Trình tự thực hiện theo dõi, đôn đốc nợ quá hạn chưa quá 90 ngày được Tổng cục Hải quan hướng dẫn thực hiện như thế nào?
- Tổng cục Hải quan vừa ban hành mới quy trình quản lý nợ thuế và khoản thu khác đối với hàng hóa xuất nhập khẩu?
- Việc lập hồ sơ theo dõi nợ thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu theo quy trình mới được cơ quan hải quan hướng dẫn như thế nào?
- Trình tự theo dõi nợ quá hạn chưa quá 90 ngày được cơ quan hải quan thực hiện như thế nào?
Tổng cục Hải quan vừa ban hành mới quy trình quản lý nợ thuế và khoản thu khác đối với hàng hóa xuất nhập khẩu?
Ngày 24/10/2022, Tổng cục Hải quan ra Quyết định 2317/QĐ-TCHQ năm 2022 ban hành Quy trình quản lý nợ thuế và khoản thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Thay thế Quy trình Quản lý nợ thuế và khoản thu khác đối với hàng hóa xuất nhập ban hành kèm theo Quyết định 1503/QĐ-TCHQ năm 2018.
Căn cứ Điều 2 Quy trình quản lý nợ thuế và khoản thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ban hành kèm theo Quyết định 2317/QĐ-TCHQ năm 2022 quy định đối tượng áp dụng của Quyết định này là các cơ quan hải quan các cấp: Tổng cục Hải quan; Cục Hải quan tỉnh, thành phố, Cục Kiểm tra sau thông quan; Cục Điều tra chống buôn lậu; Chi cục Hải quan, Chi cục Kiểm tra sau thông quan khi thực hiện các công việc liên quan đến quản lý nợ thuế và các khoản thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Theo đó tại Quyết định 2317/QĐ-TCHQ năm 2022 hướng dẫn cụ thể các bước, các thao tác nghiệp vụ để công chức Hải quan thực hiện phân loại nợ thuế, đôn đốc thu hồi nợ thuế, thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính để thu hồi nợ thuế theo quy định.
Trình tự thực hiện theo dõi, đôn đốc nợ quá hạn chưa quá 90 ngày được Tổng cục Hải quan hướng dẫn thực hiện như thế nào? (Hình từ internet)
Việc lập hồ sơ theo dõi nợ thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu theo quy trình mới được cơ quan hải quan hướng dẫn như thế nào?
Căn cứ quy định tại Điều 5 Quy trình quản lý nợ thuế và khoản thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ban hành kèm theo Quyết định 2317/QĐ-TCHQ năm 2022 quy định việc lập hồ sơ theo dõi nợ thuế được thực hiện như sau:
- Trên cơ sở phát sinh tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước mà người nộp thuế phải nộp, Hệ thống kế toán thuế tập trung tự động theo dõi phân loại tiền thuế nợ vào nhóm có khả năng thu.
Trường hợp có căn cứ xác định người nộp thuế không nộp hoặc chưa nộp đủ tiền thuế nợ, cơ quan hải quan thực hiện đôn đốc, cưỡng chế thì lập hồ sơ theo dõi người nộp thuế.
- Lập hồ sơ theo dõi nợ thuế
+ Công chức được phân công quản lý nợ thuế điền đầy đủ, chi tiết các thông tin vào Phiếu theo dõi hồ sơ nợ.
+ Trường hợp hệ thống thiết lập hồ sơ theo dõi nợ thuế của người nộp thuế, các thông tin về người nộp thuế trong quá trình đôn đốc nợ thuế, các biện pháp cưỡng chế thu hồi nợ thuế được cập nhật vào Hệ thống kế toán thuế tập trung.
+ Trong quá trình đôn đốc, áp dụng các biện pháp cưỡng chế để thu hồi nợ hoặc khi có thông tin về người nộp thuế, công chức được phân công quản lý nợ thuế thực hiện lưu kèm hồ sơ theo dõi nợ các chứng từ ghi nhận số tiền thuế nợ (Thông báo tiền thuế nợ, Quyết định ấn định thuế, Quyết định phạt vi phạm hành chính...), biên bản làm việc cùng người nộp thuế có nợ/tổ chức bảo lãnh, tờ trình và các giấy tờ khác (nếu có) và cập nhật chứng từ vào Hệ thống kế toán thuế tập trung.
Trình tự theo dõi nợ quá hạn chưa quá 90 ngày được cơ quan hải quan thực hiện như thế nào?
Căn cứ quy định tại Điều 6 Quy trình quản lý nợ thuế và khoản thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ban hành kèm theo Quyết định 2317/QĐ-TCHQ năm 2022 quy định trình tự thực hiện theo dõi, đôn đốc nợ quá hạn chưa quá 90 ngày được thực hiện như sau:
- Bước 1: Lập Thông báo tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn thiếu:
Sau 30 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế theo quy định, người nộp thuế tổ chức bảo lãnh chưa nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt vào NSNN hoặc đã nộp nhưng số tiền tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn thiếu. Hệ thống gửi Thông báo tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn thiếu cho người nộp thuế/tổ chức bảo lãnh biết;
Trường hợp gửi thông báo bằng văn bản, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế 30 ngày, công chức được phân công quản lý nợ thuế dự thảo Thông báo tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn thiếu.
- Bước 2: Phê duyệt Thông báo tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn thiếu:
Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Lãnh đạo Đội hoặc Lãnh đạo Phòng, Lãnh đạo Chi cục Hải quan hoặc Lãnh đạo Cục Hải quan, Lãnh đạo Cục kiểm tra sau hải quan kiểm tra đề xuất của công chức và xem xét không đồng ý/ đồng ý ký.
- Bước 3: Ban hành văn bản:
+ Sau khi lãnh đạo phê duyệt, ký Thông báo tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn thiếu, công chức chuyển văn bản cho bộ phận văn thư để phát hành theo quy định về văn thư, lưu trữ.
Trường hợp thông báo được gửi bằng hình thức điện tử thì cơ quan hải quan thực hiện gửi trên Cổng thông tin điện tử của ngành hải quan hoặc qua thư điện tử của người nộp thuế hoặc người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế.
+ Bộ phận văn thư thực hiện thủ tục đăng ký văn bản “đi” theo quy định và chuyển thông báo đến các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định.
+ Công chức được phân công quản lý nợ thuế lưu Thông báo tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn thiếu đã phát hành kèm hồ sơ theo dõi nợ.
- Bước 4: Theo dõi Thông báo tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn thiếu:
Khi người nộp thuế tổ chức bảo lãnh đã thực hiện nộp thuế, công chức cập nhật chứng từ nộp ngân sách nhà nước vào Hệ thống kế toán thuế tập trung và kết thúc hồ sơ theo dõi nợ thuế của người nộp thuế/tổ chức bảo lãnh.
Quá thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày ra Thông báo tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn thiếu nếu người nộp thuế có nợ hoặc tổ chức bảo lãnh của người nộp thuế có nợ chưa nộp tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp (nếu có) vào ngân sách nhà nước hoặc Thông báo bị trả lại thì công chức được phân công quản lý nợ thuế thực hiện theo Điều 7 Quy trình này.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.