Tổng cục Thuế giải đáp vướng mắc về sử dụng hóa đơn điện tử đối với người nộp thuế kinh doanh nhiều ngành nghề, nhiều mô hình kinh doanh?
Tổng cục Thuế giải đáp vướng mắc về sử dụng hóa đơn điện tử đối với người nộp thuế kinh doanh nhiều ngành nghề, nhiều mô hình kinh doanh?
Ngày 24/10/2023, Tổng cục Thuế ban hành Công văn 4694/TCT-DNNCN năm 2023 về việc hướng dẫn vướng mắc về sử dụng hóa đơn điện tử.
Theo đó, nội dung công văn nêu rõ quan điểm của Tổng cục Thuế về sử dụng hóa đơn điện tử:
Căn cứ quy định tại Luật Quản lý thuế 2019; Thông tư 78/2021/TT-BTC, Thông báo 547/TB-TCT năm 2023 của Tổng cục Thuế.
Trường hợp người nộp thuế có kinh doanh nhiều ngành nghề, nhiều mô hình kinh doanh có thể sử dụng nhiều hình thức hóa đơn điện tử nếu đáp ứng điều kiện về đăng ký sử dụng hóa đơn theo quy định.
Đối với hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với CQT không bắt buộc phải có thông tin địa chỉ người mua.
Tuy nhiên, người bán có trách nhiệm thực hiện kê khai đầy đủ thông tin người mua (tên, địa chỉ, mã số định danh cá nhân/mã số thuế) trên hóa đơn nếu người mua yêu cầu.
Tổng cục Thuế đã ban hành Thông báo 547/TB-TCT ngày 03/8/2023 về việc đính chính quy định về thành phần chứa dữ liệu nghiệp vụ HĐĐT và phương thức truyền nhận với cơ quan Thuế ban hành theo Quyết định 1510/QĐ-TCT ngày 21/9/2022, theo đó đã bổ sung chỉ tiêu địa chỉ trên hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.
Thông báo đồng thời đã được gửi cho các tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử, tổ chức kết nối truyền dữ liệu trực tiếp tới cơ quan Thuế để thực hiện.
Trong trường hợp ứng dụng của đơn vị cung cấp giải pháp chưa nâng cấp để đáp ứng theo Thông báo 547/TB-TCT ngày 03/8/2023 của Tổng cục Thuế thì Cục Thuế nắm bắt thông tin yêu cầu đơn vị cung cấp giải pháp thực hiện và phản ánh về Tổng cục Thuế để được hỗ trợ.
Hóa đơn điện tử phải có những nội dung nào?
Căn cứ tại Điều 10 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định nội dung trên hóa đơn phải có gồm:
(1) Tên hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, ký hiệu mẫu số hóa đơn theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định 123/2020/NĐ-CP.
(2) Tên liên hóa đơn áp dụng đối với hóa đơn do cơ quan thuế đặt in thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
(3) Số hóa đơn theo quy định tại khoản 3 Điều 10 Nghị định 123/2020/NĐ-CP.
(4) Tên, địa chỉ, mã số thuế của người bán
Trên hóa đơn phải thể hiện tên, địa chỉ, mã số thuế của người bán theo đúng tên, địa chỉ, mã số thuế ghi tại giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký thuế, thông báo mã số thuế, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã.
(5) Tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua
- Trường hợp người mua là cơ sở kinh doanh có mã số thuế thì tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua thể hiện trên hóa đơn phải ghi theo đúng tại giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký thuế, thông báo mã số thuế, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã.
Trường hợp tên, địa chỉ người mua quá dài, trên hóa đơn người bán được viết ngắn gọn một số danh từ thông dụng như: "Phường" thành "P"; "Quận" thành "Q", "Thành phố" thành "TP", "Việt Nam" thành "VN" hoặc "Cổ phần" là "CP", "Trách nhiệm Hữu hạn" thành "TNHH", "khu công nghiệp" thành "KCN", "sản xuất" thành "SX", "Chi nhánh" thành "CN"… nhưng phải đảm bảo đầy đủ số nhà, tên đường phố, phường, xã, quận, huyện, thành phố, xác định được chính xác tên, địa chỉ doanh nghiệp và phù hợp với đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế của doanh nghiệp.
- Trường hợp người mua không có mã số thuế thì trên hóa đơn không phải thể hiện mã số thuế người mua. Một số trường hợp bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ đặc thù cho người tiêu dùng là cá nhân quy định tại khoản 14 Điều này thì trên hóa đơn không phải thể hiện tên, địa chỉ người mua. Trường hợp bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho khách hàng nước ngoài đến Việt Nam thì thông tin về địa chỉ người mua có thể được thay bằng thông tin về số hộ chiếu hoặc giấy tờ xuất nhập cảnh và quốc tịch của khách hàng nước ngoài.
(6) Tên, đơn vị tính, số lượng, đơn giá hàng hóa, dịch vụ; thành tiền chưa có thuế giá trị gia tăng, thuế suất thuế giá trị gia tăng, tổng số tiền thuế giá trị gia tăng theo từng loại thuế suất, tổng cộng tiền thuế giá trị gia tăng, tổng tiền thanh toán đã có thuế giá trị gia tăng theo quy định tại khoản 6 Điều 10 Nghị định 123/2020/NĐ-CP.
(7) Chữ ký của người bán, chữ ký của người mua theo quy định tại khoản 7 Điều 10 Nghị định 123/2020/NĐ-CP.
(8) Thời điểm lập hóa đơn thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP và được hiển thị theo định dạng ngày, tháng, năm của năm dương lịch.
(9) Thời điểm ký số trên hóa đơn điện tử là thời điểm người bán, người mua sử dụng chữ ký số để ký trên hóa đơn điện tử được hiển thị theo định dạng ngày, tháng, năm của năm dương lịch. Trường hợp hóa đơn điện tử đã lập có thời điểm ký số trên hóa đơn khác thời điểm lập hóa đơn thì thời điểm khai thuế là thời điểm lập hóa đơn.
(10) Mã của cơ quan thuế đối với hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 123/2020/NĐ-CP.
(11) Phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước, chiết khấu thương mại, khuyến mại (nếu có) theo hướng dẫn tại điểm e khoản 6 Điều này và các nội dung khác liên quan (nếu có).
(12) Tên, mã số thuế của tổ chức nhận in hóa đơn đối với hóa đơn do cơ quan thuế đặt in.
(13) Chữ viết, chữ số và đồng tiền thể hiện trên hóa đơn theo quy định tại khoản 13 Điều 10 Nghị định 123/2020/NĐ-CP.
(15) Nội dung khác trên hóa đơn
Ngoài các nội dung hướng dẫn từ khoản 1 đến khoản 13 Điều 10 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp, tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh có thể tạo thêm thông tin về biểu trưng hay lo-go để thể hiện nhãn hiệu, thương hiệu hay hình ảnh đại diện của người bán. Tùy theo đặc điểm, tính chất giao dịch và yêu cầu quản lý, trên hóa đơn có thể thể hiện thông tin về Hợp đồng mua bán, lệnh vận chuyển, mã khách hàng và các thông tin khác.
(16) Nội dung hóa đơn bán tài sản công thực hiện theo hướng dẫn lập hóa đơn bán tài sản công theo Mẫu số 08/TSC-HĐ ban hành kèm theo Nghị định 151/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Tổng cục Thuế giải đáp vướng mắc về sử dụng hóa đơn điện tử đối với người nộp thuế kinh doanh nhiều ngành nghề, nhiều mô hình kinh doanh? (Hình từ Internet)
Hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế gặp sự cố không xuất được hóa đơn thì xử lý như thế nào?
Căn cứ tại Điều 20 Nghị định 123/2020/NĐ-CP hướng dẫn xử lý sự cố đối với hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế như sau:
Xử lý sự cố đối với hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế
1. Trường hợp người bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế nhưng gặp sự cố dẫn đến không sử dụng được hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế thì liên hệ với cơ quan thuế hoặc tổ chức cung cấp dịch vụ để hỗ trợ xử lý sự cố. Trong thời gian xử lý sự cố người bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ có yêu cầu sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế thì đến cơ quan thuế để sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế.
2. Trường hợp hệ thống cấp mã của cơ quan thuế gặp sự cố, Tổng cục Thuế thực hiện các giải pháp kỹ thuật chuyển sang hệ thống dự phòng và có trách nhiệm thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế về các sự cố nêu trên. Tổng cục Thuế lựa chọn một số tổ chức cung cấp dịch vụ về hóa đơn điện tử có đủ điều kiện để ủy quyền cấp mã hóa đơn điện tử trong trường hợp hệ thống của cơ quan thuế gặp sự cố.
Trường hợp trong thời gian chưa khắc phục được sự cố của cơ quan thuế thì cơ quan thuế có giải pháp bán hóa đơn do cơ quan thuế đặt in cho một số tổ chức, cá nhân để sử dụng. Sau khi hệ thống cấp mã của cơ quan thuế được khắc phục, cơ quan thuế thông báo để các tổ chức, cá nhân tiếp tục sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế chậm nhất 02 ngày làm việc kể từ thời hạn ghi trên thông báo của cơ quan thuế, tổ chức, cá nhân gửi báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn giấy đã mua của cơ quan thuế theo Mẫu số BC26/HĐG Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định này.
3. Trường hợp do lỗi hệ thống hạ tầng kỹ thuật của tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử thì tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử có trách nhiệm thông báo cho người bán được biết, phối hợp với Tổng cục Thuế để được hỗ trợ kịp thời. Tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử phải khắc phục nhanh nhất sự cố, có biện pháp hỗ trợ người bán lập hóa đơn điện tử để gửi cơ quan thuế cấp mã trong thời gian ngắn nhất.
4. Trường hợp Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế gặp lỗi kỹ thuật chưa tiếp nhận được dữ liệu hóa đơn điện tử không có mã, Tổng cục Thuế có trách nhiệm thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế. Trong thời gian này tổ chức, doanh nghiệp, tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử tạm thời chưa chuyển dữ liệu hóa đơn không có mã đến cơ quan thuế.
Trong vòng 2 ngày làm việc kể từ ngày Tổng cục Thuế có thông báo Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế hoạt động trở lại bình thường, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử chuyển dữ liệu hóa đơn đến cơ quan thuế. Việc gửi dữ liệu hóa đơn điện tử sau khi có thông báo Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế gặp lỗi kỹ thuật không được xác định là hành vi chậm gửi dữ liệu hóa đơn điện tử.
Như vậy, trường hợp hóa đơn điện tử gặp sự cố trong quá trình sử dụng thì người dùng liên hệ với cơ quan thuế hoặc tổ chức cung cấp dịch vụ để hỗ trợ và khắc phục sự cố.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.