Trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện kết luận thanh tra của các cơ quan, tổ chức, cá nhân là gì?
- Trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện kết luận thanh tra của các cơ quan, tổ chức, cá nhân ra sao?
- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp đối tượng thanh tra có trách nhiệm gì sau khi công khai kết luận thanh tra?
- Thủ trưởng cơ quan thanh tra có trách nhiệm gì trong việc ban hành kết luận thanh tra?
Trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện kết luận thanh tra của các cơ quan, tổ chức, cá nhân ra sao?
Theo khoản 12 Điều 2 Luật Thanh tra 2022 thì kết luận thanh tra là văn bản nhằm mục đích đánh giá, kết luận và kiến nghị về nội dung đã thanh tra. Văn bản kết luận thanh tra do Thủ trưởng cơ quan thực hiện chức năng thanh tra ký ban hành.
Theo Điều 105 Luật Thanh tra 2022, việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra được quy định như sau:
Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra
1. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Thủ trưởng cơ quan thanh tra, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp có trách nhiệm chỉ đạo việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, công khai việc thực hiện kết luận thanh tra và xử lý kịp thời vấn đề phát sinh.
2. Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra của mình và của Thủ tướng Chính phủ.
Thanh tra Bộ, Thanh tra Tổng cục, Cục, Thanh tra tỉnh, Thanh tra sở, Thanh tra huyện có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra của mình và của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp.
3. Cơ quan thanh tra tiến hành kiểm tra trực tiếp việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra của đối tượng thanh tra và của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này
Như vậy, việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra sẽ do Thủ trưởng cơ quan thanh tra, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp thực hiện trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Cụ thể:
- Đối với cuộc thanh tra của Thanh tra Chính phủ và của Thủ tướng Chính phủ: Thanh tra Chính phủ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý;
- Đối với cuộc thanh tra của Bộ: Thanh tra Bộ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý;
- Đối với cuộc thanh tra của Thanh tra Tổng cục, Cục: Thanh tra Tổng cục, Cục theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý;
- Đối với cuộc thanh tra của Thanh tra tỉnh: Thanh tra tỉnh theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý;
- Đối với cuộc thanh tra của Thanh tra sở: Thanh tra Sở theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý;
- Đối với cuộc thanh tra của Thanh tra huyện: Thanh tra huyện theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý.
Trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện kết luận thanh tra của các cơ quan, tổ chức, cá nhân là gì? (Hình từ Internet)
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp đối tượng thanh tra có trách nhiệm gì sau khi công khai kết luận thanh tra?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 104 Luật Thanh tra 2022 có quy định như sau:
Trách nhiệm của đối tượng thanh tra, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan
...
2. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày công khai kết luận thanh tra, căn cứ nội dung trong kết luận thanh tra, văn bản tổ chức thực hiện kết luận thanh tra, các yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp đối tượng thanh tra có trách nhiệm sau đây:
a) Thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng thời hạn yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra thuộc phạm vi trách nhiệm của mình;
b) Kịp thời chỉ đạo đối tượng thanh tra tổ chức thực hiện kết luận thanh tra, các yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra;
c) Áp dụng biện pháp theo thẩm quyền để giải quyết khó khăn, vướng mắc của đối tượng thanh tra trong quá trình thực hiện kết luận thanh tra, các yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra;
d) Kiểm tra việc xây dựng phương án thực hiện kết luận thanh tra của đối tượng thanh tra.
Như vậy, sau khi công khai kết luận thanh tra, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp đối tượng thanh tra cần thực hiện đúng theo 04 trách nhiệm nêu trên.
Thủ trưởng cơ quan thanh tra có trách nhiệm gì trong việc ban hành kết luận thanh tra?
Trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan thanh tra được quy định tại Điều 102 Luật Thanh tra 2022 như sau:
Trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan thanh tra trong việc ban hành kết luận thanh tra
1. Thủ trưởng cơ quan thanh tra phải có văn bản kiến nghị Thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp để chỉ đạo việc thực hiện nội dung của kết luận thanh tra.
Văn bản kiến nghị phải được gửi đồng thời với kết luận thanh tra, trong đó đề xuất cách thức, biện pháp tổ chức thực hiện đối với các kiến nghị trong kết luận thanh tra thuộc thẩm quyền xử lý của Thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp.
2. Thủ trưởng cơ quan thanh tra phải báo cáo kết quả thực hiện kết luận thanh tra với Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp.
Như vậy, trong việc ban hành kết luận thanh tra, Thủ trưởng cơ quan thanh tra có trách nhiệm kiến nghị Thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp chỉ đạo thực hiện nội dung kết luận thanh tra và báo cáo kết quả thực hiện.
Luật Thanh tra 2022 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/07/2023.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.