Trình tự thực hiện công tác mua sắm, sửa chữa tài sản từ nguồn kinh phí chi thường xuyên của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam?
- Hồ sơ tài liệu kèm theo dự toán kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa công trình thuộc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam gồm những gì?
- Trình tự thực hiện công tác mua sắm tài sản từ nguồn kinh phí chi thường xuyên của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam được thực hiện thế nào?
- Trình tự thực hiện công tác bảo dưỡng, sửa chữa tài sản từ nguồn kinh phí chi thường xuyên của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam được thực hiện thế nào?
Hồ sơ tài liệu kèm theo dự toán kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa công trình thuộc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam gồm những gì?
Căn cứ vào Mục 3 Công văn 4941/TLĐ-TC năm 2022 của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nội dung hướng dẫn như sau:
- Hàng năm, căn cứ hướng dẫn xây dựng dự toán thu, chi của Tổng Liên đoàn và chế độ, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật theo quy định của pháp luật, đơn vị lập dự toán kinh phí mua sắm, bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên tài sản của cấp mình và các cấp trực thuộc, tổng hợp vào dự toán thu, chi của đơn vị mình, trình Tổng Liên đoàn xem xét, phê duyệt theo thẩm quyền.
- Hồ sơ tài liệu kèm theo dự toán kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa công trình, thiết bị công trình gồm: tên tài sản; nguyên giá tài sản, giá trị hao mòn hoặc khấu hao, thời gian bảo dưỡng, sửa chữa tài sản gần nhất; lý do, mục tiêu, khối lượng công việc bảo dưỡng, sửa chữa; dự kiến chi phí, thời gian thực hiện và thời gian hoàn thành.
Theo đó, định kỳ hằng năm, căn cứ vào hướng dẫn xây dựng thu chi của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam và chế độ, tiêu chuẩn theo quy định mà các đơn vị thuộc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam lập dự toán kinh phí mua sắm, bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên các tài sản của cấp mình và cấp trực thuộc.
Đơn vị gửi kèm theo dự toán kinh phí là hồ sơ tài liệu gồm: tên tài sản, nguyên giá tài sản, giá trị hao mòn, khấu hao, thời gian bảo dưỡng, sửa chữa,... theo hướng dẫn trên.
Trình tự thực hiện công tác mua sắm, sửa chữa tài sản từ nguồn kinh phí chi thường xuyên của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam?
Trình tự thực hiện công tác mua sắm tài sản từ nguồn kinh phí chi thường xuyên của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam được thực hiện thế nào?
Căn cứ vào tiểu mục 5.1 Mục 5 Công văn 4941/TLĐ-TC năm 2022 của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nội dung hướng dẫn thực hiện trình từ mua sắm tài sản từ nguồn kinh phí chi thường xuyên của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam như sau:
Thực hiện theo quy định tại Thông tư 58/2016/TT-BTC như sau:
(1) Các trường hợp áp dụng chỉ định thầu:
- Phạm vi áp dụng:
+ Áp dụng đối với các gói thầu quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 15 Thông tư 58/2016/TT-BTC.
+ Đáp ứng đủ các điều kiện: Có kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt; có thời gian thực hiện chỉ định thầu kể từ ngày phê duyệt hồ sơ yêu cầu đến ngày ký kết hợp đồng không quá 45 ngày; trường hợp gói thầu có quy mô lớn, phức tạp không quá 90 ngày, nhà thầu được đề nghị chỉ định thầu phải có tên trong cơ sở dữ liệu về nhà thầu theo quy định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (trừ gói thầu có giá gói thầu không quá 100 triệu đồng).
- Quy trình chỉ định thầu thông thường thực hiện theo quy định tại Điều 55 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014,
- Quy trình chỉ định thầu rút gọn thực hiện theo quy định tại Điều 17 Thông tư 58/2016/TT-BTC.
(2) Các trường hợp được áp dụng chào hàng cạnh tranh
- Phạm vi áp dụng:
+ Áp dụng đối với các gói thầu quy định tại khoản 1 Điều 18 Thông tư 58/2016/TT-BTC.
+ Đáp ứng đủ các điều kiện: Có kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt; có văn bản phê duyệt dự toán mua sắm của thủ trưởng đơn vị.
- Quy trình chào hàng cạnh tranh:
+ Gói thầu có giá gói thầu từ trên 200 triệu đồng đến 02 tỷ đồng được thực hiện quy trình chào hàng cạnh tranh thông thường theo quy định tại Điều 58 Nghị định 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014;
+ Gói thầu có giá gói thầu không quá 200 triệu đồng được thực hiện quy trình chào hàng cạnh tranh rút gọn theo quy định tại Điều 59 Nghị định 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014.
(3) Các trường hợp được áp dụng mua sắm trực tiếp
- Phạm vi áp dụng:
+ Áp dụng đối với các gói thầu quy định tại khoản 1 Điều 20 Thông tư 58/2016/TT-BTC.
+ Đáp ứng đủ các điều kiện: Có kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt; có văn bản phê duyệt dự toán mua sắm của thủ trưởng đơn vị; nhà thầu đã trúng thầu thông qua đấu thầu rộng rãi hoặc đấu thầu hạn chế và đã ký hợp đồng thực hiện gói thầu trước đó, gói thầu có nội dung, tính chất tương tự và quy mô nhỏ hơn 130% so với gói thầu đã ký hợp đồng trước đó, đơn giá của các phần việc thuộc gói thầu áp dụng mua sắm trực tiếp không được vượt đơn giá của các phần việc tương ứng thuộc gói thầu tương tự đã ký hợp đồng trước đó; thời hạn từ khi ký hợp đồng của gói thầu trước đó đến ngày phê duyệt kết quả mua sắm trực tiếp không quá 12 tháng.
Trường hợp nhà thầu thực hiện hợp đồng trước đó không có khả năng tiếp tục thực hiện gói thầu mua sắm trực tiếp thì được áp dụng mua sắm trực tiếp đối với nhà thầu khác nếu đáp ứng các yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật và giá theo hồ sơ mời thầu và kết quả lựa chọn nhà thầu trước đó.
- Quy trình mua sắm trực tiếp thực hiện theo quy định tại Điều 60 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014.
(4) Các trường hợp được áp dụng tự thực hiện:
- Điều kiện áp dụng:
+ Áp dụng đối với các gói thầu quy định tại khoản 1 Điều 22 Thông tư 58/2016/TT-BTC.
+ Đơn vị được giao thực hiện gói thầu đáp ứng đủ các điều kiện: Tự thực hiện được áp dụng đối với gói thầu thuộc dự toán mua sắm trong trường hợp đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng gói thầu có năng lực kỹ thuật, tài chính và kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu của gói thầu.
Việc áp dụng hình thức tự thực hiện phải được phê duyệt trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu và đơn vị được giao thực hiện gói thầu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 61 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014, cụ thể: Có chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực hoạt động và ngành nghề kinh doanh phù hợp với yêu cầu của gói thầu; phải chứng minh và thể hiện trong phương án tự thực hiện về khả năng huy động nhân sự, máy móc, thiết bị đáp ứng yêu cầu về tiến độ thực hiện gói thầu; đơn vị được giao thực hiện gói thầu không được chuyển nhượng khối lượng công việc với tổng số tiền từ 10% giá gói thầu trở lên hoặc dưới 10% giá gói thầu nhưng trên 50 tỷ đồng.
- Quy trình tự thực hiện được thực hiện theo quy định tại Điều 62 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014.
Như vậy, căn cứ việc mua sắm tài sản từ nguồn kinh phí chi thường xuyên của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam thuộc trường hợp nào theo hướng dẫn trên để áp dụng quy trình thực hiện.
Trình tự thực hiện công tác bảo dưỡng, sửa chữa tài sản từ nguồn kinh phí chi thường xuyên của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam được thực hiện thế nào?
Căn cứ vào tiểu mục 5.3 Mục 5 Công văn 4941/TLĐ-TC năm 2022 của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam có hướng dẫn như sau:
Thực hiện theo quy định tại Thông tư 65/2001/TT-BTC ngày 29/7/2021, cụ thể như sau:
- Đối với trường hợp sửa chữa công trình, thiết bị công trình xây dựng có dự toán chi phí sửa chữa dưới 500 triệu đồng: Thủ trưởng đơn vị tổ chức lập, phê duyệt Kế hoạch sửa chữa, trong đó thuyết minh đầy đủ các nội dung: Tiêu chuẩn định mức kinh tế - kỹ thuật bảo dưỡng, sửa chữa, tên tài sản cần bảo dưỡng, sửa chữa, thời gian bảo dưỡng, sửa chữa tài sản gần nhất; lý do, mục tiêu, khối lượng bảo dưỡng, sửa chữa tài sản; kinh phí phân bố; dự kiến thời gian thực hiện và thời gian hoàn thành.
- Đối với trường hợp sửa chữa công trình, thiết bị công trình xây dựng có dự toán chi phí sửa chữa từ 500 triệu đồng trở lên: Thủ trưởng đơn vị tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đảm bảo trình tự, thủ tục tuần thu theo quy định của pháp luật về xây dựng..
- Thủ trưởng đơn vị tổ chức giám sát, nghiệm thu, thanh toán, kiểm toán báo cáo quyết toán (nếu có), thẩm tra và phê duyệt quyết toán kinh phí theo Quyết định số 2550/QĐ-TLĐ ngày 29/4/2021 của Tổng Liên đoàn về việc thực hiện chế độ kế toán hành chính sự nghiệp trong các đơn vị kế toán công đoàn và các quy định hiện hành của pháp luật nhà nước.
- Kinh phí lập Kế hoạch sửa chữa, xây dựng Báo cáo kinh tế - kỹ thuật, xây dựng dự toán bảo dưỡng, sửa chữa tài sản được sử dụng trong dự toán thu chi được Tổng Liên đoàn giao hàng năm của đơn vị.
- Quy trình lựa chọn nhà thầu thực hiện các nội dung công việc đối với công tác bảo dưỡng, sửa chữa tài sản được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014.
- Đối với công tác bảo dưỡng, sửa chữa tài sản đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phân bổ kinh phí thực hiện trước thời điểm Quyết định số 5068/QĐ-TLĐ ngày 05/8/2022 của Tổng Liên đoàn có hiệu lực thì các bước tiếp theo thực hiện theo phân cấp tại quyết định này.
Như vậy, trình tự thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa tài sản từ nguồn kinh phí chi thường xuyên của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam được thực hiện theo nội dung hướng dẫn như sau.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.