng hải; dung túng, bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật về hàng hải.

Như vậy, hành vi từ chối tham gia tìm kiếm cứu nạn trên biển trong điều kiện thực tế cho phép là hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động hàng hải và sẽ bị xử phạt vi phạm theo quy định của Bộ luật Hàng hải 2015 và các quy định pháp luật khác liên quan.

Xử lý vi phạm đối với hành vi từ chối tìm kiếm cứu nạn trong hoạt động hàng hải như thế nào?

Theo quy định tại Điều 53 Nghị định 142/2017/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm pháp luật về hoạt động tìm kiếm cứu nạn trong hoạt động hàng hải như sau:

Vi phạm quy định về hoạt động tìm kiếm, cứu nạn hàng hải
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:
a) Phát tín hiệu cấp cứu trong khi phương tiện, con người vẫn đang trong tình trạng an toàn mà không có biện pháp cải chính ngay sau đó;
b) Không cung cấp thông tin, dữ liệu về phao Cospas-Sarsat chính xác, đầy đủ và kịp thời phục vụ cho công tác tìm kiếm, cứu nạn theo quy định;
c) Không tham gia diễn tập và thực hiện đầy đủ phương án phối hợp tìm kiếm, cứu nạn theo quy định.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:
a) Không thực hiện nghĩa vụ theo quy định về tìm kiếm, cứu nạn hàng hải;
b) Thực hiện chậm trễ lệnh điều động của cơ quan có thẩm quyền để tìm kiếm, cứu nạn theo quy định.
3. Đối với hành vi không thực hiện lệnh điều động của cơ quan có thẩm quyền để tìm kiếm, cứu nạn theo quy định sẽ bị xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tàu thuyền có tổng dung tích dưới 200 GT;
b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tàu thuyền có tổng dung tích từ 200 GT đến dưới 500 GT;
c) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tàu thuyền có tổng dung tích từ 500 GT đến dưới 3.000 GT;
d) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với tàu thuyền có tổng dung tích từ 3.000 GT trở lên.
4. Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn của thuyền trưởng có thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 và khoản 3 Điều này.

Như vậy, người từ chối thực hiện tìm kiếm cứu nạn có thể bị phạt tiền lên đến 80 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn của thuyền trưởng.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Tác giả Nguyễn Trần Hoàng Quyên Nguyễn Trần Hoàng Quyên Lưu bài viết
985 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào