Tổng hợp những điểm mới nổi bật tại dự thảo Luật Nhà giáo cần lưu ý bao gồm những điểm nào?
Tổng hợp những điểm mới nổi bật tại dự thảo Luật Nhà giáo cần lưu ý bao gồm những điểm nào?
Căn cứ tại dự thảo Luật Nhà giáo, dưới đây là một số nội dung nổi bật đáng chú ý:
(1) Ưu tiên xếp lương nhà giáo cao nhất hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp
Theo đó, tại khoản 2 Điều 40 dự thảo Luật Nhà giáo đề xuất xếp lương nhà giáo như sau:
Chính sách tiền lương đối với nhà giáo
...
2. Tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
Như vậy, dự thảo Luật Nhà giáo đã đề xuất ưu tiên xếp lương nhà giáo cao nhất trong các ngành.
(2) Đề xuất quy định mới về hợp đồng nhà giáo
Theo Điều 22 dự thảo Luật Nhà giáo đề xuất về hợp đồng nhà giáo như sau:
Hợp đồng nhà giáo
1. Hợp đồng nhà giáo được ký kết giữa người đứng đầu cơ sở giáo dục và nhà giáo.
2. Hợp đồng nhà giáo bao gồm:
a) Hợp đồng làm việc xác định thời hạn và hợp đồng làm việc không xác định thời hạn được áp dụng đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập.
c) Hợp đồng lao động xác định thời hạn và hợp đồng lao động không xác định thời hạn được áp dụng đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục.
3. Nhà giáo đang ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động trước khi Luật này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục được thực hiện cho đến khi phải thay đổi theo các trường hợp quy định tại Điều 25 Luật này.
4. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình ban hành và hướng dẫn chi tiết về khoản 2 Điều này.
Như vậy, dự thảo Luật Nhà giáo đề xuất về hợp đồng nhà giáo, bao gồm các loại hợp đồng (cố định thời hạn và không cố định thời hạn) áp dụng cho nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập, dân lập và tư thục. Ngoài ra, những nhà giáo đã kí hợp đồng trước khi Luật Nhà giáo có hiệu lực vẫn tiếp tục áp dụng cho đến khi có sự thay đổi theo các trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng nhà giáo.
(3) Giáo viên mầm non được nghỉ hưu tuổi 55
Tại khoản 1 Điều 46 dự thảo Luật Nhà giáo đề xuất tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non như sau:
Chế độ nghỉ hưu đối với nhà giáo
1. Giáo viên mầm non được nghỉ hưu khi đủ 55 tuổi và được hưởng các chế độ nghỉ hưu theo quy định; tuổi nghỉ hưu của nhà giáo khác thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động;
Như vậy, dự thảo Luật Nhà giáo đề xuất tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non là khi đủ 55 tuổi.
(4) Những trường hợp cấp chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo
Căn cứ khoản 3 Điều 15 dự thảo Luật Nhà giáo nêu rõ các trường hợp cấp chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo như sau:
Chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo
1. Chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo có giá trị sử dụng trong toàn quốc và quốc gia khác theo chương trình hợp tác quốc tế với Việt Nam.
2. Mỗi nhà giáo được cấp một (01) hoặc hơn một (01) chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo.
3. Các trường hợp được cấp chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo:
a) Nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục đạt chuẩn nhà giáo trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành;
b) Nhà giáo được tuyển dụng vào các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục đạt chuẩn nhà giáo sau ngày Luật này có hiệu lực thi hành nếu đạt yêu cầu của kỳ sát hạch chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo;
c) Nhà giáo đã nghỉ hưu nhưng chưa được cấp chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo (nếu có nhu cầu);
d) Nhà giáo nước ngoài nếu đáp ứng điều kiện theo quy định của cơ quan có thẩm quyền và có nhu cầu.
Như vậy, có 04 trường hợp cấp chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo.
(5) Đề xuất Nhà giáo sẽ được kéo dài thời gian làm việc thêm 10 năm
Chế độ kéo dài thời gian làm việc đối với nhà giáo
1. Nhà giáo có chức danh giáo sư, phó giáo sư và có trình độ tiến sĩ đang công tác tại cơ sở giáo dục được kéo dài thời gian làm việc kể từ khi đủ tuổi nghỉ hưu để giảng dạy, nghiên cứu khoa học.
2. Thời gian kéo dài làm việc đối với nhà giáo có trình độ tiến sĩ là không quá 5 năm; đối với nhà giáo có chức danh phó giáo sư là không quá 7 năm và đối với nhà giáo có chức danh giáo sư là không quá 10 năm.
3. Trong thời gian thực hiện nghỉ hưu ở tuổi cao hơn, nhà giáo chỉ làm nhiệm vụ chuyên môn, không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và không được bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo. Trong thời gian thực hiện kéo dài thời gian làm việc, nếu nhà giáo có nguyện vọng nghỉ làm việc hoặc đơn vị sự nghiệp không còn nhu cầu thì được giải quyết chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật.
4. Quyết định kéo dài thời gian công tác của nhà giáo được gửi cho tổ chức, cá nhân có liên quan trước thời điểm nghỉ hưu ít nhất 03 tháng.
5. Chính phủ quy định chi tiết thủ tục, trình tự xem xét kéo dài thời gian làm việc; chính sách đối với nhà giáo trong thời gian làm việc kéo dài.
Như vậy, dự thảo Luật Nhà giáo đề xuất một chế độ mới về kéo dài thời gian làm việc cho nhà giáo tại cơ sở giáo dục, đặc biệt là những người có chức danh giáo sư, phó giáo sư và trình độ tiến sĩ. Thời gian kéo dài làm việc được xác định cụ thể: không quá 5 năm cho nhà giáo có trình độ tiến sĩ, không quá 7 năm cho nhà giáo có chức danh phó giáo sư, và không quá 10 năm cho nhà giáo có chức danh giáo sư.
Trong thời gian kéo dài làm việc và nghỉ hưu ở tuổi cao hơn, nhà giáo chỉ được phép làm nhiệm vụ chuyên môn và không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Việc quyết định kéo dài thời gian làm việc cần phải được thông báo trước ít nhất 03 tháng và được gửi cho các tổ chức, cá nhân liên quan. Chính phủ sẽ định rõ thủ tục, trình tự xem xét kéo dài thời gian làm việc cũng như chính sách đối với nhà giáo trong thời gian làm việc kéo dài.
>> Xem toàn văn dự thảo Luật Nhà giáo của Bộ Giáo dục: Tải về
Tổng hợp những điểm mới nổi bật tại dự thảo Luật nhà giáo cần lưu ý bao gồm những điểm nào? (Hình ảnh Internet)
Hành vi bị nghiêm cấm của nhà giáo tại dự thảo Luật Nhà giáo là những hành vi nào?
Căn cứ vào khoản 1 Điều 11 dự thảo Luật Nhà giáo quy định các hành vi nghiêm cấm của nhà giáo bao gồm:
Các hành vi bị nghiêm cấm
1. Nghiêm cấm nhà giáo có các hành vi sau:
a) Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, thân thể của người học, đồng nghiệp và nhân dân;
b) Phân biệt đối xử giữa những người học dưới mọi hình thức;
c) Gian lận, cố ý làm sai lệch kết quả trong các hoạt động tuyển sinh, kiểm tra, thi, đánh giá người học;
d) Xuyên tạc nội dung giáo dục; lợi dụng hoạt động giảng dạy, giáo dục để tuyên truyền các nội dung trái đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tuyên truyền chính sách thù địch, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc;
đ) Ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức, nộp các khoản tiền ngoài quy định của pháp luật;
e) Lợi dụng chức danh nhà giáo và hoạt động giảng dạy, giáo dục để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; cho người khác sử dụng chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo dưới mọi hình thức;
g) Vi phạm đạo đức nhà giáo và các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, dự thảo đã đề xuất các hành vi bị nghiêm cấm đối với nhà giáo như trên.
Vai trò của nhà giáo hiện nay được quy định ra sao?
Căn cứ Điều 66 Luật Giáo dục 2019 quy định về vị trí, vai trò của nhà giáo như sau:
Vị trí, vai trò của nhà giáo
1. Nhà giáo làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong cơ sở giáo dục, trừ cơ sở giáo dục quy định tại điểm c khoản 1 Điều 65 của Luật này.
Nhà giáo giảng dạy ở cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục khác, giảng dạy trình độ sơ cấp, trung cấp gọi là giáo viên; nhà giáo giảng dạy từ trình độ cao đẳng trở lên gọi là giảng viên.
2. Nhà giáo có vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục, có vị thế quan trọng trong xã hội, được xã hội tôn vinh.
Theo đó, nhà giáo có vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục, có vị thế quan trọng trong xã hội, được xã hội tôn vinh.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.